Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020

Việt Hoàng (T/h)

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh tình hình hết sức khó khăn do tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 đạt xấp xỉ dự toán (bằng 98,1%), thể hiện rõ sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Chiều ngày 23/5, Quốc hội nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2020.
Chiều ngày 23/5, Quốc hội nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2020.

Chiều ngày 23/5, tiếp tục ngày họp đầu tiên của Kỳ họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2020.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà khẳng định: Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo quyết toán NSNN năm 2020 và kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020 gửi Quốc hội. Báo cáo cho thấy, năm 2020, với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nhiều bộ, ngành, địa phương đã phấn đấu chấp hành tốt dự toán và công tác quyết toán NSNN.

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với các đánh giá về những khó khăn và kết quả đạt được nêu trong Báo cáo Quyết toán NSNN năm 2020 của Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước còn nêu nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác lập, chấp hành dự toán, thẩm định quyết toán NSNN năm 2020 tại một số bộ, ngành, địa phương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2020.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2020.

Đối với nội dung Quyết toán thu NSNN năm 2020, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh tình hình hết sức khó khăn do tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, kết quả thu NSNN năm 2020 đạt xấp xỉ dự toán (bằng 98,1%), thể hiện rõ sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần quan tâm lưu ý trong thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2020. Đó là: Thu ngân sách Trung ương không đạt dự toán, chỉ chiếm gần 52,1% tổng thu NSNN, thấp hơn mục tiêu đề ra (60-65%), giảm dần vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; Huy động từ thuế, phí chỉ đạt 19,1% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra là 21% GDP; Công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất của các địa phương nhiều năm không sát khả năng thu, thấp hơn nhiều so với thực hiện năm trước.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có đánh giá, làm rõ các tồn tại, hạn chế nêu trên, đặc biệt đối với công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất hàng năm không sát, dẫn đến vượt thu lớn, nên xây dựng, cân đối không đầy đủ các khoản vượt thu này, dẫn đến bị động trong quản lý, điều hành kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm, không phát huy được hết hiệu quả đầu tư từ nguồn thu này.

Về quyết toán chi NSNNỦy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí cho rằng, công tác quản lý, điều hành chi NSNN năm 2020 đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ trọng chi thường xuyên sau quyết toán chỉ gần 59,3% tổng chi NSNN (dự toán là 62,91%), cho thấy sự nỗ lực rất lớn trong tiết kiệm chi tiêu thường xuyên.

Tuy nhiên, trong quản lý chi tiêu NSNN cũng còn một số tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm, nhưng chưa được khắc phục triệt để. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục rà soát, kiểm tra, đối chiếu các số liệu quyết toán của các cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp phát hiện quyết toán các khoản chi phân bổ, quản lý, sử dụng không đúng quy định yêu cầu cắt giảm, hủy bỏ, thu hồi về NSNN và xử lý trong quyết toán NSNN năm 2021 theo quy định tại Điều 73 Luật NSNN.

Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng nêu rõ, trong năm 2020, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để cắt giảm chi thường xuyên. Nhờ đó tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong quản lý chi tiêu thường xuyên tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội quan trọng chưa triển khai kịp thời trong năm; chi chuyển nguồn, hủy bỏ dự toán chi thường xuyên còn lớn,... Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá, làm rõ các tồn tại, hạn chế này.

Về bội chi NSNN và các khoản vay bù đắp bội chi NSNN, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc đánh giá ước tình hình thực hiện thu, chi NSNN năm 2020; Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đối chiếu thông tin, số liệu ngân quỹ, tránh trường hợp hết niên độ quyết toán NSNN năm 2020 vẫn còn để sai sót, phải đề nghị giảm số liệu bội chi, vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương so với số liệu Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 143/BC-CP; quản lý chặt chẽ các khoản vốn vay; các khoản tạm ứng và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để giảm bội chi ngân sách Trung ương, vay trả nợ Chính phủ và giảm chi phí trả lãi vay...