Bảo hiểm nông nghiệp: Xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn (*)
(Tài chính) Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là một loại hình bảo hiểm với nhiều cơ chế phức tạp chỉ mới được triển khai ở Việt Nam. Mặc dù vậy, qua 2 năm triển khai thực hiện thí điểm, công tác BHNN trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của nhiều người dân.
Đến nay, Công ty bảo hiểm Bảo Minh Trà Vinh đã thực hiện ký kết tổng cộng 113 hợp đồng, trên diện tích 58,92 ha (cá tra: 59 hợp đồng, diện tích 19,7 ha; tôm thẻ chân trắng: 44 hợp đồng, diện tích 32,88 ha; tôm sú: 10 hợp đồng, diện tích 6,34 ha); tổng phí bảo hiểm 10, 172 tỷ đồng (cá tra: 8,91 tỷ đồng, tôm chân trắng: 1,1 tỷ đồng; tôm sú: 162 triệu đồng).
Theo báo cáo, đến nay, Bảo Minh Trà Vinh đã tiến hành chi bồi thường cá tra (theo Quyết định 3035/QĐ-BTC): 12 ao diện tích, 3,25 ha, số tiền 8,45 tỷ đồng. Số còn lại gồm 28 hợp đồng, 33 ao diện tích, 7,78 ha, được sự chấp thuận của UBND tỉnh Trà Vinh, Ban Chỉ đạo BHNN Tỉnh đã tiến hành bồi thường với dân thông qua hình thức thương lượng mức bồi thường theo giá trị đầu tư thực tế với tổng số tiền 36,4 tỷ đồng (tiết kiệm so với bồi thường theo Quyết định 3035/QĐ-BTC khoảng 11 tỷ đồng)… Đối với tôm sú, tôm chân trắng, ước số tiền bồi thường khoảng 2,8 tỷ đồng thì nay đã chi bồi thường với số tiền 900 triệu đồng, số còn lại đang làm thủ tục xác nhận bệnh bổ túc hồ sơ bồi thường.
Đánh giá về mục tiêu và ý nghĩa chương trình BHNN, có thể thấy đây là chương trình phù hợp với ý Đảng, lòng dân; là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết triệt để xóa đói, giảm nghèo cho nông dân, phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.
Trong quá trình triển khai, chương trình triển khai thí điểm tại tỉnh Trà Vinh luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát từ Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cũng như sự quán triệt và thực hiện nghiêm túc của chính quyền địa phương.
Những tồn tại, hạn chế
Về mặt khách quan, việc triển khai thí điểm bảo hiểm thủy sản diễn ra trong thời điểm dịch bệnh phát sinh nhiều và phức tạp hơn so với những năm trước. Chuỗi ngành hàng tôm sú, cá tra của Trà Vinh nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đang trong giai đoạn khó khăn về thị trường xuất khẩu và đặc biệt là rớt giá.
Bên cạnh đó, cần phải khẳng định rằng bảo hiểm tôm, cá là loại hình bảo hiểm mới, luôn tiềm ẩn và phát sinh nhiều phức tạp, do BNHH được triển khai lần đầu tiên nên chưa có nhiều kinh nghiệm.
Mặc dù công tác tổ chức nhân sự kiểm tra, giám sát được chú trọng và tăng cường, song do địa bàn triển khai tương đối rộng, thuộc vùng sâu, xa nên công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình nuôi và các điều kiện theo hợp đồng bảo hiểm từng lúc, từng nơi vẫn còn hạn chế nhất định.
Một số kiến nghị và đề xuất
Kiến nghị
Kể từ sau Hội nghị Sơ kết BHNN vào tháng 7/2011 tại Nghệ An, Bộ Tài chính và Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và ban hành văn bản pháp quy nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Về cơ bản, những nỗ lực này đã giải quyết những tồn tại, qua đó thúc đẩy Chương trình thí điểm BHNN được triển khai thuận lợi. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai công tác ký kết hợp đồng bảo hiểm và giám định bồi thường đã nảy sinh một sổ điểm cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và chặt chẽ:
Một là, về quy trình nuôi tôm sú, tôm chân trắng của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn theo Thông tư số 47 không có quy định khống chế về “mật độ thả nuôi đối với loại hình thả nuôi thâm canh” (nuôi thâm canh tôm sú từ 20 con/m2 trở lên, nuôi thâm canh tôm chân trắng từ 60 con/m2 trở lên). Theo đó, thả nuôi với mật độ càng dày thì nguy cơ phát sinh dịch bệnh càng cao, làm tỷ lệ bồi thường càng tăng.
Hai là, quy định tỷ lệ thiệt hại và mức bồi thường đối với đối tượng bảo hiểm cá tra theo Quyết định 3035/QĐ-BTC và Quyết định 2114/QĐ-BTC chưa thật sự chặt chẽ. Qua tính toán cho thấy: Mức bồi thường còn cao hơn giá trị đầu tư thực tế từ 1,2-1,5 lần. Đây chính là một trong hai nguyên nhân chính (cộng với nguyên nhân giá tôm/cá nguyên liệu đang sụt giảm) làm cho một bộ phận người tham gia bảo hiểm thiếu quan tâm chăm sóc tôm, cá; tính toán trục lợi từ chương trình bảo hiểm.
Đề xuất
Nhằm đảm bảo mục tiêu hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục, bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, đảm bảo thành công chung của chương trình thí điểm BHNN tiến tới triển khai đại trà sau khi chương trình giai đoạn thí điểm kết thúc, Ban chỉ đạo BHNN tỉnh Trà Vinh có một số đề xuất như sau:
Một là, Bộ Tài chính cần sớm sửa đổi bổ sung Quyết định số 3035/QĐ-BTC ban hành quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm trong bảo hiểm thủy sản sao cho mức bồi thường sát với giá trị đầu tư thực tế để nhằm hạn chế và phòng tránh được hiện tượng trục lợi từ chương trình bảo hiểm, đảm bảo thành công cho triển khai thí điểm (Bộ Tài chính đã có dự thảo và các tỉnh đã có ý kiến đóng góp).
Hai là, dựa trên quy trình nuôi tôm cá của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn ban hành, các tỉnh, cần thiết ban hành quy trình riêng để áp dụng cho phù hợp với điểu kiện thực tiễn tại địa phương, trong đó, cần quy định mật độ thả nuôi phù hợp nhằm góp phần hạn chế được rủi ro do dịch bệnh, tạo điều kiện giúp người nuôi chăm sóc tôm, cá được tốt hơn.
Ba là, tiếp tục triển khai công tác tập huấn, tuyên truyền, trọng tâm tập trung vào nội dung hướng dẫn kỹ thuật, quy trình nuôi, chăm sóc, phòng và trị bệnh cho tôm cá cho các tổ chức, cá nhân nuôi tôm cá tham gia bảo hiểm quán triệt, thực hiện.
Bốn là, tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người tham gia bảo hiểm về việc tuân thủ quy trình nuôi và điều kiện của hợp đồng bảo hiểm.
(*) Bài viết này được lược trích từ Tài liệu Hội nghị đánh giá thí điểm BHNN do Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức. Tít bài do FinancePlus.vn đặt.