Báo động mức nợ các nước nghèo
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo về nền kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo, WB đã nâng mức cảnh báo đối với 11 quốc gia có thu nhập thấp liên quan tới nợ quá mức, thay vì 6 quốc gia trong năm 2015.
Theo Le Monde, WB là tổ chức mới nhất lên tiếng về tình trạng báo động mức nợ quá mức này. Trong báo cáo, WB nhấn mạnh: "Lỗ hổng nợ ở các nước thu nhập thấp đã tăng đáng kể trong những năm gần đây". Tuy tổ chức viện trợ phát triển hàng đầu này không đề cập đến nguy cơ sắp xảy ra một cuộc khủng hoảng, nhưng trong một chương cụ thể, WB lo lắng về những rủi ro trượt dốc ở nhóm các quốc gia này, đại đa số (27/30 nước) nằm ở khu vực hạ Sahara châu Phi.
Những con số WB dẫn ra rất cụ thể. Trong đó, năm 2017, nợ trung bình của các nước thu nhập thấp đã vượt quá 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với khoảng 30% trong năm 2013. Một số nước có tỷ lệ tăng nợ rất mạnh. Như tại Gambia, gánh nặng nợ nần đã tăng từ 60% GDP lên 88% GDP trong 4 năm và dịch vụ nợ hiện chiếm 42% doanh thu của chính phủ.
Tại Mozambique, nợ công đã tăng từ 50% lên 102% GDP trong giai đoạn 2013-2018. Theo WB, 11 quốc gia hiện đang mắc nợ quá mức hoặc đang trong quá trình trở nên mắc nợ quá mức. Những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các quốc gia đang có xung đột, lãnh đạo có năng lực quản trị yếu hoặc quá phụ thuộc vào tài nguyên, nguyên liệu thô.
Sự quá tải này một phần là hậu quả của thời kỳ tăng trưởng bùng nổ. Vào cuối những năm 2000, các quốc gia nghèo được xóa nợ nhờ các hoạt động xóa nợ mở rộng do WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dẫn đầu. Tận dụng tối đa lợi thế xoay vòng của hàng hóa, các nước đã huy động mạnh vốn nước ngoài để tài trợ cho đầu tư công hoặc chi tiêu đầu tư tiêu dùng.
Tuy nhiên, sự giảm mạnh đầu tư từ giữa năm 2014 đến 2016 đã đảo ngược tình hình, kéo theo sự đi xuống của xuất khẩu và các đồng tiền nội địa, thâm hụt ngân sách nghiêm trọng. WB không chỉ chỉ ra biểu đồ nợ tăng, mà còn cả hồ sơ của các chủ nợ. "Các nước thu nhập thấp đã tăng sự phụ thuộc vào các nguồn tài trợ phi truyền thống" - báo cáo nhấn mạnh.
Theo phân tích, những năm gần đây, nhiều quốc gia thu nhập thấp đã chạy đua với thị trường để có tiền. Trong số đó, Etiopia, Rwanda, Sénégal và Tanzania đã phát hành trái phiếu bằng USD hoặc EUR. Giờ đây, số hoạt động như vậy sắp kết thúc và các quốc gia trên sẽ cần phải được tái cấp vốn để đầu tư và trả nợ, trong lúc thị trường kém ổn định và các nhà đầu tư thận trọng hơn.
Việc thiếu vốn sẽ khiến các quốc gia ngày càng phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc, đưa nước này trở thành chủ nợ lớn của lục địa. Trong khi đó, Trung Quốc không tham gia Câu lạc bộ Paris, nhóm các nước giàu chuyên thương thảo về các hoạt động tái cấu trúc. Điều này khiến cho các khoản vay từ những bên cho vay phi truyền thống đôi khi kèm theo những yêu cầu "thế chấp", đó là những thỏa thuận đổi chác phức tạp và mập mờ, nơi tiền tươi được đổi lấy dầu hoặc cơ sở hạ tầng. “Đó cũng là lý do cần cảnh báo đến chuyện "phối hợp" giữa các nhà tài trợ khác nhau, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng nợ trong tương lai. Để giảm phụ thuộc nguồn vốn đầu tư, các quốc gia nên tăng thu thuế, hướng tới tính minh bạch hơn nguồn vốn vay” - WB kiến nghị.