Bảo vệ giá trị sức mua của đồng tiền trong cơ chế kinh tế thị trường Việt Nam
(Tài chính) Nhiều năm qua, kinh tế Việt Nam luôn bị nguy cơ lạm phát rình rập. Đi tìm nguyên nhân và những giải pháp đúng đắn để vừa kiểm soát lạm phát vừa bảo đảm phát triển kinh tế là điều hết sức cần thiết.
Kinh tế Việt Nam và sự tác động đến thị trường tiền tệ
Mặc dù Việt Nam đã gia nhập WTO từ tháng 11-2006, nhưng cơ cấu kinh tế thay đổi còn rất chậm, nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, công nghiệp nặng về gia công chế biến, công nghiệp chế tạo không chiếm tỷ trọng cao, việc thu hút nguồn vốn FDI hạn chế và hầu như có rất ít sự chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Trong nền kinh tế, khu vực kinh tế nhà nước với vai trò là thành phần kinh tế chủ đạo, nên nhận được nhiều ưu đãi hơn so với các thành phần kinh tế khác song hiệu quả không cao, năng lực cạnh tranh yếu. Trong khi đó, mặc dù hội nhập quốc tế đem lại những mặt tích cực, nhưng mỗi khi khủng hoảng kinh tế xảy ra trên thế giới thì nền kinh tế nước ta cũng bị chịu những tác động tiêu cực. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước lại chỉ đóng vai trò là cơ quan thực thi chính sách tiền tệ hơn là cơ quan hoạch định và tổ chức thực hiện, nên lạm phát giống như một bóng ma luôn rình rập nền kinh tế nước ta.
Cụ thể: Năm 2007, lạm phát của Việt Nam tăng cao nhất trong khu vực, ở mức hai con số, tới 12,63%. Nếu so sánh với mức lạm phát của một số nước trong khu vực trong cùng thời gian thì lạm phát ở các nước này chỉ bằng 1/2 đến 1/3 của Việt Nam, như: Trung Quốc: 6,5%; Indonesia: 6,59%; Thái Lan: 3,21%; Nhật Bản: 0,7%; Hoa Kỳ: 4,08%, khu vực đồng Euro: 3,07%... Đến năm 2008, lạm phát lại tiếp tục bùng phát lên tới 19,83% - mức cao nhất trong 15 năm kể từ năm 1993. Từ năm 2009 đến năm 2013, tuy lạm phát đã được kiềm chế, song chưa có tháng nào lạm phát bằng 0 hay âm, vì vậy lạm phát lũy kế đã liên tiếp chồng lên nhau qua thời gian. Năm 2013 là năm có mức lạm phát thấp nhất trong 10 năm (tính từ năm 2003) cũng lên tới 6,04%. Lạm phát cao đã tác động xấu tới nền kinh tế, chẳng hạn đối với thị trường bất động sản lạm phát cao là một trong những yếu tố quan trọng làm cho thị trường này bị “đóng băng” ở giá cao suốt hơn 3 năm (từ giữa năm 2010 đến năm 2014) mà vẫn không “ấm” lên được đáng kể. Trên thị trường vàng, giá vàng cũng luôn cao hơn giá thế giới khoảng 10% trong nhiều năm. Còn trên thị trường ngoại tệ, đồng USD lên giá rất mạnh so với VNĐ ngay cả khi đồng tiền này bị mất giá rất mạnh so với nhiều đồng tiền quốc tế thông dụng khác. Tình trạng đầu cơ vào một số hàng hóa thiết yếu, chiến lược, hay các hoạt động vay mượn lòng vòng trên thị trường liên ngân hàng hoặc hoạt động lướt sóng trên thị trường tiền gửi… càng đẩy hiệu ứng và mức lạm phát ở Việt Nam lên cao nhất trong các nước khu vực vào thời điểm cuối năm 2008.
Những nguyên nhân chủ yếu làm giá trị tiền đồng của Việt Nam bị sụt giảm mạnh hơn các nước những năm gần đây, có thể được nhận dạng theo 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu là:
Thứ nhất, chúng ta đã và đang “nhập khẩu” lạm phát, tức là chuyển lạm phát từ nước ngoài vào nền kinh tế trong nước một cách bất khả kháng hoặc tự phát. Trong một thời gian dài, đồng USD mất giá so với các đồng tiền mạnh khác do chính phủ Mỹ và Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) ra sức thực hiện chính sách đồng tiền yếu để cứu vãn nguy cơ suy thoái kinh tế.
Chỉ tính từ tháng 9-2007 đến tháng 5-2008, FED đã thực hiện 11 lần cắt giảm lãi suất tái cấp vốn, từ 5,25%/năm xuống còn 2%/năm.
Điều này kéo theo các đợt sốt giá dầu, giá vàng trong những khoảng thời gian ngắn trên thị trường quốc tế. Cộng với đó là tình hình bất ổn về an ninh, chính trị, thiên tai trên thế giới liên tục tạo áp lực đẩy mặt bằng giá thế giới lên cao, trong đó có giá của nhiều loại hàng nhập về Việt Nam, khiến nền kinh tế Việt Nam “nhập khẩu” sự mất giá đó và thông qua cơ chế lan tỏa tạo áp lực cho đồng nội tệ lên giá tương đối so với đồng USD trên thị trường ngoại hối. Trong bối cảnh trên, nếu “bơm” mạnh nội tệ ra để “cứu” tỷ giá và “cứu” xuất khẩu thì gây ra lạm phát, rối loạn khu vực tài chính và giảm thu nhập thực tế của người lao động, nhưng khi lạm phát lên cao, lãi suất tiền gửi chuyển sang thực âm thì tiền nằm luôn trong lưu thông, ít chảy vào ngân hàng mà thay vào đó là chuyển sang đầu cơ, trong đó có cả đầu cơ vào bất động sản, vàng, ngoại tệ… Câu chuyện này đã thành bệnh “kinh niên” trong nhiều năm.
Thứ hai, sự tăng lên quá lớn của tổng phương tiện thanh toán kéo dài nhiều năm (điển hình là từ năm 2005 đến năm 2007 tăng tới 135%, trong khi tăng trưởng kinh tế luỹ kế cùng thời gian chỉ gần 26%) làm cho lạm phát kỳ vọng ở Việt Nam cao hơn rất nhiều lần so với lạm phát danh nghĩa. Độ trễ của tiền trong lưu thông tất nhiên sẽ làm giảm dòng chảy vào ngân hàng mà phần lớn phải “chui” vào giá, đẩy CPI lên. Trong trường hợp này chỉ có thể dùng ngoại tệ dự trữ để hỗ trợ nhập siêu hoặc tăng cường xuất khẩu để tài trợ cho nhập khẩu thông qua việc bán ngoại tệ ra, thu tiền đồng về mới thực sự trung hòa được lượng tiền đồng, nhưng đây lại là một thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam.Thứ ba, do hiệu quả đầu tư quá thấp và những bất ổn vĩ mô nói chung, trong khu vực tài chính nói riêng bị kéo dài quá lâu bởi cơ cấu kinh tế lạc hậu, giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh kém, phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn vốn và tài nguyên, chứ không phải dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng công nghệ cao hay hàm lượng trí thức nhiều. Biểu hiện của sự mất cân đối vĩ mô là nền kinh tế luôn luôn tiêu nhiều hơn có, ngân sách nhà nước bị thiếu hụt lớn (không dưới 4%), xuất khẩu căn bản nhỏ hơn nhập khẩu, giá bất động sản “sốt” nóng quá lâu (từ năm 2002 đến giữa năm 2010), sau đó “đóng băng” từ giữa 2010 cho tới nay mà không thể “ấm” lên được. Hiệu quả đầu tư thấp còn thể hiện ở chỗ khu vực doanh nghiệp nhà nước được sử dụng tới trên 70% tài nguyên, vốn ODA… nhưng chỉ tạo ra không quá 37% GDP và nợ xấu gia tăng. Kết quả là, hệ số ICOR bình quân của Việt Nam lên tới trên 5, thậm chí 8 - cao nhất trong khu vực (ở nhiều nước Bắc Á, kể cả Trung Quốc, con số này trong nhiều năm chỉ ở mức 2,5 đến 3,5). Kinh tế nước ta đang yếu hơn rất nhiều so với chính tiềm năng của mình và càng yếu hơn so với các nước trung bình tiên tiến trong khu vực, như: Thái lan, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Hàn Quốc. Quy mô nền kinh tế quá nhỏ so với tiềm năng. Đời sống của người dân còn thấp so với một quốc gia luôn được gọi là có “rừng vàng, biển bạc”, đất đai phì nhiêu và người dân cần cù, thông minh, dũng cảm.
Hội nhập kinh tế tuy đem được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, lũy kế sau hơn 20 năm dù vẫn còn xấp xỉ 9.000 dự án hiện đang có hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đến trên 100 tỷ USD, song vốn “chảy” vào khu vực nông nghiệp, nông thôn chỉ có vỏn vẹn xấp xỉ 5%, trong khi đó, vào lĩnh vực công nghiệp mà gia công, lắp ráp là chính với 61% và dịch vụ là 34%. Vì thế, đời sống mọi mặt ở nông thôn vẫn còn khoảng cách quá lớn so với thành phố, đô thị.
Giải pháp nhằm bảo vệ giá trị sức mua của đồng tiền
Bản chất của việc bảo vệ giá tiền là giữ sự ổn định sức mua đối nội và đối ngoại của đồng tiền. Vì vậy, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đều lấy mục tiêu ổn định giá cả là mục tiêu duy nhất của chính sách tiền tệ. Trong điều kiện nền kinh tế nước ta chưa phát triển và có nhiều hạn chế như trên, các giải pháp căn bản để chống lạm phát, bảo vệ giá tiền bao gồm:
Một là, nhanh chóng xác lập cơ chế thị trường tự do, bình đẳng đối với mọi thành phần kinh tế. Muốn vậy, cần căn bản tách bạch hoạt động công ích với hoạt động vì lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước để tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Từ đó có thể tăng thu tô, lợi tức từ vốn, tài nguyên thiên nhiên… thuộc sở hữu toàn dân nhằm giảm bớt gánh nặng thuế thu nhập cho người lao động và thuế doanh thu của các đơn vị sản xuất kinh doanh khác. Nhà nước chỉ nên tác động vào tổng cung, tổng cầu qua “vốn mồi”, định hướng phát triển nền kinh tế theo cấu trúc hợp lý, kích thích phát triển các ngành hàng, sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao và sử dụng các công cụ của thị trường để dẫn dắt thị trường, sao cho tất cả các thị trường hàng hóa, dịch vụ nói chung và từng bộ phận của thị trường tài chính nói riêng đều có môi trường để cùng cạnh tranh lành mạnh, một cách minh bạch và theo quy luật thị trường. Được như vậy, nền kinh tế thị trường sẽ vận hành suôn sẻ và chính sách tiền tệ với lạm phát mục tiêu sẽ có cơ sở phát huy tác dụng.
Ngoài ra, để chống được lạm phát ở Việt Nam, vấn đề then chốt không phải chỉ giảm tổng cầu, mà căn bản phải là phát triển kinh tế theo chiều sâu mới tăng được lượng cung hàng hóa chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn. Do đó, chúng ta cần “nhập khẩu trí tuệ”, chứ không phải nhập các dây chuyền sản xuất lạc hậu, phá hoại môi trường, hay thu hút những nhà đầu tư chỉ lập ra các “xưởng gia công” ở Việt Nam nhằm tận dụng nguồn nhân công và nguyên liệu giả rẻ. Cần có những biện pháp làm chủ được công nghệ và sử dụng nhiều lao động qua đào tạo, tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” hoặc lao động Việt Nam phải đi làm thuê giá rẻ cho nước ngoài.
Hai là, về thể chế, phải có chính sách tiền tệ độc lập và Ngân hàng Trung ương cần có vị thế pháp lý độc lập mới chủ động “bơm”, “hút” vốn một cách hợp lý giữa thị trường 2 với thị trường 1 để thực thi được chính sách tiền tệ với lạm phát mục tiêu và làm tốt được vai trò chủ động làm người cho vay cuối cùng trên thị trường thanh khoản ngắn hạn cho nền kinh tế mà không cần phải can thiệp sâu, trực tiếp vào thị trường 1. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải ngày càng trở thành Ngân hàng Trung ương của nền kinh tế thị trường, giảm dần vai trò “bộ chủ quản” đối với ngành ngân hàng, Thống đốc không nên là thành viên Chính phủ. Chỉ với vị thế này thì Ngân hàng Trung ương mới đủ quyền lực để khống chế tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán không vượt qua một giới hạn nào đó (ví dụ không vượt quá 3,5 hay 4,0 lần) so với tốc độ tăng trưởng kinh tế kỳ vọng tại mọi thời kỳ nhằm chủ động kìm giữ, kiểm soát các nhân tố gây tái lạm phát.
Ba là, cần chọn mục tiêu tự do hóa tài khoản vốn cùng với mục tiêu chính sách tiền tệ độc lập để tăng cường hội nhập tài chính toàn cầu. Với 2 mục tiêu này và cùng với chính sách chống ngoại hối hóa phương tiện thanh toán một cách triệt để, chúng ta hoàn toàn có thể lợi dụng được vị thế là “điểm đến” của dòng vốn đầu tư nước ngoài qua con đường thị trường chứng khoán hơn là bằng cách trải thảm đỏ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì những doanh nghiệp này đã và đang đặt ra quá nhiều vấn đề phải xử lý, như: không thu hút được nhiều lao động, không chuyển giao nhiều công nghệ tiên tiến, trong khi lại sử dụng nhiều tài nguyên và hủy hoại môi trường, chưa kể các hành vi chuyển giá, trốn thuế, trả lương bình quân rất thấp so với lao động trong khu vực kinh tế trong nước, song buộc người lao động phải làm việc với thời gian, cường độ rất cao. Với việc tự do hóa tài khoản vốn, chúng ta sẽ chủ động gọi và lái dòng vốn gián tiếp dài hạn đầu tư vào công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và vào các doanh nghiệp cổ phần trong nước, hoặc doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài qua thị trường chứng khoán.
Bốn là, phải thiết kế cơ chế pháp lý để thị trường tài chính thực sự phản ánh trung thành những diễn biến giá. Các ngân hàng thương mại sẽ phải ngày càng gia tăng những hoạt động hỗ trợ vốn thông qua việc cung ứng vốn ngắn hạn và chiết khấu, tái chiết khấu các công cụ nợ trung, dài hạn cho thị trường tài chính một cách ít rủi ro hơn, phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ tiện ích ngân hàng phi tín dụng, như thanh toán, kế toán, quỹ, thu - chi hộ, bảo quản, bảo hiểm tiền gửi, tiền vay, kinh doanh ngoại hối thay tín dụng ngoại hối… Tóm lại, thực trạng những yếu kém của nền kinh tế và cơ chế vận hành còn chưa bình đẳng, thiếu minh bạch, cùng với vị thế không độc lập của Ngân hàng Nhà nước đã và đang tác động đa chiều bất lợi đến chính sách tiền tệ, buộc chính sách phải theo đuổi nhiều mục tiêu và bị động trong việc theo đuổi các mục tiêu đó. Các giải pháp đã đề xuất vừa nhằm tạo ra những nhân tố để giảm giá vốn, vừa để tận dụng tối đa được các nguồn vốn có sẵn trên thị trường thứ cấp, cũng như có cơ chế gọi vốn nước ngoài nhằm khuyến khích và chủ động đầu tư vào những lĩnh vực có khả năng sử dụng vốn hiệu quả, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tăng trưởng sản xuất, mà vẫn chủ động hạn chế được lượng cung tiền mới, bảo đảm ổn định được giá trị sức mua của đồng nội tệ theo định hướng chính sách tiền tệ với lạm phát mục tiêu.