Bán lẻ thế hệ mới, tương lai nằm trong sự thay đổi
Trong sự kiện “NEXT GENERATION RETAIL - Embracing design for future opportunities" – Bán lẻ thế hệ mới – thiết kế cho tương lai” được tổ chức dành riêng cho các nhà bán lẻ và các chuyên gia trong ngành vừa qua, Savills Việt Nam đã mang đến các thông tin đầy thú vị.
Chương trình cũng hướng đến việc cập nhật những xu hướng Bán lẻ mới trên toàn cầu, cũng như những yếu tố mà các nhà đầu tư trong ngành cần cân nhắc để đón đầu những làn sóng mới.
Theo bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam, trong quý I/2018, tổng nguồn cung bán lẻ tại riêng TP. Hồ Chí Minh khoảng hơn 1,2 triệu m2 sàn với 73.000 m2 sàn mới từ 3 siêu thị và 2 trung tâm mua sắm được khai trương. Ba dự án đóng cửa và 3 dự án đổi chức năng, tổng cộng giảm 39.200 m2 sàn.
Giá thuê trung bình giảm nhẹ -1% theo quý. Công suất thuê trung bình giảm nhẹ -1 điểm % do nguồn cung mới tại khu vực ngoài trung tâm có giá thuê và công suất thuê thấp. Các thương hiệu thời trang mới và thương hiệu F&B quốc tế gia nhập và thay thế những thương hiệu kém thu hút. Doanh thu bán lẻ tăng cao ở F&B, quần áo và vật dụng gia đình. Tiện ích tự động và mua hàng trực tuyến trở nên phổ biến. Thương mại điện tử liên tục thu hút đầu tư, với nổi bật là việc tham gia bước đầu thị trường Việt Nam của Amazon.
Theo ông Troy Griffiths – Phó Giám Đốc Điều hành Savills Việt Nam, ngành bán lẻ tại Việt Nam đang trải qua quá trình biến chuyển và tiến hóa mạnh mẽ. Trong quá khứ, những loại hình bán lẻ đương đại là rất hiếm thấy. Giờ thì chúng ta có gì? Hàng loạt sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường, nhiều trung tâm mua sắm mọc lên với những thiết kế thời thượng, đẹp mắt. Bán lẻ đang thay đổi từng ngày, và điều này cũng ảnh hưởng khá lớn đến hành vi tiêu dùng.
Trong thời gian tới, chúng ta sẽ còn có dịp chứng kiến rất nhiều những mô hình bán lẻ mới, với những tiện ích hiện đại phục vụ tối đa nhu cầu trải nghiệm, giải trí lẫn sang tạo. Thêm vào đó, thị trường thương mại điện tử, đơn cử tại Việt Nam cũng đang lớn mạnh cùng sự phát triển công nghệ thông minh. Và hơn hết, tất cả những sự thay đổi, tiến hóa này đều hướng đến người tiêu dùng.
Còn đối với ông Trevor Vivian – Giám Đốc điều hành Tập đoàn Benoy, trong ngành bán lẻ, trung tâm mua sắm đang thay đổi khắp châu Á, một phần cũng bởi sự thay đổi của người tiêu dùng và thói quen của họ. Sự thay đổi của thị trường bán lẻ Việt Nam vô cùng rõ rệt, điển hình là tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Sự thay đổi đến từ việc chuyển đổi của thị trường kinh tế thời kì đầu, sang một nền kinh tế có thể được gọi là “tinh tế” hơn.
Sự tinh tế đến từ chính bản thân ngành bán lẻ, xu hướng thiết kế, thậm chí lan sang cả ngành ẩm thực. Ngoài hương vị tuyệt vời, đồ ăn Việt Nam cũng vô cùng đẹp mắt. Chính vì thị trường thay đổi quá nhanh, chúng ta lại cần phải nhanh chóng tìm hiểu kỹ lưỡng hơn.
Trong khi đó, theo ông Nicholas Bradstreet – Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận cho thuê Savills Hồng Kong, ngành bán lẻ Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng ấn tượng vào khoảng 129.6 tỉ đô la trong năm 2017, tăng 10,6% so với năm 2016. Nền kinh tế Việt Nam cũng nằm trong top những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Ông Nicholas Bradstreet cũng cho rằng, nhà bán lẻ cũng như chủ cho thuê cần có sự chuẩn bị, phản ứng phù hợp với những xu hướng mới, ví dụ như tích hợp thêm nhiều giá trị giái trí, ẩm thực dành cho khách hàng bên cạnh nhu cầu thương mại, mua sắm. Mô hình pop-up store cũng đang là một giải pháp phổ biến, khi phù hợp với nhiều hoàn cảnh, mục đích từ việc giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, cũng như kiểm tra thị trường mới…