Xu thế thời đại
Trên thực tế, từ những năm 60 của thế kỷ trước, việc phát hành báo chí đã không ngừng suy giảm. Báo in là nguồn thông tin duy nhất độc giả phải trả tiền (so với radio, tivi và internet...). Mô hình sống khỏe “80-20” của ngành công nghiệp báo chí (80% doanh thu từ quảng cáo và 20% doanh thu từ bán báo) đã bị phai nhạt dần dần, đặc biệt là sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trong thời buổi khó khăn, người dân càng ngần ngại hơn trong việc bỏ tiền mua báo. Hậu quả là doanh thu từ quảng cáo và phát hành, nguồn thu chính của hầu hết các tờ báo và tạp chí đã suy giảm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, không thể chỉ lấy khủng hoảng kinh tế để biện minh cho sự suy thoái của ngành công nghiệp báo in. Có rất nhiều yếu tố nhưng đặc biệt nhất là việc sử dụng Internet ngày một rộng rãi, kéo theo đó là sự ra đời các trang báo điện tử, các hình thức quảng cáo điện tử… đã và sẽ tác động khiến lĩnh vực này khó tìm lại được ánh hào quang khi kinh tế đã hồi phục.
Khủng hoảng lan rộng
Cuộc khủng hoảng của ngành công nghiệp báo in diễn ra ở tất cả mọi châu lục, mọi đất nước bất kể giàu, nghèo và trình độ phát triển của nền báo chí. Hai khu vực điển hình là châu Âu và Mỹ.
Tại Mỹ
Ngày 8/12/2008, ngành công nghiệp báo chí Mỹ thực sự bị rúng động trước tin Tribune Co., một trong ba đại gia truyền thông nước này, tuyên bố phá sản. Đây được ví như cột mốc vô cùng quan trọng trong cuộc khủng hoảng của giới truyền thông Mỹ bởi Tribune Co. sở hữu tới 23 đài truyền hình trên khắp nước Mỹ cùng những tờ báo lớn như Los Angeles Times và Chicago Tribune... Tổng số lượng phát hành của Tribune Co. là 2 triệu bản mỗi ngày và tập đoàn này từng đạt doanh thu 4 tỷ USD/năm với hàng nghìn nhân viên trải khắp nước Mỹ.
Nhiều tập đoàn báo chí khác ở Mỹ cũng đã phải đối mặt với khó khăn, do nợ nần, do quảng cáo suy giảm và mất bớt lượng độc giả vì sự phát triển của Internet. Năm 2009, Sun Times Media Group, một trong những công ty báo chí có quy mô lớn ở Mỹ cũng nộp đơn xin bảo hộ phá sản do thua lỗ.
Tập đoàn truyền thông đa phương tiện hàng đầu của Mỹ New York Times, cũng không tránh khỏi suy thoái. Năm 2012, Tập đoàn này đã sa thải hàng trăm nhân viên và hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng 16 tờ báo thuộc sở hữu của mình cho Tập đoàn Halifax Media Holdings (Mỹ). Nguyên nhân là New York Times muốn cắt giảm chi tiêu, dồn lực cho các tờ báo chủ lực của mình và các tờ báo trực tuyến đang làm ăn có lãi.
Chưa hết, cuối tháng 10/2012, tạp chí kinh tế quen thuộc của Mỹ - Newsweek đã tuyên bố ngừng bản in để chuyển sang bản điện tử với tên gọi mới - Newsweek Global từ năm 2013. Năm 2003, Newsweek có lượng phát hành trên 4 triệu bản nhưng tới năm 2012, chỉ còn là trên 1,5 triệu bản. Nguyên nhân chính dẫn đến sự “ra đi” của tờ báo đã từng tồn tại gần 80 năm qua chính là khủng hoảng kinh tế và sự “ra đi” của tờ báo này là một cú sốc không chỉ đối với ngành báo in của Mỹ mà còn đối với ngành báo in trên toàn thế giới.
Tại châu Âu
Cuộc khủng hoảng báo in ở Đức đã dẫn tới sự ra đời của một từ phức mới: “Zeitungssterben”, có nghĩa là “cái chết của báo in”. Có thể kể tên những nạn nhân tiêu biểu của cuộc khủng hoảng trên đất Đức là Financial Times Deutschland (đình bản) và Frankfurter Rundschau (đệ đơn xin phá sản)
Theo Hiệp hội Các nhà xuất bản báo in của Đức, tổng lượng phát hành hàng ngày của các tờ báo in ở nước này trong khoảng thời gian năm 2005-2012 đã giảm 17%, xuống còn 21,1 triệu bản. Lượng phát hành giảm đi cùng với sự suy giảm của doanh thu quảng cáo. Ngay từ đầu thập niên 2000, các nhà quảng cáo đã chuyển sang báo mạng và xu hướng này tăng tốc khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008, tiếp đó là khủng hoảng nợ công trong khối Eurozone. Hiệp hội Quảng cáo Đức cho rằng, doanh thu quảng cáo của các tờ báo in ra hàng ngày trong năm 2011 là 3,6 tỷ Euro, giảm 45% so với cách đây 12 năm.
Trong khoảng thời gian 2006- 2012, một số tờ báo in chất lượng của Anh chứng kiến lượng phát hành giảm khoảng 40-50%. Doanh thu quảng cáo cũng ngày một xuống dốc. Hãng truyền thông Zenith Optimedia cho biết, doanh thu quảng cáo trên các báo Anh quốc trong năm 2012 giảm khoảng 250 triệu bảng (402,7 triệu USD). Cụ thể, doanh thu các báo phát hành cả nước sẽ mất 5,1% và các báo địa phương giảm 9,6%.
Thay đổi để sinh tồn
Báo in thế giới đang ở trong tình cảnh khốn khó chưa từng thấy. Chính phủ nhiều nước đã phải có các động thái hỗ trợ báo in. Ở Anh, Canada và Australia, hàng nghìn phóng viên đã trở thành công chức nhà nước, làm việc trong các hãng báo chí do chính phủ sở hữu. Ngoài ra, các chính phủ cũng hỗ trợ ngành báo chí dưới các hình thức như giảm bưu phí ở Mỹ, Pháp hay không đánh thuế giá trị gia tăng ở Anh.
Trước tình cảnh khốn khó của báo in thế giới, Chính phủ nhiều nước đã có các hình thức hỗ trợ như giảm bưu phí ở Mỹ, Pháp, không đánh thuế giá trị gia tăng ở Anh...
Về phần mình, nhiều tờ báo cùng lúc hợp lực công kích, buộc tội báo mạng và các trang tìm kiếm như google đã xâm phạm bản quyền báo in để kiếm lời bất chính. Tuy vậy, đây cũng chỉ như một đòn phản công kém hiệu lực và nhiều tờ báo đã buộc phải thay đổi bởi họ biết rằng sẽ chẳng đạt được gì nếu không tự tìm được hướng đi thích hợp:
Tập trung vào nội dung và quan tâm tới nhu cầu của độc giả
Đi ngược bối cảnh chung hiện nay của ngành truyền thông, Tờ The Economist vẫn có mức doanh thu kỷ lục và số lượng báo phát hành tăng đều trong vòng hai năm qua. Theo một giám đốc điều hành của The Economist thì một nguyên tắc vàng của tờ báo này là: “Đưa tới cho độc giả cái họ thực sự muốn đọc, không phải cái mà các tờ báo nghĩ rằng họ nên đọc”.
Thực tế nguyên tắc này một lần nữa nhấn mạnh lại điều cốt tử của báo chí là: nội dung. Để tiếp tục tồn tại và phát triển, báo in cần phải tự làm mới mình, theo sát nhu cầu của độc giả, nâng cao chất lượng, giảm thiểu sự trùng lặp và xây dựng phong cách chuyên nghiệp, riêng biệt. Báo điện tử tuy có nhiều ưu thế, song thông tin thiếu chọn lọc và mức độ tin cậy thấp của những trang báo mạng khiến độc giả chưa mấy hài lòng.
Giảm chi phí đến tối thiểu
Nhiều tờ báo đã gộp bớt số kỳ xuất bản (3 lần thay vì 7 lần/tuần) hoặc chuyển báo ngày sang báo tuần và rút nhỏ lại khổ giấy để giảm chi phí. Ở Australia, các tờ báo khổ lớn gồm Tờ The Sydney Morning Herald và The Age đã từ bỏ kiểu in có truyền thống hàng thế kỷ này chuyển sang khổ nhỏ. Các trang mục cũng được rà soát lại, dồn các chuyên mục cùng loại trên cùng một trang thay vì rải rác trên nhiều trang như thường làm.
Tồn tại bằng số hoá
Washington Post, tờ báo gối đầu giường của nhiều chính khách/công chúng Mỹ đã thu lệ phí trên mạng từ 1/1/2013. Tại Mỹ, hiện đã có hơn 300 nhật báo sử dụng hệ thống thu tiền lệ phí đọc báo dưới nhiều hình thức “paywall” và chỉ cho đọc miễn phí một số bài và thông tin. Dự báo, đến năm 2014, con số này sẽ tăng lên ít nhất là 400 tờ người đọc sẽ phải trả lệ phí. Có thể nói đây là phong trào báo chí Mỹ nói riêng và báo chí thế giới nói chung thích nghi để sinh tồn, sử dụng internet để phát triển thay vì để cho internet đào thải.
_________________
Tài liệu tham khảo:
http://www.naa.org
http://www.sipiapa.com
http://www.vietnamplus.vn
http://www.thanhnien.com
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 3 - 2013
Báo in thế giới: Tìm cách vượt qua khủng hoảng
(Tài chính) Suy thoái kinh tế toàn cầu cùng sự phát triển của Internet đã khiến ngành công nghiệp báo in thế giới lâm vào khủng hoảng. Nhiều tờ báo tên tuổi lớn hàng đầu đã phải đóng cửa và câu hỏi đặt ra đối với tất cả các chủ bút trên thế giới là làm thế nào để tờ báo của mình thoát khỏi trào lưu này?
Xem thêm