Bên cầm cố chỉ được bán nếu có thỏa thuận trong hợp đồng
(Tài chính) Dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) có tổng số 710 điều, được bố cục thành 6 phần, 29 chương. So với Bộ Luật dân sự năm 2005, dự thảo Bộ Luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều vừa được trình Quốc hội sáng nay 27/10.
Tài sản hợp pháp khi giao dịch được bảo vệ thế nào?
Theo báo cáo trình sửa Luật này của Chính phủ, Bộ Luật dân sự (BLDS) năm 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005 trên cơ sở kế thừa truyền thống của pháp luật dân sự Việt Nam, phát huy thành tựu của BLDS năm 1995 và kinh nghiệm gần 20 năm đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
”Trước yêu cầu về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 thì BLDS hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu lý do cần sửa Luật.
Dự thảo BLDS có tổng số 710 điều, được bố cục thành 6 phần, 29 chương. So với BLDS năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều.
Báo cáo thẩm tra dự án BLDS, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Dự thảo BLDS (sửa đổi) bổ sung quy định về giao dịch dân sự với người thứ ba không bị vô hiệu trong trường hợp giao dịch đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu và tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (khoản 2 Điều 145).
Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba thì giao dịch này bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa (khoản 3 Điều 145).
Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 145 dự thảo và cho rằng việc bổ sung quy định này góp phần giải quyết những vướng mắc phát sinh trên thực tế, bảo đảm tính ổn định, sự an toàn của các giao dịch dân sự trong đời sống.
Về quy định tại khoản 3 Điều 145, Ủy ban Pháp luật nhận thấy về cơ bản quy định này kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 138 BLDS hiện hành. Ủy ban pháp luật đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn về thực tiễn thi hành quy định này trong thời gian vừa qua để có quy định phù hợp.
Vấn đề đặt ra là, một tài sản hợp pháp được giao dịch công khai, minh bạch, tài sản được thanh toán và chuyển giao theo đúng thỏa thuận nhưng nếu tài sản đó chưa được đăng ký quyền sở hữu thì giao dịch đó sẽ bị vô hiệu và bên thứ ba sẽ không được bảo vệ.
Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ là một trong những căn cứ pháp lý để xem xét giải quyết khi xảy ra tranh chấp chứ không thể coi là căn cứ duy nhất để xác định bảo vệ hay không bảo vệ người thứ ba.
Không quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
Về việc không quy định thời hiệu khởi kiện, theo quy định tại khoản 3 Điều 155 BLDS hiện hành thì “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.” Dự thảo BLDS không quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự.
“Ủy ban Pháp luật tán thành về cơ bản không quy định về thời hiệu khởi kiện mà chỉ quy định về thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự để phù hợp với bản chất pháp lý của thời hiệu, tạo công cụ pháp lý tốt hơn để các chủ thể căn cứ vào đó thực hiện các quyền dân sự của mình.” – ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.
Liên quan tới quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, Khoản 3 Điều 179 dự thảo Bộ luật quy định: “Trường hợp luật quy định việc chuyển giao vật phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký, trừ trường hợp luật khác có quy định khác”.
Có ý kiến cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thúc đẩy giao dịch dân sự đối với loại tài sản này thì cần phải sửa đổi các quy định hiện hành về thủ tục hành chính trong lĩnh vực công chứng, chứng thực, đăng ký biến động đất đai, cấp, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất.
Một số đại biểu cho biết, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong giao dịch dân sự là tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các bên tham gia. Điều cần làm rõ là tại sao một giao dịch dân sự khi các bên đã hoàn thành quyền, nghĩa vụ của mình trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện nhưng pháp luật lại không công nhận đó là thời điểm xác lập quyền sở hữu mà vẫn phải đến khi đăng ký.
Xung quanh nội dung về bán tài sản cầm cố, thế chấp (Điều 330), Dự thảo BLDS quy định bên cầm cố, thế chấp được quyền bán tài sản cầm cố, thế chấp nếu tài sản cầm cố, thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh; đối với tài sản cầm cố, thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì bên cầm cố, thế chấp chỉ được bán, nếu có thỏa thuận trong hợp đồng cầm cố, thế chấp.
Theo ông Phan Trung Lý, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy định này nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp, qua đó, nâng cao trách nhiệm của bên cầm cố, bên thế chấp trong thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình. Quy định như vậy cũng bảo đảm sự ổn định của các giao dịch dân sự nói chung, giao dịch bảo đảm nói riêng, góp phần làm ổn định các quan hệ kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo chương trình làm việc, tại kỳ họp thứ 8, BLDS (sửa đổi) sẽ thảo luận ở tổ vào ngày 13/11.