Kéo dài giải phóng mặt bằng không ảnh hưởng tiến độ chung dự án Sân bay Long Thành
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khi trao đổi với các đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bình Định tại Tổ về tiến độ triển khai dự án Sân bay Long Thành.
Chiều 27/10/2023, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Đánh giá năng lực làm chủ đầu tư dự án của địa phương
Thảo luận tại Tổ 8, các đại biểu đều cho rằng, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại các luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Các cơ chế, chính sách này sẽ góp phần đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp (Nhà nước, tư nhân, Trung ương, địa phương), tháo gỡ nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Phát biểu thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Long thống nhất phương án trình của Chính phủ về tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm.
Theo Đại biểu, quy định này sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho các dự án khi phương án tài chính khả thi hơn, rút ngắn thời gian hoàn vốn; tạo động lực thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng các dự án đường bộ; tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện.
Về thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương và về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, khi trao quyền chủ động, giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án của địa phương hoặc dự án đi qua nhiều địa phương sẽ góp phần sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy tiến độ hoàn thành dự án, gián tiếp hỗ trợ thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án PPP, dự án đầu tư khác. Đồng thời, tạo sự linh hoạt trong điều hành ngân sách, đáp ứng nhu cầu cấp thiết và thuận lợi hơn cho công tác quản lý dự án.
Tuy nhiên, Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ đánh giá trên cơ sở xem xét năng lực điều hành, khả năng làm chủ đầu tư dự án của một số địa phương nhất định khi trao quyền vì dự án giao thông quy mô lớn đòi hỏi khả năng điều phối, năng lực điều hành, xử lý nhanh các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Trao đổi về nội dung này, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn đại biểu tỉnh Cần Thơ băn khoăn, tỷ lệ tham gia của Nhà nước vào dự án PPP không quá 70% liệu có giải quyết được vấn đề xã hội hóa vào dự án hay không. Theo Đại biểu, vấn đề thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội hóa phụ thuộc vào dự án, nhà đầu tư tư nhân sẽ quan tâm đến hiệu quả của dự án. Theo đó, nếu hiệu quả cao, họ sẵn sàng đầu tư với tỷ lệ cao, hiệu quả thấp thì tỷ lệ thấp, thậm chí tỷ lệ thấp cũng chưa chắc tham gia đầu tư. Do đó, Đại biểu cho rằng, quan trọng nhất vẫn cần phải cho thấy tiềm năng, hiệu quả của các dự án.
Vẫn kiểm soát được tiến độ Dự án Cảng hàng không Long Thành
Trao đổi về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên bày tỏ lo ngại khi dự án đã chậm gần 3 năm so với kế hoạch. Do đó, Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cần có lộ trình, giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án; rà soát đánh giá kỹ tính khả thi nếu điều chỉnh thời gian thực hiện và cần có giải pháp quyết liệt để hoàn thành đúng thời gian được Quốc hội cho phép.
Lý giải về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng - Đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên cho biết, Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án lớn triển khai trong bối cảnh nhiều biến động. Tình hình dịch bệnh COVID-19 gây khó khăn trong quá trình triển khai dự án, xung đột Nga-Ukraina làm giá nguyên vật liệu tăng, dẫn đến các nhà thầu không đủ khả năng thực hiện.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, dự án vẫn đang kiểm soát được tiến độ. Đến nay, các dự án đang được triển khai trở lại, tiến độ giải phóng mặt bằng đã qua giai đoạn khó khăn. Việc kéo dài dự án giải phóng mặt bằng sang năm 2024 sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án Cảng hàng không Long Thành.
"Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo quyết liệt nhà thầu đẩy nhanh tối đa, cố gắng vượt tiến độ thực hiện dự án. Nếu vượt tiến độ 6 tháng thì vẫn đảm bảo tiến độ hoàn thành năm 2025", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.