Trung Quốc đau đầu vì Nhân dân tệ hậu bầu cử Mỹ

Theo antt.vn

Nước này vừa phải “thả” tỷ giá, vừa phải “đỡ” để đồng tiền này không mất giá quá mạnh...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đồng Nhân dân tệ đã liên tục rớt giá sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 8/11 với chiến thắng thuộc về ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Donald Trump.

Trang CNN Money cho biết, kể từ khi ông Trump đắc cử Tổng thống, đồng Nhân dân tệ giảm giá liên tục. Đà giảm này kéo dài đến tận ngày thứ Ba (15/11), với tỷ giá đồng Nhân dân tệ giảm xuống còn 1 USD đổi 6,86 Nhân dân tệ - mức thấp nhất kể từ những ngày đen tối nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Chiến thắng của ông Trump đã phủ bóng lên mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông từng đe dọa sẽ áp thuế lên tới 45% đối với hàng hóa Trung Quốc và “dán nhãn” Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ ngay trong ngày đầu tiên làm việc tại Nhà Trắng.

Việc gọi Trung Quốc là một quốc gia thao túng tỷ giá thực chất chỉ là một động thái mang tính biểu tượng, nhưng có thể làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung và trở thành bước đi đầu tiên trong việc tiến tới áp dụng các biện pháp trừng phạt thực sự.

Ảnh hưởng của việc ông Trump đắc cử Tổng thống đối với thị trường có thể đang khiến Chính phủ Trung Quốc đau đầu.

Đồng USD đã tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất vào tháng 12, cùng khả năng tốc tăng trưởng GDP và lạm phát ở Mỹ cùng tăng trong nhiệm kỳ của Trump.

Do tỷ giá đồng Nhân dân tệ được neo vào đồng USD, nên khi đồng USD tăng giá, đồng Nhân dân tệ cũng tăng giá so với các đồng tiền khác.

Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia về Trung Quốc thuộc công ty nghiên cứu Capital Economics, Bắc Kinh không muốn đồng Nhân dân tệ “theo đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác”, vì như thế hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm sức cạnh tranh. Bởi vậy, Trung Quốc buộc lòng phải cho phép đồng Nhân dân tệ giảm giá so với đồng USD.

Ngoài ra, chủ trương của ông Trump về áp dụng chính sách thương mại mạnh tay với Trung Quốc cũng khiến áp lực mất giá đối với Nhân dân tệ gia tăng.

“Họ đang ở trong một trạng thái rất bấp bênh”, ông Evans-Prit nhận xét về việc Trung Quốc vừa phải “thả” tỷ giá, vừa phải “đỡ” để đồng tiền này không mất giá quá mạnh.

Nếu đồng Nhân dân tệ giảm giá quá mạnh so với đồng USD, thị trường có thể sẽ lại rơi vào trạng thái hoảng loạn như hồi tháng 8/2015 và tháng 1/2016. Bên cạnh đó, dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế nước này giảm tốc có thể chảy nhanh hơn nếu đồng nội tệ của nước này mất giá quá mạnh.

Theo ước tính của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), hơn 450 tỷ USD đã chảy khỏi Trung Quốc từ đầu năm đến nay, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều người lại, sự thoái vốn khỏi Trung Quốc gia tăng áp lực mất giá đối với đồng Nhân dân tệ.

Trung Quốc “đang cố gắng giảm áp lực một cách từ từ”, ông Evans-Prichard nói. “Nếu họ không làm được điều đó, họ có sẽ phải đối mặt với tình huống như hồi giữa năm 2015, khi đồng Nhân dân tệ trở nên quá mạnh” so với các đồng tiền khác, dẫn tới động thái phá giá đầy bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào tháng 8/2015.

Kể từ khi phá giá đồng Nhân dân tệ vào năm ngoái đến nay, Bắc Kinh đã phải chi hàng trăm tỷ Nhân dân tệ để can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm ngăn không cho đồng nội tệ mất giá quá nhanh. Dù vẫn lớn nhất thế giới, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm.

Tháng 10 vừa qua, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm 45,7 tỷ USD, mức giảm mạnh nhất từ tháng 1, còn 3.121 tỷ USD, thấp nhất từ năm 2011.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng kỳ vọng FED tăng lãi suất có thể hút thêm vốn chảy khỏi Trung Quốc để tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn ở Mỹ.

“Chúng ta đang đứng trước một cuộc thoái vốn thứ hai khỏi Trung Quốc. Đợt này sẽ lớn hơn đợt trước. Chiến thắng của ông Trump khiến chuyện này trở nên tệ hơn” đối với Trung Quốc, chuyên gia kinh tế Kevin Lai thuộc Daiwa Capital Markets, nhận định.