Bất động sản Hải Phòng: tiềm năng sinh lời cao
Khai thác lợi thế cảng biển, Hải Phòng đang tập trung nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Bất động sản Hải Phòng theo đó cũng tăng giá mạnh, đặc biệt là ở phân khúc biệt thự, căn hộ cao cấp.
Các chuyên gia cho rằng Hải Phòng đang có "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để tăng tốc phát triển, đặc biệt việc vận dụng các mô hình, cách làm mới sẽ giúp Hải Phòng trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực miền Bắc và cả nước.
Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về "Xây dựng và phát triển Thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" với mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển…
Cụ thể đến năm 2025, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ biển của Việt Nam. Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc tế.
Tỷ trọng đóng góp của Hải Phòng vào tổng sản phẩm (GDP) cả nước đạt khoảng 6,4%. Tỷ trọng đóng góp vào GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là 23,7%. Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2018 - 2025 tối thiểu là 13%. GRDP bình quân/người đạt 14.740 USD. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 180.000 đến 190.000 tỷ đồng. Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào GRDP từ 44 - 45%.
Đến năm 2030, Hải Phòng đặt mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển. Chính quyền đô thị được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thành phố thông minh.
Tỷ trọng đóng góp của Hải Phòng vào GDP cả nước đạt 8,2%; đóng góp vào GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ 28,3%; tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2026 - 2030 thấp nhất là 12,5%; GRDP bình quân/người đạt 29.900 USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt 300.000 - 310.000 tỷ đồng; đóng góp của TFP vào GRDP từ 48 - 50%.
Đặc biệt, Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2045 trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế đã liên tục "rót" vốn đầu tư vào Hải Phòng như: Công ty TNHH Minato Việt Nam (Liên doanh giữa Takara Leben và Fujita), AEON, Vingroup, Sun Group, FLC... khiến diện mạo của thành phố đổi mới từng ngày.
Vị trí đắc địa với lợi thế cảng biển quốc tế, hạ tầng giao thông đồng bộ, chuỗi tiện ích tiêu chuẩn quốc tế, không gian sống trong lành... đang là "đòn bẩy" khiến giá trị bất động sản Hải Phòng liên tục tăng mạnh, dự báo sẽ "bùng nổ" trong thời gian tới. Theo đánh giá của Savills, Hải Phòng sẽ tiếp tục là điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư.
Bà Đỗ Thu Hằng - Phó giám đốc, Trưởng bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết, căn hộ dịch vụ là phân khúc có tình hình hoạt động luôn ổn định ở mức tốt với công suất cao. Nguồn cầu lớn nhất đến từ khách thuê người châu Á, cụ thể là Nhật Bản & Hàn Quốc, 2 quốc gia có luồng vốn FDI lớn vào Hải Phòng. Đây cũng là đối tượng khách thuê thích sống theo cộng đồng nên sản phẩm căn hộ dịch vụ với thiết kế và tiện ích theo phong cách đặc trưng của một quốc gia sẽ thu hút khách thuê đến từ nước đó.
"Nhu cầu lớn, công suất cao đã thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường này, trong đó có thể kể đến hai nhà điều hành quốc tế quản lý các dự án hạng A và một chủ đầu tư Nhật Bản sẽ phát triển một dự án căn hộ dịch vụ trong tương lai", bà Đỗ Thu Hằng cho hay.
Nếu như trước đây, các doanh nghiệp đến Hải Phòng chủ yếu đầu tư đất nền thô thì hiện nay đã dịch chuyển sang đầu tư phát triển chuỗi tiện ích tiêu chuẩn quốc tế như: Khách sạn 5 sao Nikko, Pullman, Hilton; Bệnh viện Y học biển, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec; Trường phổ thông liên cấp Vinschool; AEON Mall hay các trung tâm thương mại, giải trí sang trọng...
Hải Phòng đang tập trung số lượng lớn chuyên gia, kỹ sư nước ngoài đến công tác và làm việc, kéo theo nhu cầu căn hộ cao cấp cho thuê tăng nhanh. Nhóm khách hàng này sẵn sàng chi trả tiền thuê nhà cao hơn 30 - 50%, song yêu cầu khắt khe, chỉ tập trung vào các khu đô thị tiêu chuẩn quốc tế, có chuỗi tiện ích cao cấp, đảm bảo an ninh, an toàn và ở vị trí thuận tiện cho việc di chuyển.