Bất ngờ... Malaysia
Nhiều người tin rằng Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu của châu Á vào lục địa đen. Tuy nhiên, báo cáo chính thức của UNCTAD công bố ngày 26-3 vừa qua đưa ra một cái tên đầy bất ngờ: Malaysia.
Mốc thời gian gần nhất UNCTAD tiến hành khảo sát về các đầu tư hàng đầu trên thế giới ở châu Phi là vào năm 2011. Malaysia đứng thứ 3, sau Pháp và Mỹ, đẩy Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt xuống vị trí thứ 4 và thứ 5. Số tiền đầu tư vào lục địa đen thời điểm năm 2011 là 19,3 tỷ USD, trong khi con số này của Trung Quốc 16 tỷ USD và Ấn Độ 14 tỷ USD.
Các nhà đầu tư Malaysia rót tiền vào khá nhiều lĩnh vực từ khai thác tài nguyên, bất động sản, vận tải biển đến dịch vụ tài chính, ngân hàng, khách sạn, giải trí… Những cái tên đình đám nhất của Malaysia trên đất châu Phi có thể kể đến như: Công ty Dầu khí Petronas hay Tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề Sime Darby.
Việc quốc gia Đông Nam Á đứng đầu danh sách các quốc gia châu Á đầu tư vào lục địa đầy tiềm năng xuất phát từ rất nhiều lý do. Về sức hấp dẫn của thị trường, theo tờ Wall Street Journal, các quốc gia như Mauritius (nơi có nhiều nhà đầu tư Malaysia và Trung Quốc) có các chính sách thu hút vốn rất ưu đãi.
Cuối năm 2010, có 27.500 doanh nghiệp kiểm soát số tài sản hơn 400 tỷ USD hoạt động tại Mauritius. Chỉ mất 2 tuần và 10.000 USD để có thể thành lập một công ty tại quốc gia châu Phi này. Các công ty, tập đoàn nổi tiếng như JP Morgan Chase, Citigroup, PepsiCo… được hưởng các mức thuế khá thấp, lần lượt là 0,06%, 0,25% và 1,19%. Trong khi đó, về phía Malaysia, chính phủ nước này hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước rất nhiều.
Từ những năm 1990, chính sách thúc đẩy hợp tác kinh tế Nam-Nam, cùng nhau phát triển vì lợi ích chung đã được Kuala Lampur hết sức quan tâm. Chính sách này có thể so sánh với khái niệm “đôi bên cùng có lợi” của Trung Quốc áp dụng tại châu Phi: không can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia, cho vay với lãi suất thấp…
Tuy nhiên, Malaysia dường như có lợi thế hơn với Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh đầu tư vào châu Phi khi Kuala Lampur không gặp nhiều “điều tiếng” như Bắc Kinh trong kinh doanh. Dư luận các quốc gia châu Phi không hài lòng với mối hợp tác đầy tranh cãi giữa Trung Quốc-Sudan (khi chưa còn chia tách thành Nam Sudan và Sudan như ngày nay) khi số tiền Trung Quốc đổ vào khai thác dầu tại quốc gia châu Phi này lại được chính phủ nước này dùng để mua vũ khí của Trung Quốc trong cuộc xung đột tại Dafur.
Trong khi đó, tại nhiều quốc gia châu Phi khác, người dân bản địa bất mãn do mất việc làm vào tay lao động Trung Quốc. Hiện có hơn một triệu người Trung Quốc làm việc tại châu Phi, gấp hàng chục lần con số của khoảng 1 thập niên trước. Tình trạng bóc lột lao động của các ông chủ Trung Quốc cũng là một vấn đề gặp phải nhiều sự bất bình…
Rất nhiều chuyên gia kinh tế đã đánh giá cao Malaysia bởi với việc nhận thức và nắm bắt tốt các cơ hội kinh doanh, Malaysia đang cho thấy sự đúng đắn trong chính sách đầu tư và có một chỗ đứng ổn định tại một thị trường đang ngày càng trở nên ngột ngạt bởi sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia hàng đầu thế giới.