Hải Phòng: “Phiên bản nâng cấp” của thị trường địa ốc TP Hồ Chí Minh?
Thị trường bất động sản Hải Phòng đang có tất cả những yếu tố cấu thành một chu kỳ phát triển tương tự, thậm chí bền vững hơn thị trường bất động sản TP.HCM thời kỳ vàng son giai đoạn 2015 - 2020.

Bất động sản Hải Phòng đang ở “điểm rơi vàng” của chu kỳ phát triển mới
Tại Hội thảo Bất động sản Hải Phòng trỗi dậy - “Phiên bản nâng cấp” của thị trường địa ốc TP Hồ Chí Minh?, PGS. TS Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ nhận định, kể từ sau Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng đã bước vào một chuỗi tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Trong 7 - 10 năm gần đây, thành phố liên tục tăng tốc, thậm chí có năm GRDP đạt tới 12 - 13% - một tốc độ hiếm thấy ở bất kỳ địa phương nào khác.
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Hải Phòng đang dần trở thành trung tâm hội tụ các nguồn lực lớn của toàn khu vực phía Bắc. Những tuyến giao thông trọng điểm, từ cao tốc ven biển, vành đai kết nối vùng, đến các trục hướng tâm, đều đang dẫn về Hải Phòng.
Hệ thống cảng biển hiện đại, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khu vực phía Nam thành phố, tạo ra lợi thế rất lớn để Hải Phòng khẳng định vai trò trung tâm hàng hải và phát triển kinh tế biển quy mô vùng.
“Điều cần nhấn mạnh lúc này là sự bùng nổ hiện nay của Hải Phòng không chỉ là thời điểm “vàng” trong chu kỳ phát triển, mà còn là tiền đề để Hải Phòng vươn tới một tương lai rực rỡ”, PGS. TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhấn mạnh bốn đặc trưng nổi trội của Hải Phòng đã rất rõ nét:
Thứ nhất, không gian phát triển rộng mở, đáp ứng đầy đủ nền tảng nhu cầu thực cho bất động sản.
Thứ hai, Hải Phòng hiện có nhiều cơ chế mới và đặc thù mạnh mẽ chưa từng có để bứt tốc, đơn cử như khu thương mại tự do hay khu kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thứ ba, Hải Phòng bắt nhịp rất nhanh với các xu hướng mới, trở thành một trong những thành phố tiên phong đẩy mạnh xanh hóa đô thị và khu công nghiệp.
“Với những yếu tố này, Hải Phòng thực sự là một điểm sáng lớn trên bản đồ bất động sản, hoàn toàn có thể so sánh với TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, thậm chí còn nổi bật hơn ở nhiều khía cạnh”, TS. Võ Trí Thành đánh giá.
4 ưu thế của bất động sản Hải Phòng
Tại Hội thảo, ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra 4 ưu thế riêng biệt của thị trường bất động sản Hải Phòng.
Thứ nhất, đột phá về hạ tầng kết nối vùng và quốc tế là điểm nhấn rõ nét nhất giúp bất động sản Hải Phòng bứt tốc. Hàng loạt công trình trọng điểm đã được hoàn thiện như cầu Hoàng Gia, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện và tuyến cao tốc ven biển nối Hải Phòng - Quảng Ninh - Thái Bình (cũ).
Bên cạnh đó, cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đang được mở rộng, đủ khả năng đón các tàu có tải trọng trên 100.000 tấn, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa biển hàng đầu cả nước.

Cùng với đó, đề án nâng cấp sân bay Cát Bi lên thành sân bay quốc tế cấp vùng đang được triển khai, định hướng phục vụ cả hàng hóa lẫn hành khách cho toàn vùng Bắc Bộ.
Với nền tảng đó, hạ tầng đang trở thành "đòn bẩy vàng" mở khóa thị trường bất động sản tại các khu vực chiến lược như Dương Kinh và Vũ Yên.
Thứ hai, lực đẩy mạnh mẽ từ công nghiệp công nghệ cao và dòng vốn FDI chất lượng. Hải Phòng hiện là điểm đến hàng đầu miền Bắc của nhiều tập đoàn đa quốc gia như LG, Pegatron, Bridgestone, Kyocera, Toyota Boshoku, Regina Miracle… mang lại dòng vốn lớn, kéo theo hàng chục nghìn chuyên gia, kỹ sư, lao động kỹ năng cao, nhóm cư dân có nhu cầu ở thực và đòi hỏi chất lượng sống ngày càng cao. Mô hình tích hợp “khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ” (VSIP, Nam Đình Vũ, Deep C...) đang được nhân rộng.
Thứ ba, sự trỗi dậy của tầng lớp tinh hoa địa phương và xu hướng dịch chuyển dòng tiền đang tạo thêm một lực cầu vững chắc cho bất động sản Hải Phòng.
Thành phố hiện nằm trong nhóm địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng nhờ công nghiệp, logistics và thương mại.
Đáng chú ý, dòng tiền từ các đô thị lớn lân cận như Hà Nội, Quảng Ninh… đang đổ về Hải Phòng, không chỉ vì mục tiêu đầu tư mà còn vì nhu cầu tìm kiếm một chuẩn sống mới.
Thứ tư, Hải Phòng là cực tăng trưởng chiến lược trong định hướng phát triển quốc gia. Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng đặt mục tiêu trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Từ những yếu tố trên, ông Bùi Văn Doanh khẳng định, thị trường bất động sản Hải Phòng đang ở vào “điểm rơi vàng” của chu kỳ phát triển mới.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Đình Khiêm - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh và Phát triển địa ốc Vietstarland cũng cho biết thêm: “Tại thị trường Hải Phòng đang hình thành 2 cực phát triển bất động sản là trung tâm phía Bắc và phía Nam, trong đó Vinhomes đang đóng góp 2 đại đô thị tiên phong, đón đầu 2 cực tăng trưởng này.
Ở phía Nam có dự án Dương Kinh là siêu đô thị giao thương cửa ngõ của Hải Phòng. Trung tâm phía Bắc có Vũ Yên là đô thị đảo nghỉ dưỡng đẳng cấp khu vực.
Các đại đô thị này góp phần vẽ lại quy hoạch trung tâm của đô thị Hải Phòng, xoay trục từ một lõi trung tâm thành đa trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần hiện thực hóa định hướng biến Hải Phòng trở thành đô thị lớn, sánh vai với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội trong tương lai.