Bảo hiểm cung cấp an tâm tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững
Bảo hiểm không đơn thuần là một sản phẩm tài chính, mà còn là một công cụ thiết yếu mang lại an tâm tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Ngày 18/12, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm đánh dấu 31 năm Ngày Thị trường Bảo hiểm Việt Nam (18/12/1993 – 18/12/2024) và 25 năm thành lập Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (1999-2024).
Buổi lễ có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cũng như lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan và các doanh nghiệp bảo hiểm trong cả nước.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Xuân Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, trong suốt 31 năm qua từ những bước đi đầu tiên đầy thách thức, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về quy mô và khối lượng, chất lượng. Từ 01 doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất được thành lập năm 1993, đến nay thị trường bảo hiểm đã phát triển mạnh mẽ với hơn 85 doanh nghiệp bảo hiểm và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Ngành Bảo hiểm đã phát huy được vai trò “lá chắn” bảo vệ khách hàng trước những rủi ro bất ngờ như tai nạn, bệnh tật hay thiên tai. Với doanh nghiệp, bảo hiểm không chỉ bảo vệ tài sản và lợi nhuận mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng kinh doanh và thu hút đầu tư, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế
Với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, sau 25 năm phát triển, Hiệp hội đã trở thành cầu nối quan trọng giữa cơ quan quản lý và các doanh nghiệp bảo hiểm. Hiệp hội luôn tích cực nắm bắt khó khăn của hội viên và gửi các kiến nghị, phản ánh tới cơ quan chức năng để kịp thời tháo gỡ, cải cách thủ tục hành chính, phòng ngừa cạnh tranh không lành mạnh và bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tham gia bảo hiểm.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành Bảo hiểm, giúp xây dựng thị trường bảo hiểm ngày càng minh bạch và bền vững.
Trong giai đoạn tới, với vai trò là cầu nối giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp bảo hiểm, giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng, Hiệp hội tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp để thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030, xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm theo hướng hiện đại, tiếp cận với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt nhất; đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với điều kiện thực tế, hài hòa lợi ích của các bên tham gia bảo hiểm.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Cận ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò của mình trong việc góp phần thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư, thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của quốc gia.
Thứ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước đang chuẩn bị thế và lực để vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc, cơ quan quản lý bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm cần triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm đã nêu tại Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 nói riêng và Chiến lược Tài chính đến năm 2030 nói chung. Từ đó, hướng tới mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.
Trong thời gian tới, để thị trường bảo hiểm phát triển an toàn và bền vững, Thứ trưởng Lê Tấn Cận đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chủ động và nâng cao hơn nữa vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp bảo hiểm và cơ quan quản lý thông qua việc tích cực, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm mời các tổ chức quốc tế, các chuyên gia có kinh nghiệm để tham gia ý kiến xây dựng chính sách.
Chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, vai trò của bảo hiểm, các sản phẩm bảo hiểm và thị trường bảo hiểm, đặc biệt trong bối cảnh toàn xã hội quan tâm đến bảo hiểm như hiện nay. Đồng thời, cần nghiên cứu kỹ các quy định mới nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp của thị trường như ban hành các bộ quy tắc, chuẩn mực nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Thứ trưởng Lê Tấn Cận cũng đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm cần tập trung rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh nhằm bao quát các rủi ro thị trường, thể hiện tính bền vững và cam kết lâu dài, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Cần nghiên cứu để đánh giá khả năng đáp ứng của doanh nghiệp đối với các yêu cầu về vốn khi chuyển sang áp dụng mô hình vốn trên cơ sở rủi ro. Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, quy định về vốn trên cơ sở rủi ro sẽ có hiệu lực từ ngày 01/1/2028.
Bên cạnh đó, tập trung đầu tư nguồn lực để áp dụng công nghệ mới tối ưu hóa quy trình hoạt động, cải thiện dịch vụ khách hàng và nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro doanh nghiệp. Thường xuyên rà soát lại các sản phẩm bảo hiểm đang triển khai, chấn chỉnh công tác tư vấn và chăm sóc khách hàng, giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm, chủ động phát triển sản phẩm bảo hiểm theo hướng đa dạng, linh hoạt phù hợp với khả năng của khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.