“Nút thắt” pháp lý về condotel sẽ được gỡ vào đầu năm 2019?

PV.

Trước nỗi lo về tính pháp lý của bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng, tại Diễn đàn BĐS du lịch biển Việt Nam năm 2018 do Tạp chí The Leader tổ chức sáng ngày 4/8/2018, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu và sẽ trình Chính phủ các quy định về quản lý condotel, dự kiến ban hành vào đầu năm 2019.

Toàn cảnh Diễn đàn BĐS du lịch biển Việt Nam năm 2018 diễn ra sáng ngày 4/8/2018 tại Hà Nội.
Toàn cảnh Diễn đàn BĐS du lịch biển Việt Nam năm 2018 diễn ra sáng ngày 4/8/2018 tại Hà Nội.

Bùng nổ đầu tư condotel

Thị trường BĐS du lịch biển ở Việt Nam chủ yếu là căn hộ nghỉ dưỡng (Condotel) và biệt thự nghỉ dưỡng, bắt đầu hình thành tại Việt Nam từ năm 2007 - 2008 với các dự án “mở màn” đầu tiên tại Đà Nẵng. Nối tiếp thành công của Đà Nẵng, các thành phố biển khác như: Nha Trang, Phan Thiết và Phú Quốc đã nhanh chóng phát triển loại hình BĐS này.

Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, với tín hiệu tăng trưởng tích cực của nền kinh tế vĩ mô, sự phát triển nhanh chóng và có định hướng của các thành phố du lịch như phát triển hạ tầng du lịch mạnh mẽ, thị trường BĐS du lịch biển, nghỉ dưỡng có những chuyển biến tích cực.

Xu hướng bùng nổ đầu tư phát triển BĐS nghỉ dưỡng của các chủ đầu tư đã nhanh chóng lan rộng từ các trung tâm du lịch biển trọng điểm như Đà Nẵng, Bình Thuận, Nha Trang và Phú Quốc đến các thị trường mới tiềm năng như Ninh Thuận, Quảng Ninh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Phú Yên…

Hàng trăm các dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn, khu vui chơi giải trí lớn hiện đại đã và đang được đầu tư xây dựng tại các khu ven biển. BĐS du lịch biển đang trở thành một trong những loại hình BĐS đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư.

Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2015 đến nay, Bộ Xây dựng đã thẩm định khoảng 25.000 căn condotel… Chưa kể còn hàng chục nghìn căn tập trung tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, do chính quyền địa phương thẩm định.

Sẽ “hóa giải” nỗi lo pháp lý vào đầu năm 2019?

Xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nhận định, triển vọng phát triển BĐS du lịch là rất tiềm năng. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều vấn đề được đặt ra đã gây ra nhiều khó khăn cho chủ đầu tư, nhà đầu tư và nhà quản lý.

Trong đó, khó khăn nhất hiện nay đối với loại hình BĐS này là tính pháp lý. BĐS du lịch có nhiều loại, nếu mô hình khách sạn bình thường thì đã có đầy đủ hình thức quản lý, còn đối với những loại hình condotel tính pháp lý chưa rõ ràng, chưa minh bạch. Đây cũng là lý do khiến các nhà đầu tư còn lo ngại khi rót tiền đầu tư vào loại hình BĐS này.

Trước những lo ngại về tính pháp lý của nhà đầu tư khi đầu tư vào condotel, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để có những hướng dẫn cụ thể về từng loại hình BĐS nghỉ dưỡng, trong đó có condotel (căn hộ khách sạn).

“Chúng tôi đang nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành quy định quản lý vận hành condotel, tránh những tranh chấp, mâu thuẫn có thể xảy ra sau này. Hy vọng đầu năm 2019 sẽ có một số văn bản pháp lý để có cơ sở quản lý condotel”, ông Khởi cho biết.

Đại diện Bộ Xây dựng cũng khẳng định, condotel không phải là loại hình nhà ở mà được quản lý như là một cơ sở lưu trú du lịch, đã được quy định tại Luật Du lịch 2018. Căn cứ vào đó, Bộ Xây dựng sẽ bổ sung thêm các quy định pháp lý một cách chặt chẽ, rõ ràng hơn.

Cùng với những tồn tại trên, ông Khởi cho rằng, loại hình BĐS này hiện vẫn còn tranh cãi về vấn đề sử dụng đất ổn định, lâu dài. Nếu là nhà ở thì được sử dụng đất ổn định lâu dài, nếu là cơ sở lưu trú thì sẽ quản lý cụ thể như thế nào.

Từ việc định danh condotel sẽ dẫn đến việc xác định nghĩa vụ tài chính. Nếu coi là nhà ở thì đóng thuế khác, mà nếu coi là đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú thì nghĩa vụ tài chính hoàn toàn khác.

Tiếp đến là việc cấp chứng nhận quyền sở hữu với loại hình này, các vấn đề quy định tiêu chuẩn xây dựng, quy định về xử lý hợp đồng mua bán, quy trình vận hành, quản lý tránh những tranh chấp, mâu thuẫn có thể xảy ra…

“Tất cả các vấn đề nêu trên hiện đang được bàn thảo, nghiên cứu làm rõ”, ông Nguyễn Mạnh Khởi nói.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2018, số lượng giao dịch BĐS thành công tại Hà Nội là 8.650, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2017; tại TP. Hồ Chí Minh có khoảng 9.550 giao dịch thành công, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2017.