Bí ẩn các ngân hàng "gia đình"

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Điều gì đang diễn ra bên trong một số ngân hàng "gia đình", nơi mà các "đại gia" và người thân nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt? Tiền huy động của khách hàng, nhà đầu tư có được quản lý minh bạch, an toàn hay "chảy" vào các công ty sân sau? Vẫn còn nhiều điều bí ẩn chưa lý giải được ở những ngân hàng này.

 Bí ẩn các ngân hàng "gia đình"
Vẫn còn nhiều điều bí ẩn chưa lý giải được ở những ngân hàng "gia đình trị". Nguồn: internet

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã cấm cá nhân sở hữu cổ phần vượt 5% vốn điều lệ ngân hàng và tổng số cổ phần của nhóm cổ đông liên quan không vượt 20%. Song thực tế, nhiều cổ đông ngân hàng vẫn cứ vượt rào.

Vi phạm sở hữu cổ phần

Gia đình ông Trầm Bê nổi tiếng trong giới ngân hàng vì nắm giữ cổ phần tại nhiều ngân hàng, với khối tài sản ước tính hàng nghìn tỷ đồng.

Tại Ngân hàng Phương Nam, gia đình ông Trầm Bê hiện sở hữu tổng cộng hơn 20,1% cổ phần, do đó, có ảnh hưởng lớn tới hoạt động ngân hàng này.

Theo công bố của Ngân hàng Phương Nam, ông Trầm Bê là cổ đông cá nhân lớn nhất, sở hữu 8,36% vốn điều lệ. Các con ông Trầm Bê hiện cũng nắm giữ cổ phần lớn và đảm nhận vị trí lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng. Đơn cử như Trầm Trọng Ngân, con trai, là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, nắm giữ 4,42% vốn điều lệ; Trầm Thuyết Kiều, con gái, Phó Tổng Giám đốc Southern Bank, sở hữu 7,36% vốn. Ông Lê Trọng Trí, chồng bà Kiều, cũng sở hữu 0,67% vốn. Như vậy, ông Trầm Bê và con gái đã vi phạm quy định sở hữu cổ phần và tổng số cổ phần của gia đình hơn 20,1%, cũng vượt trần cho phép.

Tại Ngân hàng Bắc Á, dấu ấn của gia đình bà Thái Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, cũng rất đậm nét. Theo báo cáo quản trị ngân hàng 6 tháng đầu năm 2013, bà Thái Hương nắm giữ tới 6,99% vốn điều lệ, vượt giới hạn sở hữu cổ phần theo luật hiện hành.

Ngoài ra, nhiều người thân trong gia đình bà Thái Hương cũng đang là cổ đông của ngân hàng, đơn cử bà Thái Thị Lương nắm giữ 0,2%; bà Thái Thị Thanh Bình nắm giữ 0,34%; ông Thái Duy Đô, thành viên Hội đồng quản trị, nắm giữ 0,51%; bà Thái Thị Thành nắm giữ 3,05%. Tính chung, 5 cổ đông đã sở hữu tổng cộng 11,09% vốn của ngân hàng.

Bà Tư Hường, bà chủ quyền lực của Ngân hàng Nam Á, có thời điểm sở hữu hơn 14% cổ phần của NamAbank. Đến cuối năm 2012, tỷ lệ sở hữu của bà Hường mới giảm xuống còn 5%, vẫn là cổ đông cá nhân lớn. Những thành viên trong gia đình bà Hường cũng từng nắm tỷ lệ cổ phần trên 5%, sau đó dần giảm xuống dưới mức quy định. Tổng tỷ lệ sở hữu của cả gia đình bà khoảng 27% và các thành viên đang giữ 3/6 vị trí chủ chốt trong Hội đồng quản trị ngân hàng.

Ngoài 3 ngân hàng này, những biến động về sở hữu của các cổ đông lớn trong ngân hàng Seabank, ABBank, Oceanbank… được công bố khá hạn chế, chỉ tìm thấy thông tin ít ỏi trong báo cáo định kỳ hàng năm hoặc báo cáo quý. Do đó, rất khó biết chính xác các ông chủ, bà chủ nhà băng đang đầu tư vào ngân hàng nào, sở hữu bao nhiêu cổ phần hay nắm giữ vai trò gì…?

Có lợi, ai dại rút vốn

Tình trạng sở hữu cổ phần vượt quy định đã diễn ra từ lâu và hiện vẫn chưa có chế tài mạnh để buộc cổ đông phải tuân thủ quy định.

Thực tế, việc các cổ đông lớn giảm bớt tỷ lệ sở hữu chỉ là hình thức, còn thực tế, cổ phần vẫn do họ nắm quyền kiểm soát.

Một trong những chiêu phổ biến là chia nhỏ cổ phần, sang tên cho người thân như con ruột, con dâu/rể… đứng tên để "né" quy định giới hạn 5%. Hoặc chuyển nhượng cổ phần sang công ty con do cổ đông hoặc người thân đứng tên.

Có một vài ngân hàng tìm cách tăng vốn điều lệ, sao cho tỷ lệ sở hữu của cổ đông "tụt" xuống mức trên dưới 5%. Chẳng hạn, bà Thái Hương nắm giữ tới 6,99% vốn điều lệ của Ngân hàng Bắc Á, nếu kế hoạch tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng đạt được trong năm 2014, thì tỷ lệ sở hữu sẽ giảm còn khoảng 5,67%. Bởi ngân hàng, dù đang ở khúc trầm, vẫn là mảng kinh doanh màu mỡ và là công cụ tài chính đắc lực cho các ông chủ doanh nghiệp, tập đoàn.

Trong nhiều cuộc hội thảo, các chuyên gia đã cảnh báo, việc cá nhân và nhóm người liên quan sở hữu cổ phần lớn vượt quy định sẽ dễ dàng nắm quyền kiểm soát, thâu tóm ngân hàng. Trong đó, dễ có chuyện ngân hàng ưu tiên "bơm" vốn cho các công ty của ông chủ, bà chủ vượt giới hạn cho phép, mà tình trạng nợ xấu của nhóm này sẽ rất khó xử lý. Thiếu minh bạch, kinh doanh vì lợi ích nhóm, che giấu sai phạm… là những rủi ro được cảnh báo trong mô hình ngân hàng "gia đình trị".

Hiện, chưa có một nghiên cứu cụ thể về các ngân hàng "gia đình" sử dụng nguồn tiền như thế nào, có sai phạm cho vay không, gây thiệt hại ra sao… Nhưng, kết quả kinh doanh được ngân hàng công bố phần nào phản ánh hiệu quả hoạt động. Nhưng, do chưa niêm yết lên sàn nên các ngân hàng này thường hạn chế công bố thông tin.