Bất động sản trước các xu hướng
Nhu cầu người mua nhà thay đổi, không gian làm việc chung linh hoạt, hệ thống logistics... đang định hình lại thị trường bất động sản (BĐS).
Theo các chuyên gia nhận định, năm 2019, nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng tốt với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,6-6,8%, chỉ số CPI thấp hơn mức mục tiêu 5%, dòng vốn FDI hàng trăm triệu USD sẽ đổ vào thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng bao gồm 2.000km đường cao tốc mới, hệ thống tàu điện ngầm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều dự án mở rộng và xây dựng sân bay mới khác... Do đó không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư và các nhà phát triển BĐS sẵn sàng cam kết với thị trường có tốc độ tăng trưởng cao này.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho biết, hơn bao giờ hết, trong năm qua, Việt Nam đã ghi nhận lượng đầu tư kỷ lục trong những năm gần đây. Tổng nguồn cung căn hộ hoàn thành tại TP. Hồ Chí Minh đạt 160.000 căn ở tất cả các phân khúc, tương ứng với tỷ lệ 17 căn hộ/1.000 dân.
Các nhà đầu tư nên tập trung vào thị trường nhà ở đại chúng, đây là phân khúc có nhu cầu thực về căn hộ rất cao. Hầu hết người mua nhà lần đầu chỉ đủ khả năng chi trả cho những căn hộ tại những khu chung cư xa trung tâm thành phố. Nhưng về tâm lý, người mua trẻ luôn thích sống ở một nơi tiện nghi, nên họ vẫn muốn mua căn hộ nhỏ với đầy đủ tiện ích và kết nối cộng đồng.
Cũng theo nghiên cứu của JLL, thị trường không gian làm việc linh hoạt ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam, điều này phần lớn do nguồn cung văn phòng truyền thống hạn chế ở những địa điểm được săn đón. Trong nước hiện có hơn 25 nhà khai thác không gian linh hoạt cao cấp; một số đơn vị nổi bật bao gồm Toong, Dreamplex, Circo, Workyos, Kloud, CEO Suites, UP và đặc biệt là WeWork đã mở trụ sở đầu tiên vào tháng 12/2018.
Thị trường này ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi mặc dù văn phòng dịch vụ đầu tiên trong lĩnh vực này bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1999. Không gian linh hoạt thường được xem là lời giải cho bài toán kinh tế của các công ty do chi phí được giảm thiểu từ việc chia sẻ không gian và cơ sở vật chất.
Ngoài ra, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam, JLL dự báo các tập đoàn công nghệ sẽ tiếp tục săn lùng các tòa nhà văn phòng lý tưởng và nhanh chóng trở thành nhóm khách thuê chính, và thời điểm này là thời cơ dành cho các nhà đầu tư và chủ đầu tư để bắt kịp nhu cầu.
Yếu tố tiên quyết mà các công ty công nghệ hướng đến là vị trí văn phòng phải có khả năng kết nối giao thông, môi trường làm việc tích hợp với mục tiêu sống, vui chơi và làm việc. Các công ty công nghệ vẫn không ngừng tìm kiếm không gian văn phòng chất lượng cao, vì vậy, chủ đầu tư tại Việt Nam cần phải cân nhắc đến những nhu cầu mà nhóm khách hàng này mong muốn.
Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển không ngừng của điện thoại thông minh và mức độ phủ sóng mạng 4G ngày càng mở rộng, doanh thu từ hoạt động mua sắm trực tuyến liên tục gia tăng. Theo đó là áp lực ngày càng tăng lên hệ thống logistics, chuỗi cung ứng, các kênh phân phối và bán lẻ, cũng như hệ thống nhà xưởng, nhà kho.
Điều này rõ ràng kéo theo nhu cầu về mặt bằng làm kho bãi sẽ không ngừng tăng cao. Logistics là một phần không thể thiếu trong việc phát huy toàn bộ tiềm năng và sự phát triển thành công của thị trường thương mại điện tử. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics và vận hành thương mại điện tử nước ngoài đang rất nỗ lực để không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam.
Đơn cử, sự ra đời của CTCP Phát triển Công nghiệp BW tại Việt Nam, một liên doanh giữa Quỹ đầu tư toàn cầu Warburg Pincus và nhà đầu tư Becamex IDC vào tháng 1/2018 có thể xem là một dấu hiệu cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này. So với các nước khác trong khu vực, thị trường logistics của Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, thị trường chủ yếu cung cấp các sản phẩm có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, phát triển tại khu vực xa trung tâm.
Với tiềm năng phát triển của ngành thương mại điện tử và lĩnh vực sản xuất, thị trường logistics Việt Nam được mong đợi sẽ bước lên một nấc thang mới trong tiến trình phát triển của thị trường này, tương tự như tiến trình mà các thị trường khác trong khu vực đã trải qua.
Tổng nguồn cung căn hộ hoàn thành tại TP. Hồ Chí Minh đạt 160.000 căn ở tất cả các phân khúc, tương ứng với tỷ lệ 17 căn hộ/1.000 dân. Các nhà đầu tư nên tập trung vào thị trường nhà ở đại chúng, đây là phân khúc có nhu cầu thực về căn hộ rất cao.
Hầu hết người mua nhà lần đầu chỉ đủ khả năng chi trả cho những căn hộ tại những khu chung cư xa trung tâm thành phố. Nhưng về tâm lý, người mua trẻ luôn thích sống ở một nơi tiện nghi, nên họ vẫn muốn mua căn hộ nhỏ với đầy đủ tiện ích và kết nối cộng đồng.