Bất động sản sẽ “khỏe” nếu tổ chức tín dụng “mạnh tay” cho vay

Thanh Sơn

(Tài chính) Đó là ý kiến nhận xét của các chuyên gia tham dự Hội thảo “Giải cứu tài chính hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm từ các tổ chức tín dụng” diễn ra ngày 18/1 tại TP. Hồ Chí Minh.

Bất động sản sẽ “khỏe” nếu tổ chức tín dụng “mạnh tay” cho vay. (Ảnh: ST)
Bất động sản sẽ “khỏe” nếu tổ chức tín dụng “mạnh tay” cho vay. (Ảnh: ST)

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, ông Trần Du Lịch - Chủ tịch đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, TS. Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), 100 doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS và các tổ chức tín dụng.

Đánh giá lại thị trường BĐS những năm qua, các chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS những năm trước phát triển tốt là do các tổ chức tín dụng đều “mạnh tay” cho vay, nên theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì dư nợ tín dụng được bảo đảm bằng BĐS khoảng 1,24 triệu tỷ chiếm 46,5% dư nợ tín dụng hay 64,3% dư nợ tín dụng có bảo đảm bằng tài sản. Nhưng hiện nay do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, lãi suất ngân hàng trong nước tăng cao, cộng với sự hạn chế cho vay tín dụng BĐS trong năm 2011 đã tác động mạnh tới thị trường BĐS, tình trạng giảm giá BĐS nhà ở xuất hiện ở tất cả các phân khúc thị trường. Số lượng giao dịch giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án giảm giá nhưng vẫn không có giao dịch.

Trên thực tế, thị trường BĐS hiện đang tồn kho kỷ lục 16.469 căn hộ chung cư, trong đó nhiều nhất tại TP. Hồ Chí Minh là 10.108 căn, số lại thuộc về thị trường Hà Nội. Điều này đã dẫn đến hệ quả đối với không chỉ DN kinh doanh dịch vụ BĐS rơi vào cảnh khó khăn mà còn tác động trực tiếp tới các DN vừa và nhỏ với tiềm lực tài chính hạn chế phải vay vốn từ ngân hàng.

Khi thị trường trầm lắng họ không có tài chính để tiếp tục triển khai dự án, không bán được hàng dẫn đến không có tiền trả nợ cho ngân hàng. Ngoài ra, thị trường BĐS “đóng băng” không chỉ gây khó khăn cho DN mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế, tác động trực tiếp đến thị trường lao động, thị trường vật liệu xây dựng.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, ngành Xây dựng sử dụng khoảng 3,22 triệu lao động chiếm vị trí thứ 4 trong các ngành sử dụng nhiều lao động nhất, chỉ đứng sau nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo và thương mại, chiếm 6,6% toàn lực lượng lao động và gần 13% lực lượng phi nông nghiệp. Do đó, nhu cầu về nhà ở nói riêng về BĐS nói chung tăng rất cao, nhưng do thu nhập tích lũy để mua nhà mới ở mức trên dưới 10 triệu đồng/m2 nên cần phải có cơ chế chính sách cho đối tượng này.

Nhìn nhận thị trường ở khía cạnh khác, bà Trần Thị Việt Thanh - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát phân tích, các ngân hàng phải đảm bảo lãi suất ổn định có thời hạn dài, để DN yên tâm vay tiền để tiếp tục đầu tư vào các dự án đang triển khai dở dang nhưng có khả năng thanh khoản cao. Nhà nước cần có cơ chế chính sách ổn định để bản thân các doanh nghiệp tự tìm các đối tác có năng lực tài chính để tiến hành chuyển giao, sát nhập DN để tự vượt qua khó khăn trước khi các cơ hội bị thâu tóm.

Đưa ra các đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương kiến nghị, cần gỡ bỏ hạn chế tiếp cận tín dụng đối với thị trường BĐS, đồng thời các ngân hàng giảm lãi suất cho vay ở mức từ 10 - 12%/năm và có chương trình hỗ trợ vốn cho thị trường BĐS trong trung và dài hạn.

“Quỹ đầu tư tín thác BĐS cần hình thành và hỗ trợ tài chính cho thị trường BĐS; có cơ chế chính sách ổn định để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS. Và nghiên cứu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về  thị trường thế chấp thứ cấp, bên cạnh đó các DN cũng cần phải tự tìm lối đi riêng cho mình, chấp nhận bỏ những dự án khó khăn, lựa chọn những dự án có tính thanh khoản có khả năng hiện thực hóa”, ông Chung nói.