Bất động sản dầu khí: Dự án "tắc" vì nguy cơ xiết nợ
(Tài chính) Sau khi cực chẳng đã phải kéo ra Hà Nội đòi nhà, khách mua căn hộ dự án PetroVietnam Landmark đã có buổi gặp gỡ chủ đầu tư nhưng gần như mọi hy vọng đều tắt khi câu hỏi tài chính không có câu trả lời.
Luẩn quẩn lời hứa
Sáng 15/1, các khách hàng cá nhân và cả khách hàng pháp nhân là Công ty Cổ phần Bất động sản xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVL) đã có mặt tại tòa nhà PSG trên đường Nguyễn Gia Thiều, 11Bis, phường 6 quận 3, tiếp tục đưa ra câu hỏi: “Khi nào người mua được giao nhà?”.
Tại cuộc gặp này, khách hàng yêu cầu Công ty Cổ phần địa ốc Dầu khí (PVCland) cho biết tại sao tiền của họ đã nộp gần đủ, tòa nhà cũng đã thế chấp cho ngân hàng lấy vốn thi công nhưng vẫn không thể hoàn thành. Khách hàng cũng yêu cầu PVCland thông báo khoản vốn còn lại để hoàn thành tòa nhà.
PVCland cho biết, hiện dự án còn cần khoảng 200 tỷ để hoàn thành. Mặc dù ông Vũ Anh Tú - phó Giám đốc tài chính, vẫn luôn nhắc đi nhắc lại câu hỏi và tự trả lời: “Tiền còn không? Còn chứ!”, nhưng làm thế nào để có tiền thì ông Tú, PVCland đều bó tay. Khoản nợ của PVCland tại ngân hàng Liên Việt đã được đưa vào danh sách nợ xấu thì khó lòng mà công ty này còn xoay trở ra tiền!
Tại cuộc gặp này, PVL khẳng định đến dự với tư cách là khách hàng mua nhà của PVCland, như mọi khách hàng khác. Tuy nhiên với các khách hàng cá nhân thì có cái nhìn khác.
PVL được xem là nhà đầu tư thứ cấp, theo phương thức mua đứt bán đoạn. PVL đã mua 141 căn của PVCland, và sau đó bán lại cho khách hàng cá nhân. Do đó trong buổi đối thoại có cả 2 pháp nhân này là điều mà khách hàng cá nhân cho là vô cùng cần thiết. Bởi PVL chiếm số lượng mua 40% dự án, nên số tiền PVL chuyển cho nhà đầu tư có vai trò quan trọng trong nguồn vốn đưa vào thi công dự án.
Thế nhưng tại cuộc gặp, các khách hàng cá nhân càng thêm thất vọng khi chỉ thấy hai đơn vị này đối đáp, đùn đẩy cho nhau và cùng nhau đưa dự án vào… ngõ cụt! PVCland cho rằng PVL đã sử dụng yếu tố kỹ thuật để giữ tiền của khách hàng mà không nộp cho PVCland. Và PVCland đã phạt nhà đầu tư thứ cấp này 2,6 tỷ. Trong khi đó, PVL, với vị trí khách hàng, cũng đã đưa ra con số phạt nhà đầu tư chậm giao nhà số tiền 74 tỷ đồng!
Nghe hai bên tranh luận về việc cấn trừ công nợ nội bộ nhưng không bên nào chịu bên nào, các khách hàng cá nhân càng thất vọng và bức xúc. Khi khách hàng hỏi “Sự việc đã xảy ra rất lâu rồi sao các anh không đưa vấn đề ra tòa án để giải quyết?” thì không bên nào trả lời được.
“Chúng tôi yêu cầu PVCland phải có trách nhiệm toàn diện. Hôm nay chúng tôi đến đây với yêu cầu duy nhất là PVCland tìm mọi cách hoàn thiện tòa nhà và bàn giao vào tháng 6 năm 2014. Việc nội bộ giữa PVL và PVCland thì hai bên tự giải quyết”, đại diện khách hàng nói.
Phía PVCland nói là không thể hoàn thiện vào tháng 6/2014 được và đề xuất một số giải pháp.
Tìm đâu ra tiền?
Mặc dù khách hàng thông báo rằng đến để nghe câu trả lời “Khi nào giao nhà?” chứ không muốn nghe chuyện nội bộ của hai nhà đầu tư, nhưng ông Thành, Trưởng phòng kinh doanh của PVCland vẫn không kìm nén được bức xúc đối với Công ty PVL. Ông trách PVL đã không chia sẻ với khó khăn của nhà đầu tư, mà chỉ chăm chú vào việc đòi quyền lợi, trong khi PVL chiếm tỷ lệ mua đến 40% dự án, là nhà đầu tư thứ cấp. Thế nhưng PVL lại là đơn vị nộp tiền thấp nhất, chỉ 63% so với các khách hàng khác đã nộp từ 80% trở lên.
Trả lời cho khách hàng về phương án tìm vốn để tiếp tục thi công, PVCland cho biết đã xin ý kiến của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, thoái vốn một số dự án thương mại như dự án ở quận 9, bán bớt một số tài sản của công ty. Bên cạnh đó công ty sẽ làm việc với ngân hàng Liên Việt xin khoanh nợ cũ và tiếp tục giải ngân cho vay khoản mới.
Một ý kiến của khách hàng đưa ra là PVCland lập bảng tính toán các công việc, công đoạn phải làm và kế hoạch vốn, khách hàng sẽ vận động nhau hợp tác tích cực, sẽ nộp các khoản tiền còn lại kể cả chưa đến kỳ hạn nộp, để nhà đầu tư có vốn thi công. Ý kiến này rất sáng sủa nhưng lại gặp… bế tắc, bởi chính khách hàng lớn nhất là PVL lại không thể quyết định được việc này.
Ông Phạm Văn Hùng - Tổng Giám đốc PVL đưa ra khá nhiều lý do, chẳng hạn hiện nợ của PVCland tại ngân hàng đã chuyển thành nợ xấu, liệu khi nộp tiền vào, ngân hàng có siết nợ, thu luôn? Và ông cũng cho rằng quyết định tiếp tục bơm tiền cho PVCland là quyết định của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông, chứ bản thân ông không đủ thẩm quyền. “Tôi mà quyết, không khéo sau này chúng ta lại ‘nhập kho’ hết”, ông Hùng nói.
Thực ra đó là cách hoãn binh của PVL. Theo thông tin mà Infonet có được, hiện tập đoàn này đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, ngân quỹ tài chính gần như cạn kiệt. Trong khi đó, PVL trước đây mua nhà với giá trên 23 triệu/m2, nhưng nay phải bán với giá 15 triệu/m2, tức cứ một căn hộ 100m2 công ty này bị lỗ 700 triệu đồng nếu có người mua!
Các khách hàng có ý hướng trông chờ vào Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Về nguyên tắc thì tập đoàn này chỉ chiếm 14% vốn trong dự án nên không thể có ý kiến quyết định. Tuy nhiên, khách hàng cho rằng, xuất phát của dự án này là dự án an sinh xã hội của Tập đoàn và giao cho PVCland, nên tập đoàn phải có trách nhiệm. Tại cuộc gặp mặt có đại diện của PVN, nhưng vị đại diện này cũng chưa có ý kiến nào mang tính kết luận.
Trước đây PVCland có Hợp đồng số 01/2009/HĐDV về việc PVCland ủy quyền cho sàn PVL được quyền bán và thu tiền liên quan đến việc bán căn hộ PetroVietNam Landmark. Trong hợp đồng này, PVCland ủy quyền cho sàn giao dịch PVL (đơn vị thành viên của Công ty Cổ phần Bất động sản xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVL) thực hiện tất cả các giao dịch như ký kết hợp đồng bán hoặc chuyển nhượng bất động sản là Khu thương mại dịch vụ diện tích trên 1,4 triệu mét vuông, 418 căn hộ chung cư với diện tích sàn 50.250m2. Tuy nhiên hóa đơn mua bán thì do Công ty PVL xuất.
Nói về dự án PetroVietnam Landmark, một người mua nhà bị "ngâm tôm" nói, năm nay, họ có một cái Tết đầy lo lắng.