Bảo hiểm phi nhân thọ tăng cường kênh phi truyền thống

Theo Gia Linh/tinnhanhchungkhoan.vn

Ngoài kênh truyền thống là đại lý bảo hiểm thì mô hình môi giới, phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), bảo hiểm trực tuyến… tiếp tục được các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đẩy mạnh.

Kênh bán bảo hiểm có tiềm năng lớn là ngân hàng, CTTC...
Kênh bán bảo hiểm có tiềm năng lớn là ngân hàng, CTTC...

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm, các kênh bán hàng mới, đặc biệt là bancassurance, đang là xu hướng tất yếu của ngành bảo hiểm phi nhân thọ.

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) có mục tiêu tăng cường khai thác qua kênh môi giới, đồng bảo hiểm, ngân hàng, định chế tài chính, đồng thời tìm kiếm những kênh bán hàng mới phù hợp với các đối tượng khách hàng và phương thức bán hàng mới. Theo đó, PJICO đã phát triển kênh bán hàng và các nhóm nghiệp vụ sản phẩm mới phù hợp với xu thế của thị trường như thành lập phòng môi giới và bancassurance, phòng kinh doanh bảo hiểm trực tuyến…

Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC) ngoài việc phối hợp với trụ sở chính BIDV để tiếp cận tối đa nguồn khách hàng vay vốn của Ngân hàng, từ đó đẩy mạnh bán chéo sản phẩm qua hệ thống ngân hàng, tăng doanh thu bancassurance, Tổng công ty sẽ phối hợp với Co-op Bank để khai thác bảo hiểm qua các quỹ tín dụng nhân dân và đặt mục tiêu mở rộng quan hệ với một ngân hàng khác cho hoạt động bancassurance.

Năm ngoái, một trong những điểm nổi bật của BIC là tốc độ tăng trưởng của kênh bancassurance đạt trên 50%. Theo báo cáo hoạt động kinh doanh năm 2018 của BIC, doanh thu phí nghiệp vụ con người tăng 27,7% so với năm 2017 nhờ tăng trưởng đột phá của kênh bancassurance. Bảo hiểm con người cũng là động lực tăng trưởng chính của hãng bảo hiểm này.

Trong năm qua, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ cũng chứng kiến nhiều công ty bảo hiểm đẩy nhanh tiến độ triển khai các mô hình bán hàng phi truyền thống để tạo doanh thu mới. Chằng hạn, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã ký thỏa thuận hợp tác với gần 5 ngân hàng và các công ty tài chính lớn. Kết quả, năm 2018, doanh thu qua kênh bancassurance đạt 767 tỷ đồng, hoàn thành vượt 32% kế hoạch và tăng 46% so với năm 2017, trở thành kênh phân phối có doanh thu lớn nhất của PTI.

Được biết, PTI đã xây dựng thành công app bán hàng cho các ngân hàng và đại lý cũng như app chuyên dụng cho giám định viên. Những ứng dụng này không chỉ giúp PTI tăng hiệu quả quản lý, mà còn đem lại những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

Với Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC), năm 2019 sẽ thay đổi mô hình kinh doanh bancassurance để đảm bảo cơ chế thúc đẩy bán bảo hiểm hiệu quả, khai thác triệt để kênh bán hàng qua Ngân hàng MB và các ngân hàng hợp tác. Các sản phẩm được khai thác qua kênh hợp tác với ngân hàng sẽ bao gồm bảo hiểm tiền, bảo hiểm xe ô tô, bảo hiểm sức khỏe công nhân viên, bảo hiểm tài sản các trụ sở, chi nhánh, phòng giao dịch MB, bảo hiểm trách nhiệm người điều hành quản lý…

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán về chiến lược kinh doanh năm 2019, đại diện Tổng công ty cổ phần Bảo Minh cho biết, năm nay sẽ hợp tác thêm với một số công ty tài chính để mở rộng bán các sản phẩm bảo hiểm con người. Mô hình này đang có sự cạnh tranh quyết liệt về chi phí, tuy nhiên, Bảo Minh sẽ không đi theo hướng cạnh tranh này, mà quyết tâm cạnh tranh bằng sản phẩm.

“Sản phẩm có quyền lợi tốt cho khách hàng thì công ty bảo hiểm có doanh thu, khách hàng có quyền lợi, công ty tài chính có chi phí khai thác”, đại diện Bảo Minh nói.

Năm 2018, nhóm nghiệp vụ con người bao gồm Home Credit (nhóm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và nhóm bảo hiểm tai nạn người vay tín dụng) của Bảo Minh không hoàn thành kế hoạch (thực hiện 90% kế hoạch), do nguồn doanh thu bảo hiểm chăm sóc sức khỏe giảm vì mất một số khách hàng có doanh thu lớn. Nhóm doanh thu phát sinh từ khách hàng lớn và qua môi giới không được tái tục vì nghiệp vụ này có tỷ lệ bồi thường cao, không hiệu quả. Trong khi đó, khi tái tục, khách hàng và môi giới tiếp tục yêu cầu hạ phí nên Bảo Minh đã từ chối hạ phí kỹ thuật.

Được biết, nguồn thu phí bảo hiểm từ các đối tác chiến lược như các công ty tài chính đang chiếm tỷ lệ cao trong cấu trúc doanh thu của Bảo Minh. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của nghiệp vụ bảo hiểm con người cũng phụ thuộc trọng yếu vào các định hướng hoạt động kinh doanh và phát triển của các tổ chức tài chính tín dụng liên kết.

Không ai có thể phủ nhận được tiềm năng rất lớn của kênh bán hàng qua ngân hàng, tuy nhiên, “cuộc chiến” giành điểm bán giữa các doanh nghiệp bảo hiểm chưa bao giờ hạ nhiệt. Doanh nghiệp nào muốn chiến thắng bắt buộc phải có lợi thế trên tất cả các mặt trận: sản phẩm tốt, dịch vụ ưu việt và đặc biệt là cơ chế dành cho ngân hàng hấp dẫn.