Bất động sản khu Đông TP. Hồ Chí Minh được gì khi sáp nhập 3 quận?
Sáp nhập 3 quận để thành lập “thành phố phía Đông” không chỉ là cải cách hành chính, mà mục tiêu lớn hơn là chuẩn bị cho bước nhảy vọt về kinh tế, tạo động lực tăng trưởng cho cả vùng Đông Nam Bộ.
Từ quyết tâm chính trị đến đột phá kinh tế
Ngày 8/5 vừa qua, trong buổi làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã ủng hộ việc thành lập “Thành phố phía Đông” (đơn vị hành chính hình thành sau khi sáp nhập 3 quận: Quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức). Đây là kết quả sau nhiều năm chuẩn bị của Đảng bộ và chính quyền TP. Hồ Chí Minh.
Trước đó, cuối năm 2018, Sở Quy hoạch kiến trúc TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc thi quốc tế "Ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP. Hồ Chí Minh". Sau cuộc thi này, hàng loạt các hội thảo, diễn đàn quốc tế về đô thị sang tạo, thông minh đã được TP. Hồ Chí Minh tổ chức, để ghi nhận đóng góp của các chuyên gia.
Tại hội thảo Quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, năm 2019, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định quyết tâm: "Năm 2020, TP sẽ cố gắng trình ra Quốc hội về đề án chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh, trong đó có đề án khu đô thị sáng tạo phía Đông này. Để từ năm 2021 trở đi có thể bắt tay triển khai...".
Cũng theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ là động lực phát triển của thành phố trong 5 - 10 năm tới. Khu vực này có diện tích và dân số chỉ chiếm khoảng 10% toàn thành phố, nhưng mục tiêu đặt ra là phải tạo thành “quả đấm kinh tế”, đóng góp 30% GRDP của TP. Hồ Chí Minh.
Chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng, Giám đốc điều hành Công ty enCity, cho rằng, TP. Hồ Chí Minh có nhiều thuận lợi để phát triển khu đô thị sáng tạo như: Nhân lực chất lượng cao; hệ sinh thái sáng tạo đã và đang hình thành; hạ tầng kết nối vùng quốc gia, quốc tế tốt nhất; quyết tâm chính trị của lãnh đạo TP.
“Khu đô thị đặt trên địa bàn của ba quận có vị trí địa lý trung tâm của toàn vùng Đông Nam Bộ. TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là một trong ba trung tâm khởi nghiệp lớn nhất vùng Đông Nam Á. Lãnh đạo TP đã đeo đuổi dự án này nhiều năm và có những bước đi rất vững chắc để đạt được mục tiêu chuyển đổi TP. Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh.
Quyết tâm của TP cũng thể hiện qua việc tổ chức thi tuyển quốc tế đóng góp ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo và thu hút các nhà tư vấn hàng đầu thế giới”, ông Dũng chia sẻ.
Trong khi đó, Tiến sỹ Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, đánh giá “Thành phố phía Đông” là ý tưởng mang tầm chiến lược quốc gia, có thể tạo ra các làn sóng tăng trưởng mới dựa vào đổi mới sáng tạo trong thời đại 4.0. Ông cho rằng đây là thời điểm phù hợp để triển khai ý tưởng này vì xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu khỏi Trung Quốc mà tác động của dịch Covid-19 sẽ làm cho tiến trình xảy ra nhanh hơn. Và TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất nước với truyền thống đi đầu về những ý tưởng đột phá, đang mong muốn lấy lại vị thế của mình.
Cơ hội đón đầu cho nhà đầu tư bất động sản
Theo đánh giá của TP. Hồ Chí Minh, việc quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông sẽ hình thành tiểu vùng đô thị trung tâm, theo quy hoạch vùng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong tương lai, khu đô thị sáng tạo sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng, cho rằng, nỗ lực phát triển khu đô thị sáng tạo của TP. Hồ Chí Minh cũng là nỗ lực để giải quyết các vấn đề đô thị, trên cơ sở kết nối và tận dụng các nguồn lực. Mỗi ý tưởng được đề xuất ở trong khu đô thị sẽ tạo ra giá trị mới, cơ hội mới cho các ngành kinh tế của khu vực, của vùng. Ví dụ hiện TP đang phải chi hàng tỉ USD để giải quyết vấn đề nhức nhối là kẹt xe và ngập lụt. Tại khu đô thị này, chúng ta sẽ thử nghiệm những giải pháp giao thông và thoát nước mới trước khi áp dụng ra toàn TP cũng như dành cơ hội cho các công ty công nghệ, nhất là các công ty khởi nghiệp của các bạn trẻ để tham gia giải quyết các vấn đề lớn của TP và cả nước.
“Như vậy, khu đô thị giúp chuyển đổi và nâng tầm nền kinh tế hiện tại của TP trở thành nền kinh tế tri thức, công nghệ cao. Qua đó tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn, sáng tạo hơn, thu nhập tốt hơn; hạ tầng được nâng cấp và thêm không gian xanh sẽ có môi trường trong lành hơn... Không chỉ người dân ba quận (2, 9, Thủ Đức) hưởng lợi trực tiếp từ việc được đầu tư, khu đô thị còn giúp TP có nền kinh tế phát triển hơn, đáng sống hơn”, ông Dũng đánh giá.
Ông Trần Hữu Hạnh, Giám Đốc Công ty Cổ phần An Điền, cho rằng, sự ủng hộ của Thủ tướng đối với việc thành lập “Thành phố phía Đông”, không chỉ có ý nghĩa tạo động lực đối với chính quyền, trong lộ trình triển khai từ nay đến năm 2021, mà còn tăng niềm tin của người dân, nhà đầu tư đối với sự phát triển của khu Đông trong giai đoạn mới.
Thực tế, thông tin Thủ tướng ủng hộ việc thành lập “Thành phố phía Đông”, ngay lập tức đã có hiệu ứng với thị trường bất động sản khu Đông. Điển hình như dự án nhà phố An Phú New City (Q.2), có lượng khách hàng tìm hiểu tăng vọt, dù mức giá sắp công bố đợt 2 dự kiến tăng 5 - 10%. Dự án biệt thự vườn Ba Son - Đông Tăng Long Hưng Phúc (Q.9), trong khoảng 2 tuần trở lại đây, cũng ghi nhận lượng khách tăng gấp 3 lần so với trước đó…
Theo các chuyên gia, việc thành lập “Thành phố phía Đông” sẽ tác động tích cực đối với bất động sản khu vực này. Trong đó, nhà phố, biệt thự là phân khúc được hưởng lợi nhiều nhất. Đây vốn là phân khúc đang khan hiếm nguồn cung và có tiềm năng tăng giá ổn định, phù hợp với chiến lược đầu tư lâu dài. Mặt khác thông tin ngân hàng giảm lãi suất huy động thời gian gần đây cũng thúc đẩy tâm lý chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang đầu tư bất động sản.