Bị mất vốn, cổ đông có thể kiện người quản lý
(Taichinh) - Theo pháp luật hiện hành, cổ đông có thể kiện những người quản lý doanh nghiệp đã có vi phạm xảy ra tình trạng mất vốn để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại hay không?
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện giải pháp mua lại Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Đại Dương để xử lý theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Theo đánh giá của NHNN, cả hai ngân hàng này đều hoạt động yếu kém, âm vốn chủ sở hữu, các cán bộ quản lý cao nhất bị bắt.
Vì vậy, NHNN xử lý bằng bằng cách mua lại 100% vốn cổ phần của các cổ đông hiện hữu với giá bằng 0. Đây là biện pháp có cơ sở pháp luật và tránh được sự phá sản, gây tác động xấu đến xã hội, bảo đảm an toàn cho tổ chức, cá nhân gửi tiền.
Tuy nhiên, quyền lợi của các cổ đông hiện hữu, nhất là cổ đông nhỏ bị “mất trắng”. Liệu họ có thể kiện những người quản lý doanh nghiệp (ngân hàng) đã có vi phạm xảy ra tình trạng mất vốn để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại không?
Theo pháp luật hiện hành (Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Lao động, Luật Tố tụng dân sự...) thì thành viên HĐTV/cổ đông có quyền khởi kiện người quản lý (chủ tịch HĐTV, thành viên HĐQT, giám đốc/tổng giám đốc và/hoặc người quản lý khác của công ty theo điều lệ) vi phạm pháp luật trong quá trình quản trị, điều hành doanh nghiệp và/hoặc vi phạm các quy định tại điều lệ, nội quy, quy chế và hợp đồng lao động đã ký với công ty dẫn đến thiệt hại cho công ty và cho chính cổ đông. Pháp luật quy định quyền và trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của người quản lý.
Theo đó, các thành viên/cổ đông của công ty có thể khởi kiện người quản lý doanh nghiệp ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu đòi bồi thường (nếu họ còn tài sản). Tuy nhiên, các quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 chưa được rõ ràng, việc khởi kiện còn tuân theo các thủ tục hành chính, phải qua Ban kiểm soát (trong khi đó, thành viên Ban kiểm soát có thể cũng chỉ đại diện cho nhóm cổ đông nhất định).
Vì vậy, một mặt Luật Doanh nghiệp 2014 (có hiệu lực từ 1/7/2015) đã có những quy định nâng cao vị thế, vai trò của người quản lý doanh nghiệp, mặt khác mở rộng các quyền của cổ đông, nhóm cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ trong việc khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại cho mình, cụ thể:
Luật Doanh nghiệp 2014 yêu cầu người quản lý có nghĩa vụ: quản trị, điều hành doanh nghiệp đúng pháp luật (Điều 160); công khai hóa các lợi ích có liên quan (Điều 159), nhất là đối với các giao dịch/hợp đồng với người có liên quan, trong đó có người liên quan của người quản lý.
Doanh nghiệp có trách nhiệm tập hợp cập nhật danh sách những người có liên quan và các giao dịch tương ứng của họ với doanh nghiệp (Điều 159); người quản lý phải thông báo cho ĐHCĐ (chính là các cổ đông được thông báo), nếu người quản lý, người điều hành không thực hiện thì cổ đông có thể kiện (Điều 161).
Người quản lý, kiểm soát, đại diện theo pháp luật có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp biết về các đối tượng người liên quan của họ (Điều 4) trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày phát sinh đối tượng người liên quan. Các hợp đồng/giao dịch giữa doanh nghiệp và người liên quan phải được minh bạch, niêm yết tại trụ sở và công bố công khai lợi ích liên quan.
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định rõ trách nhiệm của người quản lý (HĐQT/HĐTV/tổng giám đốc) đối với giao dịch có liên quan, nhất là nghĩa vụ công bố, niêm yết giao dịch/hợp đồng với đối tượng có liên quan và đương nhiên nếu họ không thông báo/không công khai dẫn đến doanh nghiệp giao dịch với đối tượng này có vi phạm, có thiệt hại thì hoàn toàn có thể bị cổ đông kiện hoặc xử lý bằng hình thức pháp luật khác.
Nếu như Luật Doanh nghiệp 2005 quy định, cổ đông muốn kiện người quản lý phải tuân theo thủ tục yêu cầu Ban kiểm soát khởi kiện, trường hợp Ban kiểm soát không kiện, cổ đông mới được quyền khởi kiện người quản lý, thì Luật doanh nghiệp 2014 quy định mức độ dễ dàng khởi kiện người quản lý của cổ đông, chứng cứ có thể thu thập trong quá trình giải quyết tại tòa án.
Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc trong việc “…thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao trái với quy định của pháp luật, điều lệ công ty hoặc nghị quyết của ĐHCĐ...”.
Trình tự, thủ tục khởi kiện thực hiện tương ứng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty sẽ tính vào chi phí của công ty, trừ trường hợp thành viên khởi kiện bị bác yêu cầu khởi kiện (Điều 161).
Kết luận điều tra, cáo trạng và bản án có hiệu lực có thể là nguồn căn cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường của cổ đông (nếu người quản lý đó còn tài sản) và/hoặc các chứng cứ khác trong quá trình nộp đơn khởi.