Bất động sản ven biển sẽ dẫn dắt thị trường?
Hiện nay nhà đầu tư BĐS đã có sự chuyển dịch địa bàn từ khu vực ven biển sang ven đô thị và trung du. Theo các chuyên gia, đây giống như một chu kỳ đầu tư, không phải biểu hiện “thoái trào” của thị trường BĐS ven biển.
Chuyển dịch theo chu kỳ
Số liệu thống kê từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận có khoảng trên 4.000 sản phẩm bất động sản biển được đưa ra thị trường, trong đó chủ yếu là condotel và biệt thự nghỉ dưỡng. Những địa điểm phát triển mạnh về sản phẩm này trong thời gian gần đây, như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Bình Thuận… đều có số lượng giao dịch ở mức rất thấp.
“Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ven biển gần như đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể. Theo thống kê có đến 2/3 các dự án có sản phẩm condotel đang chào bán trên thị trường không phát sinh giao dịch. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh mẽ này là do: Ảnh hưởng của dịch bệnh đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất; cùng với đó là khung pháp lý cho loại hình này vẫn chưa thực sự rõ ràng dẫn đến tâm lý e ngại, mất niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư bởi sự phá vỡ cam kết ở một số dự án du lịch, nghỉ dưỡng”, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho hay.
Trước những khó khăn về thị trường, thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư đã chuyển dịch đầu tư sang các dòng sản phẩm tại khu vực ven đô thị lớn, khu vực phía Bắc với Hà Nội là trung tâm xu hướng này đã xuất hiện ở các tỉnh: Hòa Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... khu vực phía Nam ở một số địa bàn giáp ranh với TP.HCM, như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Lý giải về điều này, Phó Chủ tịch HĐQT Việt Mỹ Group Nguyễn Thị Liễu cho rằng, sự “đỗ vỡ” tạm thời của condotel đã khiến cho nhà đầu tư ngày càng cẩn trọng hơn với việc bỏ tiền đầu tư vào các sản phẩm bất động sản biển và muốn tìm đến một địa điểm đầu tư mới hơn, ở đó mang lại sự an toàn về pháp lý và khả năng sinh lời tiềm năng.
“Thực tế, sự chuyển dịch này diễn ra theo một chu kỳ, sau nhiều năm người dân, khách du lịch “đổ” về các vùng ven biển, đến nay họ muốn trải nghiệm một sản phẩm mới, môi trường mới, sự dịch chuyển này dẫn đến nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư cũng có sự thay đổi”, bà Nguyễn Thị Liễu nhìn nhận.
Bất động sản ven biển nhiều tiềm năng
Chuyên gia tài chính TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, trước sự ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, cùng việc siết chặt cơ chế chính sách liên quan đến tiền tệ của Ngân hàng và thủ tục cấp phép đầu tư đã khiến cho thị trường bất động sản nói chung bị giảm sút trong thời gian gần đây, nhưng thực tế qua nhiều phép thử có thể khẳng định thị trường bất động sản đang không bị “đóng băng”.
Ngoài ra, những trục trặc liên quan đến condotel có thể Nhà nước sẽ có thêm một số điều chỉnh liên quan, để đảm bảo sự phát triển cho thị trường ổn định, lâu dài.
“Riêng đối với sản phẩm bất động sản khu vực ven biển còn rất nhiều tiềm năng phát triển, vì hầu hết những nhà phát triển bất động sản lớn đều đã có mặt ở những vùng ven biển, sự có mặt của họ sẽ giúp cho hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nâng cấp, kéo theo đó là giá trị bất động sản ven biển cũng được nâng lên. Mặc dù thời điểm này đang khó khăn, nhưng về dài hạn tôi tin tưởng rằng bất động sản ven biển sẽ tiếp tục phát triển và dẫn dắt thị trường”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này theo TS. Lê Xuân Nghĩa các địa phương ven biển cần phải bám sát các quy hoạch, kiến tạo hệ thống hạ tầng cứng - mềm, tiện ích dịch vụ thông minh, kết hợp xử lý môi trường; cùng với đó là xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với sự đặc sắc của văn hóa vùng miền.