Bất động sản du lịch biển: Tiềm năng đan xen thách thức

Theo Vi Vi/baoquocte.vn

Làm sao để quản trị hoạt động đầu tư phù hợp các quy hoạch phát triển chung, từ đó kinh doanh có hiệu quả, phát triển theo hướng bền vững là những nội dung được nhiều nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý…quan tâm và thảo luận tại Diễn đàn bất động sản du lịch biển Việt Nam 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội.

So với các thị trường lân cận, điển hình là Thái Lan, bất động sản du lịch tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa. (Nguồn: Novotel Phú Quốc)
So với các thị trường lân cận, điển hình là Thái Lan, bất động sản du lịch tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa. (Nguồn: Novotel Phú Quốc)

Sự kiện được tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận về các vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay về đầu tư và vận hành, khai thác kinh doanh các dự án bất động sản du lịch biển tại Việt Nam.

Sẽ sớm có quy định pháp lý cho Condotel

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng ngày càng có chỗ đứng riêng. “Trước đây nói tới thị trường bất động sản, gần như chúng ta chỉ nói tới thị trường nhà ở là chính. Nói về giao dịch, tồn kho, nợ xấu bất động sản, chủ yếu là trong lĩnh vực nhà ở. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, vấn đề bất động sản du lịch đã nổi lên rất nhanh”, ông Khởi nói.

Theo ông Khởi, nguồn cung về bất động sản du lịch, ngoài khách sạn bình thường còn nổi lên là một lĩnh vực kinh doanh rất mới tại Việt Nam, không chỉ dành cho nhà kinh doanh chuyên nghiệp mà cả các nhà đầu tư. Với quy hoạch đến năm 2020 thu hút khoảng 58 triệu lượt khách du lịch thì cơ hội để tham gia vào du lịch biển đang còn là một tiềm năng.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, thời gian qua nhiều vấn đề được đặt ra đã gây nhiều khó khăn cho cả chủ đầu tư, các nhà đầu tư và nhà quản lý. Trong đó, vấn đề pháp lý cho loại hình Condotel (căn hộ khách sạn) vẫn đang là vướng mắc chính khiến nhiều nhà đầu tư ngần ngại khi đầu tư vào loại hình căn hộ này.

“Bất động sản du lịch có nhiều loại, nếu mô hình khách sạn bình thường thì đã có đầy đủ hình thức quản lý, còn đối với những loại hình mà chúng ta vẫn quen gọi là ‘đứa con lai’ như Condotel… thì sao?”, ông Khởi đặt câu hỏi.

Ông Khởi cho hay, cần phải thống nhất và không cần bàn cãi việc “Condotel không phải là nhà ở” vì thời gian qua, việc hiểu chưa đúng về khái niệm Condotel đã gây ra nhiều rắc rối về tính pháp lý, làm phát sinh nhiều tranh chấp giữa chủ đầu tư với người mua, chủ đầu tư đối với cơ quan quản lý…Bên cạnh đó là một số vướng mắc lớn đối với loại hình Condotel hiện nay như yếu tố cơ sở lưu trú lâu dài, quy chuẩn xây dựng, nghĩa vụ tài chính…“Tất cả các vấn đề nêu trên vẫn đang được bàn thảo, nghiên cứu làm rõ”, ông Khởi cho biết.

Đại diện Bộ Xây dựng khẳng định, Bộ cũng đang nghiên cứu để có những hướng dẫn cụ thể về từng loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó có Condotel. “Chúng tôi đang nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành quy định quản lý vận hành Condotel, tránh những tranh chấp, mâu thuẫn có thể xảy ra sau này. Hy vọng đầu năm 2019 sẽ có một số văn bản pháp lý để có cơ sở quản lý”, ông Khởi thông tin.

Còn theo Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà, với lợi thế bờ biển dài, an ninh tốt, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam rất thuận lợi để phát triển.

Nhiều dự án cao cấp được xây dựng dọc theo đất nước, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Trong đó, điển hình là mô hình Condotel đã hút đầu tư mạnh trong thời gian qua, giúp tạo ra những khu du lịch, nghĩ dưỡng cao cấp, đồng bộ tại các thành phố biển nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc.

Ước tính năm 2017, có 12.500 sản phẩm bất động sản du lịch như Condotel, biệt thự nghỉ dưỡng tiến hành giao dịch. Sang năm 2018, các giao dịch tập trung sang các điểm sáng như Quy Nhơn, Quảng Bình, Vân Đồn, Bắc Vân Phong…

Ông Hà kiến nghị, để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển du lịch bền vững, các cơ quan Nhà nước, như Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nên phối hợp để xây dựng và ban hành các quy định và văn bản hướng dẫn.

Học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam đánh giá, mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, tuy nhiên so với các thị trường lân cận như Phukhet hay Pattaya (Thái Lan), các địa phương đi tiên phong về bất động sản du lịch biển tại Việt Nam như Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long hay Phú Quốc vẫn còn khoảng cách khá xa.

Bà Dung nhận định, sở dĩ du lịch Việt Nam chưa thu hút được những nguồn khách có chất lượng cao hơn, chi tiêu nhiều hơn từ châu Âu hay châu Mỹ là do các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, thiếu đa dạng, còn phụ thuộc quá nhiều vào những bãi biển mang tính “hữu xạ tự nhiên hương”, phụ thuộc vào thời tiết…

“Khi gia đình tôi sang Phuket du lịch và nghỉ ở 1 khu resort, tất cả thành viên trong gia đình tôi có thể giành cả ngày trong khu resort đó vì có rất nhiều hoạt động cho từng thành viên tham gia. Theo tôi, đó là một cách rất tốt để giữ chân du khách; nhưng hiện nay ở Việt Nam, các sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm du lịch của từng khu nghỉ dưỡng cũng còn quá yếu”, bà Dung nói.

Bà Dung khuyến nghị, các nhà đầu tư cần nỗ lực để đưa ra các sản phẩm đặc biệt giữ chân du khách như các khu nghỉ dưỡng tích hợp. Các nhà đầu tư cũng cần đi ra nước ngoài nhiều hơn để học hỏi; cần kết hợp với các nhà đầu tư quốc tế để có được các tiêu chuẩn quốc tế và da dạng hoá các sản phẩm trong chính khu nghỉ dưỡng của chủ đầu tư.

Theo ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital, công tác quản lý của Việt Nam vẫn chưa thực sự tốt. Những kỹ năng mềm thiên về kỹ thuật trong việc quản lý trong một số bối cảnh đã làm tốt song nếu nhìn về phía trước, với lượng cung tăng lên, việc thiếu vắng lực lượng nguồn nhân lực phù hợp với kinh nghiệm và chất lượng cần thiết là một vấn đề cần quan tâm. Các cơ sở đào tạo, dịch vụ và cả phong cách ẩm thực cũng sẽ là những yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng lành mạnh của ngành du lịch .

“Theo thống kê, khách quốc tế chỉ đến Việt Nam trung bình khoảng 1,1 lần khi ở Thái Lan là 2-3 lần; Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để thu hút khách quốc tế quay lại lần thứ hai bằng đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Theo tôi, phần khó khăn nhất vẫn chưa đến và Việt Nam cần chuẩn bị ngay từ bây giờ”, ông Piro đề xuất.

Ông Lee Pearce, Đại diện Tập đoàn Accor Hotels cho rằng, cùng với việc tăng cường chất lượng, chuẩn mực quốc tế để nâng cao danh tiếng cho ngành du lịch, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác, đặc biệt là từ Thái Lan.