Bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020: Cuộc đấu giữa hai tỷ phú?

Theo daibieunhandan.vn

Sau nhiều tuần đồn đoán, tỷ phú Michael Bloomberg, 77 tuổi, vừa chính thức tuyên bố sẽ ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm tới với tư cách ứng cử viên của đảng Dân chủ. Giải thích cho quyết định của mình, ông cho biết muốn xây dựng lại nước Mỹ bằng cách đánh bại đương kim Tổng thống Donald Trump.

Ông Bloomberg không phải ứng cử viên đầu tiên gia nhập muộn cuộc đua vào Nhà Trắng. Ô
Ông Bloomberg không phải ứng cử viên đầu tiên gia nhập muộn cuộc đua vào Nhà Trắng. Ô

Muộn nhưng chưa chắc chậm

Tỷ phú Bloomberg, người sở hữu khối tài sản lớn thứ 8 nước Mỹ, là sáng lập viên, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông đình đám Bloomberg. Dù đã quen với chính trường khi từng là Thị trưởng kỳ cựu của thành phố New York, nhưng tuyên bố mới nhất của ông đã gây khá nhiều bất ngờ, bởi chỉ mới hồi tháng 3, ông còn phát biểu sẽ không chạy đua vào Nhà Trắng.

Theo những người thân cận, sở dĩ ông “đầu năm lắc, cuối năm gật” là vì cho rằng các ứng viên đảng Dân chủ hiện tại chưa đủ mạnh, khó có đủ sức đánh bại Tổng thống đương nhiệm Donald Trump (người gần như sẽ là đại diện của đảng Cộng hòa) trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Đơn cử, một trong những ngôi sao sáng nhất trong số ứng cử viên của phái Dân Chủ là cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang bị ông nhận xét là “mờ nhạt” và “chật vật với việc gây quỹ”. Thực tế, mức độ ủng hộ ông Biden đang ngày càng giảm, nhất là trong cuộc thăm dò ý kiến mới nhất ở bang Iowa.

Để khởi động chiến dịch của mình, tỷ phú Bloomberg không ngần ngại đăng tải dòng thông điệp “đá xoáy” ông Trump: “Ông ấy là đại diện cho mối đe dọa hiện hữu đối với đất nước và những giá trị của chúng ta. Nếu ông ấy trúng cử thêm một nhiệm kỳ nữa, chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ có thể hồi phục sau những tổn thất”. Vì vậy, “tôi tranh cử Tổng thống để đánh bại Donald Trump và tái xây dựng nước Mỹ. Chúng ta không thể có thêm 4 năm nữa với những hành động vô nguyên tắc và liều lĩnh của Tổng thống Trump”, ông viết.

Khẳng định quyết tâm, ông Bloomberg tự nhận mình là người thuộc phái hành động, “làm nhiều chứ không nói suông”. Trong chiến dịch quảng cáo tranh cử trị giá 31 triệu USD của mình, nguyên Thị trưởng thành phố New York cam kết sẽ “tập trung toàn lực”, “sẵn sàng bước vào cuộc chiến cam go để giành thắng lợi” nhằm “tạo ra những điều tốt đẹp”, “xây dựng lại đất nước và khôi phục niềm tin vào giấc mơ làm nên nước Mỹ: Nơi người giàu sẽ trả nhiều tiền thuế hơn và tầng lớp trung lưu có được công bằng; nơi mọi người đều có thể có bảo hiểm y tế... và là nơi công việc không chỉ giúp mưu sinh mà còn giúp bạn tiến lên phía trước”.

Thực tế, ông Bloomberg không phải ứng cử viên đầu tiên gia nhập muộn cuộc đua vào Nhà Trắng. Hồi đầu tháng, cựu Thống đốc bang Massachusetts Deval Patrick cũng mới tuyên bố ra tranh cử. Đảng Dân chủ có tới 17 ứng cử viên đang cạnh tranh nhau để trở thành đối thủ chính thức của ông Trump vào năm sau. Trong đó, ông Joe Biden tạm dẫn đầu các cuộc thăm dò ý kiến ủng hộ, xếp trên các Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Bernie Sanders.

Có làm nên chuyện?

Với nền tảng tiền bạc dồi dào như vậy, ông Michael Bloomberg hoàn toàn dễ dàng mạnh tay mở hầu bao cho các chiến dịch tranh cử trên khắp nước Mỹ, vượt xa tất cả đối thủ hiện tại trong đảng Dân chủ về mặt tài chính.

Không phải tự nhiên ông Bloomberg lại ra quyết định “tham chiến”, cho dù với nhiều người là muộn màng. Vị tỷ phú này hoàn toàn ý thức rõ những lợi thế mà bản thân đang nắm giữ. Trước hết, đó chính là khối tài sản khổng lồ lên tới 53,4 tỷ USD. Cách đây 4 năm, một tỷ phú khác với cái tên Donald Trump đã nhiều lần nhắc đến sự giàu có của mình để không bị trở thành “con rối của những người đã tài trợ”. Thực tế, ông trùm bất động sản này là một trong những ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ giàu nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, nếu phải đối đầu với nhà sáng lập hãng truyền thông Bloomberg, ông Trump sẽ nhanh chóng trở nên quá nhỏ bé. Bởi với khối tài sản 3,1 tỷ USD mà ông sở hữu theo ước tính của Forbes hồi tháng 8, thì đối thủ giàu hơn gấp… 17 lần.

Với nền tảng tiền bạc dồi dào như vậy, ông Michael Bloomberg hoàn toàn dễ dàng mạnh tay mở hầu bao cho các chiến dịch tranh cử trên khắp nước Mỹ, vượt xa tất cả đối thủ hiện tại trong đảng Dân chủ về mặt tài chính. Hơn thế nữa, theo ông Jason Schecter, Giám đốc chiến dịch tranh cử của tỷ phú Bloomberg, “ông ấy hoàn toàn không phụ thuộc vào những lợi ích đặc biệt. Ông ấy chỉ tập trung vào việc làm những điều đúng đắn mà không sợ hãi hay ưu ái ai cả”.

Trong khi đó, ông Howard Wolfson, cố vấn trưởng của Bloomberg cũng cho biết: “Ông ấy chưa bao giờ nhận bất kỳ khoản đóng góp chính trị nào trong cuộc đời mình và vẫn sẽ tiếp tục không nhận chúng”, vì vậy “ông ấy không thể bị mua chuộc”. Sự giàu có của ông chính là một “vũ khí” lợi hại so với các đối thủ, giúp ông không bị ảnh hưởng bởi các nhà tài trợ chính trị và sẽ điều hành đất nước mà không bị tác động từ bên ngoài. Một điểm mạnh nữa trong hồ sơ tranh cử của Bloomberg còn nằm ở chỗ ông là một tỷ phú tự thân, một tay dựng nên sự nghiệp. Điều đó thể hiện một năng lực vô cùng đáng nể.

Tất nhiên, trong cuộc sống, không phải ai có nhiều tiền hơn sẽ là người chiến thắng cho dù tiền bạc có thể mang đến một số lợi thế. Khác với đương kim Tổng thống với kinh nghiệm chính trường gần như số 0 khi mới bắt đầu vào Nhà Trắng, Bloomberg từng làm Thị trưởng New York, thành phố năng động và lớn nhất nước Mỹ trong thời gian khá dài (2002 - 2013), đồng thời gặt hái được khá nhiều thành tựu. Điều này phần nào đã giúp ông làm quen với chính trường dù ở quy mô nhỏ hơn. Bên cạnh đó, nếu ông Trump là một doanh nhân máu mặt, có đầu óc kinh doanh thì ông Bloomberg cũng cự phách không kém khi gây dựng đế chế truyền thông Bloomberg nổi danh toàn cầu như hiện nay.

Lợi thế có nhiều nhưng ông Bloomberg cũng có “gót chân Achilles”. Trước hết là về tuổi tác, ở tuổi 77, ông sẽ là ứng viên cao tuổi thứ hai của đảng Dân chủ, sau ông Sanders, 78 tuổi. Trong khi đó, ông Trump mới có 73 tuổi. Tiếp đến, nhiều đối thủ chính trị của ông Bloomberg đang chỉ trích rằng các tỷ phú “mua bầu cử” và giới siêu giàu sẽ không thể nào hiểu được cuộc sống của người dân thường Mỹ. Thượng nghị sĩ bang California Kamala Harris thậm chí còn mạnh mẽ phát biểu “Chúng ta cần phải đưa tiền ra khỏi chính trị”.

Một điểm bất lợi nữa là vị tỷ phú truyền thông còn bị biết đến rộng khắp như là một đảng viên Dân chủ hay do dự. Hồi xưa, ông Bloomberg đã từng rời đảng con lừa vào năm 2001 để chạy đua chức Thị trưởng Thành phố New York với tư cách là đảng viên Cộng hòa. Sau khi tái cử vào năm 2004, ông đăng ký trở thành ứng cử viên độc lập vào năm 2007 và lại tái cử lần nữa. Năm 2016, ông từng xem xét tranh cử Tổng thống dưới vai trò là ứng cử viên độc lập. Và đến tháng 10 năm ngoái, Bloomberg lại đăng ký gia nhập hàng ngũ Dân chủ.

Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, giàu có là một lợi thế rất lớn của Bloomberg, nhưng nó cũng có thể gây nhiều phiền toái, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy kinh tế đang ngày càng đóng vai trò trung tâm trong nền chính trị Mỹ. Trong năm qua, những tiếng nói cánh tả đã thúc đẩy tăng thuế đối với giới nhà giàu, đồng thời yêu cầu các tỷ phú và tập đoàn đứng ngoài chính trị. Thậm chí, dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez của New York từng gây chú ý khi lập luận rằng, thật “vô đạo đức” khi mà các tỷ phú vẫn tồn tại trong một xã hội mà nghèo đói lan rộng.

Dẫu vậy, sau khi cân đong, đo đếm cẩn thận, các nhà phân tích vẫn nhận định, việc thông báo ra tranh cử giờ chót của tỷ phú Bloomberg sẽ là yếu tố đặc biệt có khả năng khiến cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm sau càng trở nên khó đoán.