Bất động sản lại bị “thổi giá”
(Tài chính) Tuần qua, câu chuyện biệt thự “cướp khách” chung cư gây xôn xao thị trường, hay ít nhất cũng làm xáo động suy nghĩ của những người đang muốn tìm một mái ấm hoặc có một món tiền chưa biết đầu tư vào đâu.
Đó là câu chuyện diễn ra tại Hà Nội. Cụ thể hơn là tại nhiều gốc cây, cột điện trên các tuyến phố Trần Duy Hưng, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Đại lộ Thăng Long… xuất hiện những tờ rơi quảng cáo bán biệt thự rất sốc.
Biệt thự, vốn được mặc định bởi sự sang trọng, nên khi được rao bán theo kiểu “khoan cắt bê tông” đã là lạ. Nhưng còn gây sốc hơn khi 200 m2 biệt thự chỉ được rao bán với giá 1,6 tỷ đồng!
Nếu chia bình quân, giá trung bình chỉ ở mức 8 triệu đồng/m2, rẻ hơn bất cứ một khu căn hộ chung cư nào tại Hà Nội. Thậm chí, 1,6 tỷ đồng chưa phải là cái giá cuối cùng, người bán còn sẵn sàng “down” giá thêm 200 triệu đồng và khuyến mãi thêm xe đưa đón thăm quan.
Và không chỉ hiện diện ở gốc cây, trên nhiều trang tin bất động sản (BĐS) trực tuyến, những dòng rao bán cũng xuất hiện nhan nhản. Thông tin hấp dẫn nhiều người không chỉ bởi giá cả, mà còn là những tiện ích đáng mơ ước của dự án. Từ vị trí “nằm trên mặt đường Đại lộ Thăng Long, cách BigC Thăng Long 10 phút đi xe máy” đến hình ảnh về một “dự án cao cấp với thiết kế sinh thái, không khí trong lành với hệ thống hồ điều hòa và công viên cây xanh, đồi cây, vườn hoa trải dài”…
Toàn những lời quảng bá có cánh, khiến nhiều người tưởng chừng như mơ ước về một căn biệt thự giá rẻ, nằm ở vị trí đẹp của họ đã có thể trở thành hiện thực.
Tất nhiên, cũng có những nghi ngờ về “giá bèo" của các căn biệt thự này. Có người cho rằng, đó chỉ là chiêu câu khách, khi chủ dự án treo biệt thự, bán đất nền. Nhưng nếu có là đất nền ở một khu hạ tầng tốt như vậy thì cái giá 8 triệu đồng/m2 cũng không tệ. Và hầu hết đều nhận định, đây là một động thái cắt lỗ của chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Ngôi nhà mới là Tập đoàn Lã Vọng.
Bởi theo số liệu mà Công ty nghiên cứu thị trường Savills vừa công bố, tại thời điểm quý I/2014, thị trường biệt thự, liền kề Hà Nội có tới 128 dự án, cung cấp 42.700 căn. Đồng thời, theo bà Ngô Hương Giang, Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của Savills, so với quý trước, giá chào bình quân quý I giảm 3% cho hạng mục biệt thự và 2% đối với hạng mục nhà liền kề.
Có nghĩa là hầu hết chủ đầu tư dự án biệt thự hiện tại vẫn chỉ “thèm một cuộc sống bớt nợ nần”, chứ chưa dám nghĩ đến chuyện lờ lãi!
Vì vậy, nếu Lã Vọng có cắt lỗ và cắt lỗ được cũng là bước đi quyết đoán. Bởi “con gà nhép nằm trong lòng bàn tay còn hơn chú phượng hoàng đậu trên mái nhà” chính là tình cảnh hiện tại của các chủ đầu tư đã từng chìm đắm trong cơn sốt biệt thự triệu đô. Thậm chí, có người còn nửa đùa nửa thật rằng, ngày xưa ông Lã Vọng bên Tàu nhàn tản câu cá, chờ đến năm 80 tuổi mới chọn minh chủ; chứ nay Tập đoàn Lã Vọng chắc khó có thể kiên nhẫn đến thế.
Bởi biết kiên nhẫn đến bao giờ!
Thời thế thị trường đã khác trước và hầu hết chủ đầu tư khi trao đổi với giới truyền thông đều cho rằng, đã qua rồi cái thời kiếm siêu lợi nhuận từ BĐS. Rằng kinh doanh BĐS hiện tại là kinh doanh giá trị thật, dự án thật, hướng đến khách hàng…
Tuy nhiên, nói vậy mà chưa hẳn vậy. Khi thị trường đang được cho là dần ấm lại, người dân đã nhúc nhắc xuống tiền, cũng là lúc một số chủ đầu tư găm hàng chờ lên giá. Lại có những dự án như Hòa Bình Green City dự định tăng 10% giá bán trong đợt ra hàng tiếp theo, Dự án Thăng Long Number One, Dự án Golden West cũng điều chỉnh tăng giá bán trong đợt ra hàng mới đây.
Trên thị trường thứ cấp, hoạt động “thổi giá” còn diễn ra nóng hơn. Mức chênh một vài trăm triệu/căn hộ đang được cho là chuyện thường. Thậm chí, có dự án như Madarin Garden, dân môi giới còn hét mức chênh “khủng” tới 700 - 900 triệu đồng/căn hộ.
Chuyện dự án này còn cắt lỗ, dự án kia đã găm hàng chờ chênh giá cho thấy rằng, “chứng quên” - một căn bệnh trọng của dân BĐS - lại bắt đầu tái phát. Trên thực tế, thanh khoản thị trường, nếu có ổn hơn thì cũng mới chỉ là một cơn “hưng phấn” nhất thời, chứ chưa thể bước vào chu kỳ hồi phục. Nhưng một số chủ đầu tư và các nhà môi giới, nhà đầu tư đã bắt đầu nghĩ đến việc “kiếm thêm” từ túi tiền của người mua nhà, mà dần quên đi lời hứa về những sản phẩm giá trị thực mà họ vừa nói mới đây.
Dường như, những lời hô hào giải cứu BĐS, những cam kết cung vốn lại vô tình trở thành những mồi lửa để đây đó người ta bắt đầu chiêu dụ những chú thiêu thân tội nghiệp vào tròng!?