Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam - Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống ngành tài chính

Thanh Sơn

Nhân dip kỷ niệm 78 năm ngày Truyền thống ngành Tài chính Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2023), Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Tài chính tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức đoàn dâng hương tưởng niệm tại Nhà bia Kinh tài Trung ương Cục miền Nam thuộc Chiến khu Đ.

Đoàn cán bộ ngành tài chính dâng hương ở Nhà bia Ban kinh tài Trung ương Cục Miền Nam tại Suối Nhum - Mã Đà, Chiến khu Đ. Ảnh: Thế Nam
Đoàn cán bộ ngành tài chính dâng hương ở Nhà bia Ban kinh tài Trung ương Cục Miền Nam tại Suối Nhum - Mã Đà, Chiến khu Đ. Ảnh: Thế Nam

Tham dự buổi lễ dâng hương có các cơ quan đại diện gồm Cơ quan đại diện Văn phòng, Cơ quan đại diện Văn phòng Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính, Tạp chí Tài chính... cùng cán bộ các cơ quan ngành Tài chính tỉnh Đồng Nai.

Đoàn tìm hiểu về lịch sử Trung ương Cục miền Nam được thành lập lần 01 vào ngày 19/02/1951, đến tháng 10/1954, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam để thành lập Xứ ủy Nam Bộ. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, cuối năm 1955, tại các địa phương thuộc vùng địch tạm chiếm, các tổ chức Đảng phải trở lại hoạt động bí mật. 

Sau Phong trào Đồng Khởi năm 1960, cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, các cuộc khởi nghĩa từng phần đã chuyển thành một cuộc chiến tranh cách mạng trên quy mô toàn miền Nam, Trung ương Cục miền Nam đã tái lập vào ngày 23/01/1961, đóng tại Suối Nhum - Mã Đà, Chiến khu Đ (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).

Nhân sự lãnh đạo Trung ương Cục lúc này gồm 8 người,  do đồng chí Nguyễn Văn Linh (tức Mười Cúc) - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ làm Bí thư Trung ương Cục. Qua từng giai đoạn, Trung ương Cục miền Nam được mang nhiều tên gọi (mật danh) khác nhau như A9, M40, K89, Ba Đình…

Như vậy, Ban Kinh Tài Trung ương Cục miền Nam, tiền thân là Ban Tài chính Xứ uỷ Nam Bộ, ra đời trong hoàn cảnh ác liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong quá trình hoạt động, cán bộ, nhân viên Ban Kinh Tài Xứ ủy Nam Bộ đã vượt qua gian lao thử thách, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, đảm bảo cung cấp cho các lực lượng cách mạng, với trách nhiệm nặng nề.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: Thế Nam
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: Thế Nam

Đến năm 1962, do Chiến khu Đ bị địch đánh phá quá ác liệt, Ban Kinh tài đã chuyển về Tây Ninh. Tuy Trung ương Cục miền Nam trú đóng ở Chiến khu Đ một thời gian không lâu (1961-1962) nhưng căn cứ kháng chiến này đã trở thành biểu tượng cho ý chí chiến đấu của quân và dân ta, trong đó có Ban Kinh tài. Cũng là nơi lưu giữ lịch sử hào hùng của mảnh đất miền Đông gian lao và anh dũng.

Từ khi được thành lập công tác kinh tế tài chính được điều hành một cách thông suốt và theo chủ trương đường lối thống nhất. Cán bộ kinh tài cùng các đoàn thể giải phóng đã vận động quần chúng nhân dân ủng hộ lương thực, tài chính cho cách mạng; tiếp nhận các nguồn viện trợ từ miền Bắc, kiều bào ở nước ngoài và viện trợ của các nước bạn gửi vào; tổ chức tốt đời sống vật chất cho toàn thể cán bộ nhân dân trong vùng giải phóng.

Ban Kinh tài do đồng chí Phạm Văn Xô (Hai Xô, Hai Già) làm trưởng Ban. Sau đó, Trung ương cục và Ban Kinh tài chuyển căn cứ về Khu B, Bắc Tây Ninh tiếp tục hoạt động đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngoài dâng hương tưởng niệm tại Nhà bia Kinh tài, Đoàn cũng đã tham quan và thắp nhang tại khu nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà. Nơi đây có 70 phần mộ liệt sỹ nhưng chỉ có 5 ngôi mộ là có tên. Theo người hướng dẫn cho biết "thực tế, nơi đây đang chứa hàng ngàn hài cốt các liệt sỹ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chỉ tính riêng Sư đoàn 9, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ có khoảng 12 vạn chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trong khu vực khoảng 2 ha của rừng Mã Đà này”.

"Cán bộ, công chức Bộ Tài chính luôn trân trọng và biết ơn sự hy sinh to lớn của hàng ngàn cán bộ ngành Tài chính để mạch máu tài chính thông suốt, kịp thời chi viện cho các chiến trường và đáp ứng yêu cầu trong mỗi giai đoạn lịch sử. Trong những năm qua, ngành Tài chính đã có nhiều hoạt động thiết thực với mong muốn được tri ân đối với những người đã hy sinh cho nền độc lập dân tộc, cho sự phát triển của ngành Tài chính", Đại diện đoàn dâng hương chia sẻ.

Do vậy, Mã Đà - Trung ương Cục miền Nam - Chiến khu Đ đã trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước. Những năm gần đây, Mã Đà ngày càng thu hút khách du lịch đến tham quan, chiêm bái, tri ân các anh hùng, liệt sỹ an nghỉ tại nơi đây.