BIDV – Nơi truyền ngọn lửa yêu thương
(Tài chính) BIDV luôn chủ động đề xuất và thực hiện các hoạt động ASXH, giảm nghèo bền vững, chia ngọt, sẻ bùi tới hàng triệu người có hoàn cảnh khó khăn...
Chú trọng vào 3 bình diện chính: Hỗ trợ tài chính trực tiếp, thông qua các chương trình ASXH cụ thể cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhằm góp phần tạo ra cú hích cho phát triển kinh tế, xã hội; Xúc tiến đầu tư, tài trợ tín dụng cho doanh nghiệp và người dân ở địa phương nghèo, thông qua các chương trình tín dụng cho vay trực tiếp của BIDV; và thông qua quản lý, vận hành dự án Tài chính nông thôn từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB): thực hiện vai trò ngân hàng bán buôn để cho các Định chế tài chính vay để cho vay tới người nghèo theo khu vực nông thôn nhằm cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững.
Có thể nói, con số hỗ trợ khoảng: 1.500 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2014, là 405 tỷ đồng dành cho các chương trình hoạt động ASXH là những con số đặc biệt ấn tượng mà BIDV đã thực hiện được 5 năm qua.
Không chỉ tập trung vào việc hỗ trợ tài chính trực tiếp các chương trình mục tiêu quốc gia cho địa phương nghèo, trên các lĩnh vực như Giáo dục, Y tế, Xoá nhà tạm cho người nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng các thiết chế văn hóa cộng đồng, cầu và đường dân sinh phục vụ xây dựng nông thôn mới... BIDV còn chú trọng đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện sống thấp, tập trung nhiều dân nghèo, các xã đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và các địa phương thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới.
BIDV trở thành một trong số các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương đi tiên phong trong việc nhận hỗ trợ huyện nghèo cũng như xây dựng các cơ chế chính sách tài chính đối với việc cho vay các dự án, công trình ở khu vực huyện nghèo. Đến nay, BIDV đã tham gia triển khai hỗ trợ trực tiếp bằng tiền là 335 tỷ đồng.
Cùng với đó, BIDV cũng chú trọng hỗ trợ tài chính trực tiếp để xây dựng nông thôn mới trải dài trên 36 tỉnh với tổng mức kinh phí là: 500 tỷ đồng, tập trung vào 3 lĩnh vực cốt yếu như: Xây dựng và tài trợ trang thiết bị cho các trung tâm y tế từ tuyến xã trở lên; khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ nghèo; Xây dựng các trường học từ cấp mầm non đến Phổ thông Trung học, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên; Xây dựng một số công trình cầu dân sinh, thiết chế văn hóa ở cơ sở, xây dựng nhà đoàn kết, mái ấm biên cương…
Những chương trình hỗ trợ tài chính của BIDV đã thực sự đem lại hiệu quả đối với xã hội. Hơn 600 công trình trường học, hàng chục công trình y tế, hàng chục thiết chế văn hóa ở cơ sở, hàng chục cây cầu dân sinh và hàng chục ngàn nhà tình nghĩa cùng hàng ngàn khoản học bổng, phí khám chữa bệnh… do BIDV tài trợ đều mang tính thiết thực, đều được đánh giá có chất lượng, được người dân tin tưởng, yên tâm và đặc biệt đem lại một điều kiện sống tốt hơn cho cộng đồng.Những khoản tài trợ trực tiếp, ban đầu này là hết sức cần thiết đối với các địa phương nghèo trong điều kiện chi ngân sách luôn phải cấp bù của Trung ương. Đồng thời, bước đầu tạo ra cú hích, động lực thực chất để các địa phương thoát khỏi tình trạng thiếu vốn cho đầu tư các công trình anh sinh xã hội.
BIDV cũng là ngân hàng tiên phong trong việc đề xuất và tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các khu vực, địa phương còn nhiều khó khăn như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương thông qua kêu gọi các nguồn vốn đầu tư, đánh thức các nguồn lực, tiềm năng kinh tế của địa phương, đem lại phương kế giảm nghèo bền vững cho người dân. Ước tính trong 5 năm 2010 -2014, BIDV đã phối hợp tổ chức hơn 10 Hội xúc tiến đầu tư cấp vùng và cấp tỉnh, kêu gọi được hàng trăm dự án đầu tư với số đăng ký đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh việc xúc tiến đầu tư, kêu gọi và đầu tư cho các dự án lớn, BIDV đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi có cá nhân, hộ gia đình đặc biệt có các gói tín dụng đặc thù cho các vùng miền còn nhiều khó khăn như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Riêng trong năm 2014 BIDV đã triển khai các gói tín dụng với tổng trị giá 17.800 tỷ đồng để hỗ trợ giảm nghèo khu vực nông nghiệp, nông thôn như: Gói tín dụng 800 tỷ đồng cho vay thu mua nông sản và kinh doanh vật tư nông nghiệp khu vực Tây Bắc; Gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn cà phê Tây Nguyên; Gói tín dụng 7.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ tài chính khu vực Tây Nguyên: đã và đang đã giải ngân và đang đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường, giúp người dân mở rộng sản xuất cải thiện đời sống.
Đặc biệt, năm 2014, BIDV trở thành ngân hàng đi đầu trong việc tham gia xây dựng cơ chế chính sách của Chính phủ về phát triển thủy sản và cũng là ngân hàng tiên phong trong việc chấp hành triển khai Nghị định 67 về chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc. Các hoạt động hỗ trợ ngư dân, cảnh sát biển, kiểm ngư và các địa phương ven biển thực hiện các chương trình vì biển Đông năm 2014 trở thành tâm điểm chú ý của cả nước.
Hưởng ứng phong trào đó, các chi nhánh BIDV trong cả nước đã tiếp cận và hướng dẫn hồ sơ, thủ tục vay theo Nghị định 67 cho 531 khách hàng, tổng nhu cầu vốn khoảng 1.604 tỷ đồng, phần lớn nhu cầu trong số này là tàu vỏ thép có công suất lớn để phục vụ đánh bắt xa bờ.
Bên cạnh đó, BIDV còn chú trọng vận hành các dự án Tài chính nông thôn, triển khai nguồn vốn của WB đến khu vực nông thôn, phát triển sản xuất và giảm nghèo bền vững. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được WB đánh giá là quốc gia triển khai thành công nhất mô hình Dự án tài chính nông thôn trên thế giới, để rồi, trước khi Dự án Tài chính nông thôn II kết thúc, đã quyết định để Việt Nam tiếp tục triển khai Dự án Tài chính nông thôn III. "Đây là một tiền lệ chưa từng xảy ra đối với các dự án của WB," một quan chức của WB nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết việc thực hiện Dự án Tài chính nông thôn II trước đây.
Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Dự án Tài chính nông thôn III được triển khai từ năm 2009 theo mô hình “Ngân hàng bán buôn”, thông qua một ngân hàng thương mại làm đầu mối là BIDV, và do Ngân hàng Nhà nước làm cơ quan chủ quản, với sự tham gia tích cực và có hiệu quả của 30 định chế tài chính là 21 ngân hàng thương mại và 9 Quỹ tín dụng nhân dân đã được đánh giá cao.
Có thể nói, những hoạt động tích cực trên của BIDV đã góp phần vào thành quả chung của cả nước về giảm nghèo. Đặc biệt là đã giảm thiểu được tình trạng tái nghèo do sự đồng bộ trong các giải pháp giảm nghèo bền vững theo hướng: “Bước đầu cho con cá, tiếp đó phát cần câu” tạo công ăn việc làm để người nghèo có sinh kế bền vững.