Bàn về cơ hội phát triển của Việt Nam trong cục diện thế giới hiện nay
(Tài chính) Khi mà nền kinh tế còn yếu, khả năng tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế còn hạn chế, kinh nghiệm quản trị, trình độ quản trị và công nghệ còn chưa cao, sự chủ động trong hội nhập kinh tế chưa vững chắc, thì Việt Nam cần có những đối tác lớn.
Trung Quốc sẽ không trỗi dậy hòa bình
Thông điệp trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc được đưa ra dưới thời của ông Hồ Cẩm Đào, chính thức đề cập lần đầu tiên vào tháng 12/2003. Chỉ trước đó hai năm, GS. Mearsheimer đã viết cuốn sách “Bi kịch về chính trị học cường quốc” nổi tiếng, trong đó hoàn toàn bác bỏ học thuyết trỗi dậy hòa bình của một cường quốc mới. Chính vì vậy, ngay từ ngày 17/9/2004, GS. Mearsheimer đã có bài viết nhan đề: “Tại sao sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ không hòa bình” (không có dấu chấm hỏi). Thời gian đó, GS. Mearsheimer có lẽ tương đối “cô đơn” khi đưa ra quan điểm này. Tuy nhiên, ông đã bảo vệ quan điểm này liên tục trong suốt 10 năm qua. Không phải vì ông “ghét” Trung Quốc, mà bởi đó là logic ông đã nghiên cứu và khái quát lên từ lịch sử phát triển của các cường quốc trên thế giới.
Vậy mà, thực tế mười năm qua đã diễn ra đúng như lý thuyết mà GS. Mearsheimer đã khái quát lên. Không khí bi quan, tiếng nói phản đối yếu ớt đối với lý thuyết của ông trong buổi trao đổi tại Harvard vì chưa tìm được lý thuyết và bằng chứng vững chắc thay thế, khiến nhiều khả năng, những năm sắp tới, đây sẽ là lý thuyết có ảnh hưởng quan trọng tới việc định hình chiến lược của Mỹ và các nước châu Á.
Lý thuyết chính trị quốc tế của GS. Mearsheimer cho rằng, các cường quốc mạnh nhất sẽ nỗ lực thiết lập bá quyền khu vực thay vì bá quyền toàn cầu, trong khi tìm mọi cách đảm bảo rằng, không có cường quốc đối thủ nào thống trị được khu vực khác.
Sinh tồn là mục tiêu quan trọng nhất của một nhà nước, bởi nó không thể theo đuổi bất kỳ mục tiêu nào khác nếu không thể sống sót. Cấu trúc cơ bản của hệ thống quốc tế buộc các nhà nước phải quan tâm đến vấn đề an ninh để cạnh tranh quyền lực với các nhà nước khác. Mục tiêu cuối cùng của mỗi cường quốc là nắm được tối đa phần quyền lực của mình đối với thế giới và cuối cùng thống trị cả hệ thống.
Hệ thống quốc tế có ba đặc điểm nền tảng: (i) Người chơi chính là các nhà nước hoạt động, mà không bị kiểm soát, không có quyền lực nào cao hơn ở trên nó; (ii) Tất cả các cường quốc đều có năng lực quân sự ở thế tấn công; (iii) Không nhà nước nào có thể biết chắc về ý định của các nhà nước khác, đặc biệt là ý định trong tương lai, bởi đơn giản, thậm chí không ai biết được ai sẽ nắm quyền trong tương lai 10-20 năm nữa.
Trong một thế giới mà các nhà nước có thể có những ý đồ xấu, cũng như năng lực tấn công lớn, các nhà nước có xu hướng sợ hãi nhau. Sự sợ hãi còn được nhân đôi trước thực tế hệ thống quốc tế không bị kiểm soát, không có ai để các nhà nước cầu cứu khi vấn đề xấu xảy ra. Vì thế, các nhà nước nhận thấy cách tốt nhất để sống sót trong một hệ thống như vậy là phải trở nên hùng mạnh nhất có thể so với đối thủ tiềm năng. Một nhà nước càng mạnh hơn, thì càng ít khả năng một nhà nước khác sẽ tấn công họ.
Nhưng, các cường quốc không chỉ nỗ lực để trở thành cường quốc mạnh nhất, mục tiêu cuối cùng của họ phải là bá quyền - là cường quốc duy nhất trong hệ thống. Bá quyền trong thế giới hiện đại này là bá quyền của khu vực thay vì bá quyền toàn cầu bởi vì quá khó để thực thi và duy trì quyền lực trên toàn cầu và ở những vùng lãnh thổ xa xôi. Kết quả tốt nhất mà một nhà nước có thể hy vọng là bá quyền khu vực và do đó thống trị khu vực địa lý của riêng mình. Các nhà nước giành được bá quyền khu vực có mục tiêu xa hơn nữa: họ tìm cách ngăn ngừa các cường quốc khác ở các vùng khác lặp lại được kỳ công này như mình. Nói cách khác, các bá quyền khu vực không muốn có đối thủ. Thay vào đó, bá quyền khu vực muốn giữ các khu vực khác bị chia rẽ quanh vài cường quốc để các nhà nước này sẽ cạnh tranh với nhau và không thể tập trung gây ảnh hưởng đến khu vực của nước bá quyền.
Tóm lại, lý thuyết của GS. Mearsheimer cho rằng, tình huống lý tưởng đối với bất kỳ cường quốc nào là trở thành bá quyền khu vực duy nhất trên thế giới.
Chuyển đổi chiến lược của Mỹ và Nhật Bản
Logic và thực tế đều cho thấy, Trung Quốc muốn thống trị châu Á, thực thi bá quyền ở châu Á. Không có cách nào để tránh được xu hướng này. Để bảo toàn vị trí bá quyền khu vực duy nhất trên thế giới của mình, lịch sử đã cho thấy Mỹ sẽ tìm mọi cách để điều này không xảy ra. Các nước láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là Nhật Bản, chắc chắn cũng sợ hãi trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và họ cũng sẽ làm bất cứ điều gì có thể để ngăn Trung Quốc thực hiện ý đồ.
Song, câu hỏi lớn nhất được đặt ra lúc này là: Liệu Trung Quốc có thể tiếp tục tăng trưởng kinh tế không? Nhìn từ góc độ của Mỹ và Nhật Bản, kịch bản tồi tệ nhất là Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng và đạt GDP bình quân đầu người tương đương mức của Đài Loan hay Hồng Kông hiện nay, khi đó Trung Quốc sẽ mạnh gấp 2-3 lần Mỹ. Còn kịch bản tốt nhất là Trung Quốc không tăng trưởng. Đây cũng là vấn đề cốt lõi mà Mỹ và Nhật sẽ phải tìm mọi cách đạt được. Trong những thập kỷ tới, đối với những cường quốc cạnh tranh với Trung Quốc, những lợi ích về kinh tế phải lùi bước trước lợi ích chính trị và cao nhất là an ninh. Do đó, các quốc gia này sẽ có sự chuyển đổi chiến lược để kiềm chế Trung Quốc.
Đối với Nhật Bản, nước lo lắng nhất khi Trung Quốc trỗi dậy không hòa bình, thì giải pháp còn nằm ở hai vấn đề lớn: (1) Có phát triển vũ khí hạt nhân không? (2) Liệu Nhật Bản có thể tin cậy ở sự cam kết bảo vệ của Mỹ đến mức nào? Một mặt, Nhật Bản chắc chắn đã, đang và sẽ phải xây dựng các liên minh cân bằng với Trung Quốc ở châu Á, nhưng mặt khác, Nhật Bản sẽ phải tìm cách tự bảo vệ mình, dựa vào chính mình, nhất là khi Nhật Bản hoàn toàn có thực lực để làm điều này.
Đâu là cơ hội của Việt Nam?
Nếu như điều cần làm nhất của các cường quốc đối thủ với Trung Quốc là tìm mọi cách kìm hãm tăng trưởng kinh tế bền vững của Trung Quốc, thì tương tự, điều cần làm nhất với Việt Nam là tìm cách tăng trưởng kinh tế nhanh và vững chắc. Khi mà nền kinh tế còn yếu, khả năng tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế còn hạn chế, kinh nghiệm quản trị, trình độ quản trị và công nghệ còn chưa cao, sự chủ động trong hội nhập kinh tế chưa vững chắc, thì Việt Nam cần có những đối tác lớn. Vậy đâu là quốc gia có thể giúp Việt Nam xây dựng thực lực về kinh tế?
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 12/01/2011 đến ngày 19/01/2011, tại Thủ đô Hà Nội
Liệu có phải là Trung Quốc?
Có nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc “núi liền núi, sông liền sông”, Việt Nam và Trung Quốc cần phải là đồng minh chiến lược quan trọng nhất, vì Việt Nam và Trung Quốc là hai trong số rất ít ỏi các quốc gia trên thế giới có chung ý thức hệ. Mặc dù vậy, nếu xét kỹ những gì Trung Quốc đã và đang làm, thì dường như Trung Quốc không nghĩ như vậy. Các nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc coi “mâu thuẫn cơ bản của cộng đồng quốc tế thời kỳ chiến tranh lạnh không phải là mâu thuẫn của hình thái ý thức, không phải mâu thuẫn giữa xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, không phải mẫu thuẫn giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển, mà chính là mâu thuẫn giữa quốc gia đứng đầu (Mỹ) và quốc gia tiềm năng đứng đầu (Liên Xô)” [1]. Đồng thời, cũng chỉ rõ: “Mâu thuẫn cơ bản giữa hai nước Trung – Mỹ thực chất là mâu thuẫn giữa quốc gia đứng đầu và quốc gia có tiềm năng chiếm ngôi đứng đầu…, không phải là mâu thuẫn hình thái ý thức hệ, Mỹ quan tâm vấn đề ngôi vị số 1 của Trung Quốc, không phải là họ “xã” hay họ “tư”, mà là đối phương mạnh hay yếu. Nước Mỹ không sợ Trung Quốc xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà sợ Trung Quốc lớn mạnh. Đối với Mỹ mà nói, Mỹ thà cần một nước Trung Hoa xã hội chủ nghĩa không phát triển, chứ không chấp nhận một Trung Quốc tư bản chủ nghĩa hùng mạnh. Chỉ cần Trung Quốc không đuổi kịp vượt mặt Mỹ, không giành ngôi vị thủ lĩnh thế giới của nước Mỹ, thì Trung Quốc có theo đường lối chủ nghĩa xã hội, Mỹ cũng sẽ ủng hộ, hợp tác nhiệt tình. Chỉ cần Trung Quốc có ý định trở thành nước số một thế giới…, thì dù Trung Quốc theo tư bản chủ nghĩa hơn cả chủ nghĩa tư bản nước Mỹ, cũng bị Mỹ kiên quyết ngăn chặn” [1]. Tư tưởng này không phải là mới mà đã được Trung Quốc thực hiện triệt để và rất thành công kể từ khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng cải cách mở cửa năm 1978 với phương châm “mèo trắng, mèo đen, miễn là bắt được chuột” nhằm đạt được mục tiêu tối cao là sự thịnh vượng của đất nước Trung Quốc.
Suy nghĩ của người Trung Quốc về quan hệ Trung – Mỹ cho thấy, một gợi ý quan trọng về quan hệ Việt – Trung. Nếu như Trung Quốc coi việc Nam tiến, trong đó quan trọng nhất là kiểm soát được Biển Đông là một mắt xích quan trọng trong Đại Chiến lược của Trung Quốc, thì việc Việt Nam suy yếu, không thể giữ được chủ quyền của quốc gia trên Biển Đông đối với quốc gia này mới là điều quan trọng. Điều quan tâm số 1 của Trung Quốc, không phải là họ “xã”, hay họ “tư”, mà là Việt Nam mạnh, hay yếu. Trung Quốc sợ Việt Nam lớn mạnh. Thực chất, hình thái ý thức hệ không phải là điều quan trọng nhất với Trung Quốc, quan trọng nhất là làm sao giữ cho Việt Nam yếu và lệ thuộc vào Trung Quốc, phục vụ tốt nhất mục đích của Trung Quốc. Trong trường hợp như vậy, liệu Việt Nam có thể trông chờ một quan hệ đối tác đích thực giúp Việt Nam tăng tốc phát triển từ Trung Quốc?
Mỹ có thể là đối tác chiến lược thực sự giúp Việt Nam tăng tốc phát triển?
Khi gần đây, những tranh chấp liên quan đến chủ quyền biển đảo nói chung cũng như khai thác tài nguyên biển với Trung Quốc ngày càng phức tạp, có không ít ý kiến của giới học giả trong và ngoài nước cho rằng, Việt Nam nên dựa nhiều hơn vào Mỹ để có đối trọng với Trung Quốc trong những tranh chấp về biển Đông. Tuy vậy, Mỹ không phải là đối tác chiến lược thực sự để có thể giúp Việt Nam tăng tốc phát triển. Bởi, xét về phương diện kinh tế, lĩnh vực quan trọng nhất mà nước ta cần và muốn hợp tác với đối tác chiến lược, hiện tại và trong tương lai gần, Mỹ không “đồng điệu” với Việt Nam.
Đối tác kinh tế mang tính chiến lược được hay không, về cơ bản, không phụ thuộc nhiều vào ý chí của chính phủ, mà chủ yếu phụ thuộc vào ý chí của các tập đoàn đa quốc gia. Câu hỏi cần phải trả lời là: Các tập đoàn đa quốc gia Mỹ có thể coi Việt Nam là địa điểm chiến lược để đầu tư sản xuất, kinh doanh hay không? Để hiểu rõ hơn có thể phân tích qua đánh giá của các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ đối với sự nổi lên của hai siêu cường tương lai là Trung Quốc và Ấn Độ. Đối với Trung Quốc, người Mỹ gọi sự nổi lên này là “kẻ thách thức”, trong khi đối với Ấn Độ, người Mỹ coi đó là “đồng minh” [2]. Trung Quốc không phải là “đồng minh” trong kinh doanh với Mỹ (dù 480/500 tập đoàn đa quốc gia của Mỹ và thế giới đã đến Trung Quốc) có lý do quan trọng nhất nằm ở sự khác biệt trong tư duy, trong văn hóa kinh doanh.
Theo các nhà doanh nghiệp Mỹ, “bất chấp gần ba thập niên cải cách kinh tế, gần 10 năm làm thành viên của WTO, và tất cả những cạm bẫy của chủ nghĩa tư bản hiện đại, văn hóa kinh doanh của Trung Quốc rõ ràng là vẫn chưa minh bạch và bị buộc chặt vào nhà nước… Nhà nước hiện diện khắp nơi trong bối cảnh kinh doanh… trực tiếp kiểm soát bốn ngân hàng thương mại lớn nhất nước… chỉ định những khoản vay lãi suất thấp cho những công ty được ưu đãi với mục đích rõ rệt nuôi dưỡng các nhà vô địch quốc gia… vạch các kế hoạch 5 năm để phát triển những công nghiệp chủ chốt như xe hơi, chất bán dẫn, thép và viễn thông. Đảng cộng sản Trung Quốc bổ nhiệm tất cả các quản trị viên chủ chốt của những công ty lớn… sự can thiệp vào công nghiệp ở cấp địa phương khác nhau từ tỉnh này tới tỉnh khác và từ thị trấn này tới thị trấn khác, nhưng ở đâu cũng có…”. Và, kết quả là “Những doanh nghiệp Mỹ đi thăm Trung Quốc thường cảm thấy họ không bao giờ thật sự hiểu đối tác của mình” [3].
Trong khi đó, đối với Ấn Độ, doanh nghiệp Mỹ thấy: “Ấn Độ cũng là một xã hội ồn ào, cởi mở với hệ thống dân chủ hỗn độn, hệt như Mỹ. Chủ nghĩa tư bản của Ấn Độ có dáng dấp y như thứ chủ nghĩa tự do cho tất cả của Hoa Kỳ. Nhiều người Ấn thành thị rất thân thuộc với nước Mỹ, nói thứ ngôn ngữ của người Mỹ, và thật sự quen biết dăm ba người sống ở nước Mỹ, thậm chí còn có cả quan hệ bà con ruột rà nữa. Cộng đồng người Ấn-Mỹ đã trở thành cầu nối giữa hai nền văn hóa. Người Ấn Độ ở nước ngoài đang nắm giữ vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc mở mang mẫu quốc… Câu chuyện về những người Ấn chiếm lĩnh đỉnh cao tột bậc ngay tại nước Mỹ đã sản sinh lòng kiêu hãnh và tinh thần ganh đua ở Ấn Độ. Còn người Mỹ - về phần mình, thậm chí còn sẵn sàng gắn chặt với Ấn Độ hơn thế, bởi họ đã có kinh nghiệm rất tích cực với người Ấn ở Mỹ” [2]. Và, “Ở Ấn Độ, họ (ám chỉ các doanh nghiệp Mỹ) thường sửng sốt vì các viên chức nói lưu loát về những khái niệm và biệt ngữ mới nhất về tài chính, tiếp thị, công nghệ và quản lý. Ấn Độ cũng có rất nhiều nhà khoa học và kỹ sư tài năng, nói tiếng Anh, giỏi kỹ thuật máy tính. Kết quả là họ có một giới kinh doanh ưu tú, hiểu biết kỹ thuật, thích hợp một cách lý tưởng với văn hóa kinh doanh nhanh nhẹn, đồng nhất và thực sự là Kinh tế mới của Hoa Kỳ” [3]. Hay “Nếu như người Ấn thấu hiểu nước Mỹ, thì người Mỹ cũng thấu hiểu Ấn Độ. Họ thắc mắc và ưu phiền bởi những thành phần chóp bu có thẩm quyền quyết định tới mức vô phương thấu hiểu kiểu như Bộ Chính trị Trung Quốc… Nhưng, một nền dân chủ cứ liên tục lên xuống lắc lư, thì họ hoàn toàn hiểu được… Một ngôn ngữ chung, một thế giới quan gần gũi, và một thứ cảm mến ngày càng tăng lên dành cho nhau đã và đang tụ hội các doanh nhân, các nhà hoạt động phi chính phủ và cả các cây bút” [2].
Trong khi các đặc điểm của văn hóa kinh doanh, môi trường kinh doanh ở Trung Quốc rất xa lạ với người Mỹ, thì những điểm tương tự như vậy lại rất phổ biến ở Việt Nam, đồng nghĩa với việc văn hóa và môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện tại cũng rất xa lạ với người Mỹ, doanh nghiệp Mỹ. Do đó, Việt Nam khó có thể hy vọng thực sự được các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ coi là một trong những địa điểm đầu tư chiến lược hay một đối tác chiến lược trong sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, kinh nghiệm của Ấn Độ cho thấy, văn hóa kinh doanh không phải là bất biến mà có thể thay đổi được, mặc dù cần thời gian. Để làm ăn tốt với Mỹ, những điều then chốt cần có là: có được đội ngũ doanh nhân đông đảo thành đạt ở Mỹ, nói tiếng Anh thành thạo và môi trường pháp lý chuẩn mực theo thông lệ quốc tế. Điều đáng lưu ý là, mặc dù cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng ở những giai đoạn phát triển ban đầu, khi tiềm lực của nền kinh tế còn thấp, số lượng nhân lực chất lượng cao không nhất thiết phải nhiều. Đào tạo ít, nhưng là tinh hoa cũng đủ tạo ra kỳ tích tăng trưởng, đào tạo nhiều, nhưng chất lượng kém vẫn tăng trưởng trì trệ. Trong trường hợp của Ấn Độ, với dân số trên 1,2 tỷ người, tới năm 2010, chỉ có 2,3 triệu lao động trực tiếp và 8 triệu lao động gián tiếp (tương đương 0,8% dân số) tham gia tạo ra kỳ tích tăng trưởng của Ấn Độ: khoảng 10,3 triệu lao động này đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và xuất khẩu dịch vụ tạo ra 57 tỷ USD, chiếm gần 5% GDP Ấn Độ, 60% đơn hàng tới từ Mỹ.
Nhật Bản – đối tác chiến lược quan trọng nhất có thể giúp Việt Nam tăng tốc phát triển
Trong các cường quốc kinh tế hiện tại và tương lai, Nhật Bản là cường quốc kinh tế khả thi nhất có đủ năng lực và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tăng tốc phát triển vì:
(1) Đó là nhu cầu tự thân của Nhật Bản – phải tìm được đối tác chiến lược thực sự để phát triển sản xuất: Nhật Bản đã khủng hoảng mô hình tăng trưởng kể từ đầu thập kỷ 1990 thế kỷ XX cho đến nay, mà nguyên nhân nghiêm trọng nhất bắt nguồn từ vấn đề dân số già hóa. Dự báo đến năm 2055, dân số Nhật chỉ còn khoảng 90 triệu người. Tỷ lệ người ở độ tuổi lao động so với người già đã giảm từ 8:1 năm 1975 xuống còn 3:1 năm 2005 và dự báo còn khoảng 1,3:1 vào năm 2055. Theo các chuyên gia kinh tế, bao gồm cả học giả Nhật Bản, điều này đồng nghĩa với việc không có mô hình hữu hiệu nào nhằm gia tăng tiêu dùng nội địa để thúc đẩy tăng trưởng cũng như sản xuất của Nhật Bản ngoài việc phải dựa vào nhân lực bên ngoài.
Một trong những vấn đề trung tâm nhất, mà Nhật Bản đã tìm kiếm cả chục năm nay, đó là tìm ra một quốc gia đang phát triển có dân số trẻ làm đối tác trong sản xuất tích hợp. Trong phát triển sản xuất công nghiệp, Nhật Bản chọn cho mình chiến lược sản xuất tích hợp để đối phó hiệu quả với phương thức sản xuất mô-đun (sản xuất hàng loạt, đại trà) của Trung Quốc có giá thành siêu rẻ. Hiện nay, không một nước nào trên thế giới có thể sản xuất hàng hóa với giá cả cạnh tranh được với hàng Trung Quốc. Chính vì thế, ở nước ta cũng như các nước khác, có nhiều nghiên cứu cho rằng, phải xây dựng được một cấu trúc sản xuất sản phẩm không giống với của Trung Quốc (do không thể cạnh tranh được), cần lách vào những thị trường “ngách”, mà Trung Quốc bỏ qua hoặc không làm được. Một trong những phương thức sản xuất khả thi đó chính là phương thức sản xuất tích hợp.
Tuy vậy, phương thức sản xuất tích hợp đòi hỏi trình độ tổ chức sản xuất, công nghệ, nhân lực khắt khe hơn nhiều so với phương thức sản xuất mô đun mà các nước đang phát triển như Việt Nam khó lòng tự làm được. Theo các học giả và doanh nghiệp Nhật Bản, chính nước này cũng phải phát triển phương thức sản xuất tích hợp. Và, thực tế Nhật Bản là nước sản xuất theo kiểu tích hợp. Nhưng, do vấn đề dân số già hóa và tiền lương cao, Nhật Bản cần có đối tác chiến lược để cùng sản xuất theo phương thức tích hợp nhằm tăng sức cạnh tranh. GS. Takahiro Fujimoto của Trường Đại học Tokyo cho rằng, các nước ASEAN, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam, phải làm chủ được phương thức sản xuất tích hợp và Nhật Bản - Việt Nam có thể trở thành liên minh chiến lược trong sản xuất tích hợp.
(2) Việt Nam là lựa chọn hàng đầu của Nhật Bản: Trong số các khu vực trên thế giới, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Âu, hiển nhiên Nhật Bản muốn xây dựng mạng lưới sản xuất với các quốc gia ở châu Á, đặc biệt là Đông Á. Trong số các quốc gia ở Đông Á, Nhật Bản thực sự muốn liên minh chiến lược với Việt Nam nhất. Lựa chọn Việt Nam đối với Nhật Bản mà nói, không phải là một lựa chọn hoàn hảo, mà là một lựa chọn ít xấu nhất mà họ có thể. Các nhà sản xuất Nhật Bản ưa thích nhất đầu tư vào Trung Quốc, nhưng hợp tác với Trung Quốc đặc biệt vướng mắc ở vấn đề niềm tin về khả năng xây dựng được quan hệ bền vững lâu dài. Trong khu vực ASEAN, Thái Lan và Việt Nam là những ứng cử viên hàng đầu để Nhật Bản liên minh chiến lược thực hiện phương thức sản xuất tích hợp. Theo các doanh nghiệp Nhật, Thái Lan là điểm đến tin cậy nhưng kém năng động (dân số ít, tố chất nguồn nhân lực không bằng Việt Nam, chính trị không ổn định); Việt Nam là điểm đến thú vị, nhưng môi trường đầu tư chưa minh bạch, rủi ro cao. Mặc dù vậy, giữa Việt Nam và Thái Lan, các nhà đầu tư vẫn ưa thích Việt Nam và mong muốn làm đồng minh chiến lược với Việt Nam hơn, vì cải thiện môi trường đầu tư là việc hoàn toàn nằm trong tầm tay của Chính phủ trong khi nguồn nhân lực có tố chất ưu tú (xin nhấn mạnh vào tố chất – và tố chất đó có chuyển hóa thành khả năng thực sự hay không đang là vấn đề rất lớn hiện nay) của Việt Nam là điều Nhật Bản đặc biệt cần để hợp tác dài hạn.
Tóm lại, nếu lịch sử phát triển của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan được cho là gắn bó với thời cơ khi lịch sử tạo ra cơ hội để những quốc gia này hợp tác chặt chẽ với Mỹ, thì thật may là ở ý nghĩa tương tự, lịch sử đã lại lặp lại điều đó với Việt Nam. Điều may mắn hơn là, Nhật Bản, một nước công nghiệp phát triển, nằm trong khu vực Đông Á, gần gũi về văn hóa, lại đã và đang có nhu cầu bức thiết phải xây dựng được một liên minh chiến lược, trước tiên trong sản xuất. Điều may hơn nữa là đến nay, mặc dù cũng “chán nản” với sự không rõ ràng, không quyết liệt của Việt Nam đối với việc xây dựng một liên minh như vậy, Nhật Bản vẫn chưa thể tìm được một đối tác nào tốt hơn ở thời điểm hiện nay và trong tương lai gần.
Những năm qua, Nhật Bản đã là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nước ta cũng có những chính sách ưu đãi dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản, đã thực hiện Sáng kiến chung Việt – Nhật, mà không nước nào khác có được. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những chính sách vụn vặt, riêng lẻ, trong khi thiếu một đường lối chỉ đạo chung nhất quán, một chiến lược tổng thể để hình thành một liên minh như vậy và việc hợp tác đi vào thực chất. Cần xây dựng ngay chiến lược liên minh với Nhật Bản phục vụ phát triển kinh tế. Trong quá trình xây dựng, làm việc chặt chẽ với phía Nhật Bản (các quan chức, các cơ quan nghiên cứu, các học giả, các tập đoàn, các doanh nghiệp Nhật) để bản chiến lược và những kế hoạch hành động đi kèm thực sự khả thi.
Hiện nay, Việt Nam tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia, nhưng đại đa số những quan hệ đối tác chiến lược đã tuyên bố đều mới chỉ trên danh nghĩa chưa chuyển biến thực chất. Về mặt ngoại giao, việc tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược như vậy có thể vẫn cần có. Nhưng, chúng ta phải biết được đâu là quan hệ thực chất và phải nhất quán trong tư duy của tất cả các cấp lãnh đạo, trong đường lối, chủ trương, chính sách về đối tác thực sự của nước ta để phát triển kinh tế.
Dân gian có câu “vận may không đến hai lần”, nhưng vận may vẫn ở bên Việt Nam trong 15 năm qua. Thậm chí, khi chúng ta ngoảnh mặt với vận may, thì lịch sử lại một lần nữa thậm chí thúc ép chúng ta nắm lấy. Đây là cơ hội ngàn vàng để tăng tốc và phát triển hay sẽ lại bị bỏ qua?.Tài liệu tham khảo:
1. Lưu Minh Phúc (2010). Giấc mơ Trung Quốc định vị chiến lược và tư duy chiến lược thời đại “hậu” Mỹ, bản dịch, Viện Chiến lược Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư
2. F. Zakaria (2008). Thế giới hậu Mỹ, Nxb Tri Thức, Hà Nội
3. Peter Engardio (2007). Rồng Hoa, hổ Ấn, Nxb Thời đại, Hà Nội