Bảo lãnh ngân hàng: Đừng để “vàng thau” lẫn lộn (Kỳ cuối)
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều vụ việc gây tranh cãi từ doanh nghiệp với ngân hàng, liên quan đến việc từ chối thanh toán bảo lãnh.
Kỳ cuối: Hoàn thiện nghiệp vụ bảo lãnh, cách nào?
Không bàn luận đến việc đúng hay sai từ những lý do ngân hàng đưa ra để từ chối thanh toán nghĩa vụ bảo lãnh, nhưng xét dưới góc độ quản trị ngân hàng, thì nguyên nhân chính là một số ngân hàng đã đặt vấn đề quản trị rủi ro nghiệp vụ sai định hướng. Cách nào để hạn chế tranh chấp và nghiệp vụ bảo lãnh không “vàng, thau lẫn lộn”?
Đặt sai định hướng quản trị rủi ro
Dường như với quan điểm rủi ro là ở khâu phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, nên một số ngân hàng đã đặt nặng vấn đề quản trị rủi ro vào khâu này, bằng cách đưa ra các điều kiện chặt chẽ, khó khăn, rối rắm với bên nhận bảo lãnh, để nếu như phát sinh sự kiện bên nhận bảo lãnh đòi tiền bảo lãnh, ngân hàng sẽ có nhiều lý do, căn cứ, yêu cầu, khiến cho bên nhận bảo lãnh gặp khó khăn trong việc đòi tiền. Từ đó, dẫn tới nhiều trường hợp ngân hàng triển khai nghiệp vụ bảo lãnh nhưng lại cố gắng tìm cách thoái thác nghĩa vụ, đùn đẩy rủi ro về phía người nhận bảo lãnh thông qua những điều kiện được thể hiện trong cam kết bảo lãnh như: yêu cầu bảo lãnh của bên nhận bảo lãnh phải được ghi bằng văn bản; yêu cầu bảo lãnh phải được gửi đến tận “trụ sở” ngân hàng trước một thời điểm xác định; bên nhận bảo lãnh phải gửi kèm theo văn bản yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh hồ sơ chứng minh bên được bảo lãnh đã vi phạm nghĩa vụ; văn bản bảo lãnh chỉ được lập thành một bản chính duy nhất…
Với cách quản trị rủi ro như trên, đương nhiên bên nhận bảo lãnh sẽ gặp khó khăn trong việc nhận thanh toán tiền từ ngân hàng trong những trường hợp bên được bảo lãnh trây ì, có biểu hiện lợi dụng các nội dung cam kết bảo lãnh để bắt bí ngân hàng và bên nhận bảo lãnh. Như trường hợp trong hạn thanh toán bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh gửi văn bản yêu cầu thanh toán nghĩa vụ bảo lãnh, ngân hàng cũng muốn thanh toán, nhưng lại nhận được công văn của bên được bảo lãnh thông báo yêu cầu ngân hàng không được thanh toán vì cho rằng, mình chưa vi phạm nghĩa vụ. Ngân hàng sẽ khó mà thanh toán tiền bảo lãnh trong trường hợp này, vì về nguyên tắc pháp lý, có sự vi phạm nghĩa vụ của một bên hay không, chỉ có tòa án hoặc trọng tài mới có thẩm quyền quyết định. Vậy là, với cách định hướng quản trị rủi ro như vậy, ngân hàng sẽ tạo ra sự phản cảm trong con mắt của cộng đồng doanh nghiệp về hình ảnh, giá trị và uy tín của cam kết bảo lãnh và của chính ngân hàng.
Quản trị rủi ro theo bản chất tín dụng
Ngân hàng cần xác định rõ định hướng quản trị rủi ro ở khâu giải quyết cấp bảo lãnh và bảo đảm tiền vay đối với việc cấp bảo lãnh. Nên lựa chọn hình thức bảo lãnh vô điều kiện, để thanh toán bảo lãnh không khác gì việc thanh toán một L/C. Tức là, ngân hàng chỉ cần nhận được văn bản yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán, thì lập tức thanh toán cho bên nhận bảo lãnh, mà không cần biết về lý do yêu cầu. Sau đó, ngân hàng buộc bên được bảo lãnh nhận nợ bắt buộc và sẽ xử lý tài sản bảo đảm của khách hàng trong trường hợp chậm trả nợ.
Để bảo lãnh trở thành vô điều kiện đúng nghĩa, các nội dung điều kiện ràng buộc đối với bên nhận bảo lãnh cần giảm thiểu ở mức tối đa.
Ngân hàng cần xác định rõ bản chất của bảo lãnh cũng giống như một khoản cấp tín dụng thông thường. Theo đó, công tác quản trị rủi ro đối với nghiệp vụ bảo lãnh không nên đặt quá nặng, quá chặt ở khâu ràng buộc trách nhiệm giữa ngân hàng với bên nhận bảo lãnh. Vấn đề trọng tâm cần đặt ra trước khi ngân hàng triển khai nghiệp vụ bảo lãnh cho một khách hàng cụ thể đó là việc đánh giá và thẩm định kỹ lưỡng khả năng trả nợ của khách hàng, cũng như khả năng xử lý tài sản bảo đảm khi khách hàng không thanh toán được khoản nợ phát sinh từ thanh toán bảo lãnh. Các biện pháp bảo đảm tiền vay có mức an toàn cao nhất như ký quỹ, cầm cố, thế chấp nên được áp dụng theo thứ tự ưu tiên lần lượt.
Đối với các ngân hàng đã tồn tại và triển khai nghiệp vụ bảo lãnh theo định hướng quản trị rủi ro này, thì để tránh tình trạng “vàng, thau lẫn lộn” trong nghiệp vụ bảo lãnh, ngân hàng cần phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp biết và nhận thức rõ hơn về định hướng triển khai nghiệp vụ bảo lãnh của ngân hàng mình. Đồng thời, ngân hàng cần cung cấp những chiếc khiên bảo vệ vững chắc cho cán bộ - nhân viên mình để phòng tránh rủi ro cho họ và cho chính ngân hàng. Chiếc khiên bảo vệ đó chính là kiến thức, thông tin, sự hiểu biết về nghiệp vụ bảo lãnh và các kiến thức cơ bản liên quan đến nghiệp vụ bảo đảm tiền vay như: cách thức lựa chọn hình thức bảo đảm an toàn nhất; cách thức xác định loại tài sản bảo đảm nên nhận, loại tài sản bảo đảm không nên nhận; hệ thống rủi ro tồn tại trong các nhóm tài sản bảo đảm, khung pháp lý điều chỉnh các vấn đề sở hữu tài sản.
… và phòng ngừa rủi ro pháp lý
Thông tư 28/2012/TT-NHNN ngày 3/10/2012 hướng dẫn nghiệp vụ cấp bảo lãnh của ngân hàng đã có hiệu lực. Có nhiều quan điểm khen sự chặt chẽ của thông tư này, nhưng thực tế cho thấy, có những phiền toái và rủi ro pháp lý rắc rối nảy sinh cho giới ngân hàng.
Thứ nhất, khoản 2, Điều 18, Thông tư 28 quy định, “trường hợp ngày hết hiệu lực bảo lãnh trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ, tết thì ngày hết hiệu lực được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo”. Thông thường, hệ thống công nghệ quản trị, theo dõi thông tin của các ngân hàng sau khi được cập nhật yếu tố thời hạn theo thỏa thuận chỉ có thể xác định ngày hết hạn theo thỏa thuận này. Với quy định mới nêu trên, nếu như ngân hàng không tìm cách điều chỉnh công nghệ, thì sẽ dẫn tới rủi ro cho ngân hàng là bảo lãnh tưởng như đã hết hạn, ngân hàng hết trách nhiệm, nhưng hóa ra vẫn còn. Do vậy, khi triển khai nghiệp vụ, ngân hàng cần quy định để cán bộ tín dụng tính toán tránh ngày cuối cùng của thời hạn rơi vào ngày lễ, ngày nghỉ, nhằm tránh vướng mắc từ quy định nêu trên.
Thứ hai, theo Điều 15, Thông tư 28, các hợp đồng bảo lãnh, thư bảo lãnh của ngân hàng cần phải có chữ ký của ba người, thay vì một người như trước đây, bao gồm: người đại diện theo pháp luật, người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh, người thẩm định khoản bảo lãnh. Quy định này có nhiều vấn đề rủi ro, vướng mắc, vô lý còn phải bàn, nhưng đã là quy định thì ngân hàng đương nhiên phải chấp hành, để bảo đảm hiệu lực pháp lý cho các văn bản giao dịch bảo lãnh. Do đó, trong nội bộ ngân hàng nên có một quy định hệ thống hóa về việc ủy quyền nói chung, trong đó điều tiết cả cơ chế ủy quyền ký các văn bản nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng, để bảo đảm khả năng theo dõi, xử lý các vấn đề liên quan đến ủy quyền trong hệ thống.
Để nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng tồn tại, phát triển, các ngân hàng nên chú trọng vào thương hiệu, uy tín, năng lực quản trị rủi ro kinh doanh của mình và khiến cho doanh nghiệp nhìn thấy điều đó ẩn sau các văn bản cam kết bảo lãnh ngân hàng. Ngân hàng cũng nên nhận biết và quản trị tốt các rủi ro pháp lý từ môi trường pháp lý, tránh tình trạng “ngân hàng bảo lãnh cho người, còn mình thì để cho ruồi nó bâu”.