Bảo đảm nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3

Gia Hân (t/h).

Tại Nghị quyết số số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024, Chính phủ đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Trong đó, có một số nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao Bộ Tài chính triển khai.

Chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng.
Chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng.

Tính mạng Nhân dân là trên hết

Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch.

Thống kê sơ bộ đến ngày 17/9/2024, đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; khoảng 234,7 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307,4 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 03 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị bị gẫy đổ…

Ngay từ khi bão số 3 hình thành và đi vào biển Đông, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung theo sát tình hình, dự báo sát, chính xác diễn biến cường độ và đường đi của bão, cảnh báo nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất và triển khai các giải pháp ứng phó khẩn cấp trước, trong và sau bão và ban hành 10 công điện, thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại TP. Hải Phòng để chỉ đạo thường xuyên, liên tục, quyết liệt và khẩn trương.

 

Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%.

Quan điểm của Chính phủ là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá. Với mục tiêu, bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của Nhân dân là trên hết, trước hết. Không để người bệnh thiếu nơi cứu chữa; các cháu học sinh phải được đến trường sớm nhất có thể. Khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng, phục hồi của các địa phương, nền kinh tế trong năm 2024. Làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở…, nhất là trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025...

Xác định thiệt hại đến đâu, hỗ trợ kịp thời đến đó

Do vậy, tại Nghị quyết này, Chính phủ đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Trong đó, có những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Tài chính được Chính phủ giao thực hiện.

Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Tài chính, các địa phương bảo đảm nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp việc mai táng cho người thiệt mạng, các hộ gia đình có người chết, mất tích hoặc bị thương nằm viện do ảnh hưởng từ bão số 3; giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho nhân thân người thiệt mạng. Sử dụng nguồn dự phòng ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác để di dời khẩn cấp các hộ dân, điểm dân cư tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao, hoàn thành trước ngày 30/9/2024.

Đồng thời, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xuất cấp lương thực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, làm sạch môi trường, hóa chất khử khuẩn, khử trùng, xử lý nguồn nước sinh hoạt, thuốc phòng chống dịch bệnh từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương.

Đối với nhóm nhiệm vụ về hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống Nhân dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xác định mức độ thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ của các địa phương, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ bố trí dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 để hỗ trợ các địa phương theo quy định pháp luật.

Bộ Tài chính cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, các bộ, cơ quan và địa phương theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao, nâng mức hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị sập, hư hỏng hoàn toàn cần xây mới, hư hỏng nặng phải sửa chữa và di dời chỗ ở từ nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, Quỹ Vì người nghèo, các nguồn hỗ trợ qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các nguồn xã hội hóa.

Chính phủ yêu cầu thực hiện nhanh, hiệu quả các chính sách hỗ trợ khẩn cấp hiện hành đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng, di dời nhà ở…, theo phương châm "xác định thiệt hại đến đâu, hỗ trợ kịp thời đến đó".

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan và địa phương vận động các đối tác, nhà tài trợ để huy động các nguồn tài chính, hàng hóa viện trợ của các nước, các tổ chức quốc tế và thực hiện hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời cho người dân, địa phương bị ảnh hưởng.

Miễn giảm thuế phí, lãi vay cho người dân và doanh nghiệp sau bão

Tại Nghị quyết này, để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính được yêu cầu chỉ đạo các công ty bảo hiểm khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng bị ảnh hưởng theo quy định. Trước mắt, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường cho khách hàng theo quy định.

Còn phía Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.

Trong Nghị quyết, Chính phủ nhấn mạnh, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương bảo đảm nguồn lực của ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, hoàn thành thống kê thiệt hại, phát huy tối đa nguồn lực của ngân sách địa phương để chủ động triển khai các giải pháp, chính sách khắc phục hậu quả bão số 3, hỗ trợ người dân, cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo thẩm quyền; khẩn trương có báo cáo tình hình thiệt hại, đề xuất hỗ trợ từ ngân sách trung ương, gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ.

Nghị quyết nêu rõ phạm vi, đối tượng hỗ trợ là người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất. Thời gian hỗ trợ chủ yếu trong tháng 9 và tháng 10/2024; một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với sự phục hồi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh.