Bất thường trên thị trường lao động

Ts. Nguyễn Minh Phong

(Tài chính) Theo số liệu Tổng cục Thống kê, thị trường lao động Việt Nam hiện đang có một số dấu hiệu bất thường kép. Trước hết, tốc độ tăng bình quân hàng năm (trong hơn mười năm qua) về lực lượng lao động (2,64%) cao hơn tốc độ tăng dân số (1,05%). Lao động nước ta hiện tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn (69,5%), song lao động trẻ trong nông nghiệp và làng quê giảm dần và lao động thanh niên chiếm khoảng 50% số người thất nghiệp cả nước.

Bất thường trên thị trường lao động
Tốc độ tăng bình quân hàng năm (trong hơn mười năm qua) về lực lượng lao động (2,64%) cao hơn tốc độ tăng dân số (1,05%). Nguồn: internet

Nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng (nhóm tuổi từ 25 - 49 chiếm trên 60%) gần như đồng thời với sức ép dân số già nhanh, cả trên quy mô toàn quốc, cũng như trong cơ cấu lao động nông nghiệp-nông thôn. Trong khi đó, lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn (còn 83,2% năm 2012), nhưng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp cũng còn cao và có xu hướng tăng (lao động đã tốt nghiệp đại học thất nghiệp tăng từ 73 nghìn người năm 2013 lên 174 nghìn người tính đến hết quý III/2014, chiếm 17% tổng số người thất nghiệp).

Và có thể thấy, động thái tăng, giảm tỷ lệ thất nghiệp không phù hợp với động thái tăng, giảm GDP do lao động tập trung chủ yếu trong khu vực phi chính thức. Dư thừa công suất, thời gian và năng lực lao động trong xã hội còn cao, khi tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2013 ước tính 2,77%, tăng 0,03% so với 2012. Một bộ phận lao động tuy có nhiều bằng cấp đào tạo cao, nhưng cũng còn nhiều hạn chế về chuyên môn, tính chuyên nghiệp, kinh nghiệm làm việc nhóm, kỹ năng ngoại ngữ, phương pháp tư duy sáng tạo, sự năng động, ý thức kỷ luật, cùng một số kỹ năng mềm khác. Thậm chí, trong nhiều các ngành, lĩnh vực và địa phương đang xuất hiện nguy cơ vừa lãng phí, vừa thiếu hụt và già hóa thế hệ cán bộ quản lý, nhà khoa học và lao động trình độ cao…

Những áp lực về lao động nói trên sẽ tiếp tục tăng không chỉ do sự đóng băng về số lượng biên chế khu vực lao động nhà nước, hay sự bổ sung liên tục những lao động mới bước vào tuổi lao động, cũng như đội ngũ sinh viên mới tốt nghiệp. Đó còn do gia tăng các doanh nghiệp phá sản, dừng  hoạt động; sự trì trệ tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, chậm chuyển đổi cơ cấu ngành  và công nghệ lạc hậu và chậm cải thiện cơ cấu, đổi mới phương thức. Ngoài ra, nội dung giáo dục đào tạo quốc gia cũng sẽ làm dôi dư thêm số lao động bị thanh loại và những lao động không đáp ứng nhu cầu mới, lãng phí lao động có bằng cấp chuyên môn cao, kéo dài tình trạng năng suất lao động và khả năng cạnh tranh kinh tế thấp.

Khơi thông các điểm nghẽn và nghịch lý bất thường trên thị trường lao động không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết, mà còn là giải pháp có tính đột phá quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu, gắn với đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Bởi vậy, cần chủ động dự báo và định hướng khoa học cơ cấu nhu cầu đào tạo về ngành nghề và trình độ, đổi mới mạnh mẽ thực đơn nội dung, phương pháp đào tạo. Đào tạo cần gắn với thị trường, yêu cầu vị trí làm việc của doanh nghiệp và nguyện vọng người học; mở rộng xuất khẩu cả lao động phổ thông và lao động có trình độ chuyên môn cao; công khai và minh bạch hóa các hoạt động thi tuyển và thanh lọc cần thiết đội ngũ lao động, nhất là trong khu vực nhà nước. Đặc biệt, cần tạo mọi thuận lợi phát triển mạnh khu vực kinh tế ngoài nhà nước, thu hút FDI, nhất là những ngành, nghề và sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ, chế biến và giá trị gia tăng cao, những doanh nghiệp có trang bị máy móc, thiết bị lao động tiên tiến, hiện đại… từ đó tạo động lực tăng tổng cầu và cả yêu cầu về vị trí việc làm mới, lao động trình độ cao.

Phát triển một thị trường lao động có tổ chức, chuyên nghiệp, lành mạnh, trình độ và chất lượng cao, hanh thông và toàn dụng nhân công là mục tiêu và động lực phát triển cho mỗi quốc gia và cho chính mỗi người lao động.