Khác với các sản phẩm, dịch vụ của các lĩnh vực khác, chất lượng kiểm toán không dễ dàng quan sát hay kiểm tra, đánh giá. Trên thực tế, thường có một khoảng cách nhất định về quan điểm hay mức độ thỏa mãn giữa người quản lý, người sử dụng và cung cấp dịch vụ tới chất lượng kiểm toán.
Mặc dù, chất lượng kiểm toán Báo cáo tài chính (BCTC) trong DN được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào góc nhìn của các đối tượng quan tâm, nhưng đều có chung mục tiêu là kiểm toán viên (KTV) đưa ra ý kiến đúng đắn về tính trung thực của thông tin trên BCTC kiểm toán tại DN. Hơn nữa, BCTC có tuân thủ các chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành, phản ánh đúng bản chất hoạt động kinh doanh của DN hay không? Theo đó, chất lượng của kiểm toán bảo đảm trung thực, minh bạch, công khai sẽ giúp ích đáng kể cho nhà quản lý, nhà đầu tư và cho chính DN khi sử dụng kết quả kiểm toán.
Để nâng cao chất lượng kiểm toán phải tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán của Việt Nam và quốc tế. Đây cũng chính là nguyên tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mà người KTV phải tuân thủ, qua đó, thể hiện tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp. Đến nay có hai quan điểm chính về chất lượng kiểm toán độc lập đối với BCTC, được hình thành từ thực hành, nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tượng sử dụng dịch vụ kiểm toán cũng như khả năng phát hiện các báo cáo sai phạm tình hình của DN trên các BCTC được kiểm toán.
Thứ nhất, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng: Theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 220 (VSA 220) và Chuẩn mực Kiểm toán Quốc tế số 220 (ISA 220), “Chất lượng kiểm toán là mức độ thoả mãn về tính khách quan và độ tin cậy vào ý kiến kiểm toán của những đối tượng sử dụng dịch vụ kiểm toán đồng thời thoả mãn về mong muốn có được những ý kiến đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, kế toán của đơn vị được kiểm toán với thời gian định trước và giá phí thích hợp.
Như vậy, ở đây được hiểu trên khía cạnh mức độ thỏa mãn của đối tượng sử dụng các BCTC. Với đặc trưng của kiểm toán BCTC trong DN, thì đối tượng sử dụng dịch vụ kiểm toán là các cá thể quản lý trực tiếp đứng đầu DN, sau đó là các cơ quan quản lý và DN đươc kiểm toán.
Thứ hai, dưới góc nhìn của nhà đầu tư, nhà quản lý, đối tác của công ty. Đây được coi là những đối tượng thứ ba chịu tác động rủi ro cũng như lợi ích nhiều nhất từ việc sử dụng dịch vụ kiểm toán. Dưới góc nhìn của nhóm đối tượng này, một cuộc kiểm toán có chất lượng phải thỏa mãn được nhu cầu về độ tin cậy, tính trung thực và hợp lý của các BCTC được kiểm toán, để từ đó đưa ra quyết định kinh tế đúng đắn, điều hành cho phù hợp. Trong hoạt động kiểm toán tại các DN hiện nay, các nghiên cứu về chất lượng kiểm toán được đánh giá thông qua mức độ thỏa mãn về tính khách quan và độ tin cậy từ phía các KTV có năng lực, trình độ chuyên môn, độc lập, minh bạch và có kinh nghiệm.
Từ những yêu cầu trong hợp đồng kiểm toán và chi phí cho dịch vụ kiểm toán mà các công ty kiểm toán – Chủ thể thực hiện kiểm toán xây dựng quy trình kiểm toán, kiểm soát tại các DN, để giúp KTV thực hiện một cuộc kiểm toán có chất lượng tuân thủ đầy đủ chuẩn mực VSA 220, tuân thủ các quy trình, các thủ tục do chính công ty kiểm toán thiết lập, đồng thời thỏa mãn nhu cầu của khách hàng DN trong việc tư vấn. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động kiểm toán tại các DN cũng phải gắn với mục tiêu lợi nhuận của công ty kiểm toán, tức là chi phí dịch vụ kiểm toán phù hợp với mức độ rủi ro kiểm toán (giảm thiểu các vụ kiện tụng, tăng cường uy tín).
Các chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán cho rằng, sự hợp tác của DN được coi là yếu tố quyết định tạo nên thành công của hoạt động kiểm toán và mang lại hiệu quả cao cho công ty kiểm toán khi thực hiện kiểm toán tại DN.
Bên cạnh đó, có một số quan điểm của giới kiểm toán cho rằng, chất lượng kiểm toán là khả năng phát hiện và báo cáo các sai phạm trọng yếu trong BCTC của DN. Theo đó, nhiều nhà khoa học kiểm toán dựa vào quan điểm này để phát triển các lý luận kiểm toán và chất lượng kiểm toán. Khả năng các KTV phát hiện được các sai phạm trọng yếu của DN phụ thuộc vào nhiều nhân tố, đặc biệt là năng lực nghề nghiệp của KTV…
Có thể nói, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, kiểm toán được coi là một loại dịch vụ đặc biệt. Mặc dù chất lượng kiểm toán được nhìn nhận dưới các quan điểm khác nhau về mức độ thỏa mãn của DN và đối tượng quan tâm tới chất lượng kiểm toán, thì mục tiêu kiểm toán vẫn phải được đảm bảo về độ tin cậy của các BCTC tại DN. Kiểm toán BCTC trong DN góp phần đánh giá đúng năng lực “sức khỏe” của DN, cũng như tìm ra những sai phạm trọng yếu trong BCTC của DN. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Một số khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những mặt tích cực ở trên, kiểm toán BCTC trong DN còn có một số hạn chế, vướng mắc ảnh hưởng đến kết quả kiểm toán.
Một là, trình tự và các bước trong công tác kiểm toán BCTC trong DN của các tổ chức, công ty kiểm toán chưa xây dựng và ban hành một bộ tài liệu chuẩn thể hiện trình tự cụ thể khoa học các bước công việc kiểm toán một cách logic và chặt chẽ. Vì thế, các hoạt động kiểm toán trong mỗi cuộc kiểm toán DN thường mang tính chủ quan, theo yêu cầu của khách hàng và kinh nghiệm của KTV. Do đó, khi tiến hành kiểm toán BCTC trong DN thì KTV thường bị động, tính linh hoạt bị hạn chế.
Hai là, khi thực hiện dịch vụ kiểm toán BCTC trong DN, các KTV thường chỉ tập trung xác nhận tính đúng đắn trung thực của các chỉ tiêu trên đối tượng BCTC mà đơn vị bị kiểm toán lập theo quy định của Nhà nước. Với thực trạng xác định đối tượng kiểm toán như vậy thì việc xác nhận tính trung thực, hợp lý của các đối tượng kiểm toán có thể không toàn diện vàtriệt để. Thêm vào đó là việc kiểm toán xác nhận BCTC còn phải đánh giá việc tuân thủ quy trình mang tính đặc thù của mỗi DN…
Ba là, các cuộc kiểm toán BCTC của DN được KTV và các công ty kiểm toán thực hiện chỉ xác định mục tiêu kiểm toán chung cho mọi khoản mục, thông tin mà chưa cụ thể hóa các mục tiêu kiểm toán đối với nghiệp vụ và số dư tài khoản. Vì khi kiểm toán xác nhận các thông tin trên BCTC thì cần thiết phải thực hiện các thủ tục kiểm tra cho hai loại thông tin, bao gồm: Thông tin số dư và thông tin nghiệp vụ. Nếu không xác định rõ mục tiêu cho nghiệp vụ và số dư thì KTV rất khó xác định các thủ tục kiểm toán phù hợp. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến việc chỉ đạo cũng như kiểm soát các công việc kiểm toán…
Bốn là, nội dung kiểm toán hiện nay tại các DN còn dàn trải, chưa có sự chọn lọc và tập trung và các nội dung sao cho phù hợp với yêu cầu đặt ra của mỗi cuộc kiểm toán.
Năm là, kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán chưa được coi trọng và thực hiện đầy đủ. Hệ quả là kết quả kiểm toán BCTC trong DN vẫn còn những sai sót đáng tiếc trong hành vi và xét đoán của KTV liên quan đến các tiêu thức: Đánh giá khách hàng DN và chấp nhận kiểm toán; Đánh giá trọng yếu và rủi ro; Xác định phạm vi và thủ tục kiểm toán…
Tóm lại, thực trạng kiểm toán của các tổ chức kiểm toán độc lập hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết, trong đó tiêu biểu là các tiêu chí và nguyên tắc kiểm soát chưa được xây dựng và ban hành thống nhất. Đồng thời, chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán chưa đáp ứng kịp với đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn cuộc sống.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính (2003), Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 220 - Kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán, (Ban hành theo Quyết định số 28/2003/QĐ-BTC ngày 14 tháng 3 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính);
2. Bùi ThịThủy (2014), Nghiên cứu các yếu tốảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán BCTC của các DN niêm yết, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tếquốc dân;
3. Mạnh Đình, Kiểm soát từ ngoài, giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC các DN niêm yết, Tạp chí Học viện Ngân hàng;
4. Phạm Tiến Hưng, Một số hạn chế và vướng mắc trong kiểm toán BCTC DN xây lắp ở các tổ chức kiểm toán độc lập trong thời gian qua, Tạp chí Kiểm toán.
Bàn về chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính trong doanh nghiệp
(Tài chính) Có nhiều quan điểm khác nhau về chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính trong doanh nghiệp, tuy nhiên, có thể hiểu kiểm toán báo cáo tài chính trong doanh nghiệp được coi là một loại hình dịch vụ đặc biệt, mà sản phẩm cuối cùng của nó là kết quả kiểm toán hoạt động của doanh nghiệp thông qua các báo cáo tài chính.
Xem thêm