Bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Mỗi dịp Tết đến, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm gia tăng rất lớn và đa dạng. Vì vậy, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) phải được lưu tâm, kiểm soát chặt chẽ ngay từ những ngày cuối năm. Điều này góp phần cho ngày tết ở mỗi gia đình vui tươi, đầm ấm và an toàn. Và để mang lại không khí vui Xuân trọn vẹn, từ rất sớm, UBND thành phố Hà Nội đã chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp bảo đảm ATTP.

Bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

Ngay từ cuối tháng 12/2014, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Mùi. Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm các quy định về bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về chất lượng ATTP của các cấp chính quyền.
 
Để nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực này, Hà Nội cũng xác định phải tiến hành thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được người dân sử dụng nhiều trong dịp Tết. Tập trung vào vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Nghiêm túc xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, các quy định của pháp luật về bảo đảm chất lượng ATTP cho cán bộ quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
 
Vào mỗi dịp Tết, người tiêu dùng sẽ tăng lượng tiêu thụ các loại thực phẩm như giò, chả, rượu, bia. Do vậy, các cơ quan chức năng cũng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các thực phẩm này. Cùng với đó, tiến hành thanh tra, kiểm tra các sản phẩm là đồ uống như rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, dầu ăn, đường, sữa, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Thực tế cho thấy, thức ăn đường phố là mặt hàng rất khó kiểm soát nhưng lại được đông đảo người tiêu dùng sử dụng trong dịp Tết hoặc vào các dịp lễ hội đầu Xuân. Do vậy, để bảo đảm ATTP, Hà Nội đã lên kế hoạch triển khai trong việc kiểm tra thức ăn đường phố. Bên cạnh đó, tiến hành kiểm tra các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm ATTP.
 
Xử lý nghiêm vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm
 
Không phải đến lúc này, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mới được đặt ra. Năm nào cũng vậy, đến gần dịp Tết là các cơ quan chức năng lại tăng cường các biện pháp quản lý để giảm thiểu các hậu quả do sử dụng thực phẩm không an toàn. Song có thể do ý thức của người dân về thực phẩm an toàn chưa thực sự cao hoặc cũng có thể lý do quản lý nhà nước chưa thực sự chặt chẽ nên vẫn còn nhiều thực phẩm không an toàn được tung ra thị trường vào những dịp Tết mà hậu quả gánh chịu trước hết thuộc về người tiêu dùng. Vấn đề đặt ra là, liệu các giải pháp, các chế tài về lĩnh vực này chưa đủ mạnh hay do quản lý của chúng ta chưa thực sự chặt chẽ ?
 
Trước nguy cơ người tiêu dùng có thể sẽ mua phải những sản phẩm không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong quá trình đi thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện vi phạm tuyệt đối không để sản phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc, không có nhãn hoặc có nhãn sai quy định tiếp tục lưu thông trên thị trường. Không được để các cơ sở bán thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa có biện pháp khắc phục hậu quả.  
 
Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, Hà Nội đã tổ chức 653 Đoàn kiểm tra liên ngành từ thành phố tới xã phường, thị trấn. Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra 27 cơ sở, xử phạt 5 cơ sở với số tiền phạt là hơn 39 triệu đồng. Sở Công thương, Chi cục quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra 141 vụ vi phạm về đo lường chất lượng và ATTP, phạt hành chính hơn 695 triệu đồng, trị giá hàng buộc tiêu hủy trên 200 triệu đồng. Công an thành phố đã tiến hành kiểm tra khám phá 135 vụ vi phạm ATTP, xử lý 113 vụ thu gần 522 triệu đồng… Ngoài việc xử phạt, buộc tiêu hủy, các đoàn kiểm tra sẽ bàn giao hồ sơ vi phạm về cho địa phương - nơi có cơ sở được thanh tra, kiểm tra để xử lý theo quy định.
 
Những ngày Tết đang đến gần, các cơ quan chức năng đang rất nỗ lực nhằm hạn chế tối đa các thực phẩm kém chất lượng được lưu thông trên thị trường. Song, hơn bao giờ hết, chính người tiêu dùng phải tự chủ động bảo vệ mình trước những thực phẩm không bảo đảm an toàn. Người tiêu dùng phải biết “nói không” với thực phẩm không an toàn.