Biến đổi khí hậu tác động xấu đến GDP khu vực Nam Á

Hùng Anh - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Theo một báo cáo mới được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố hôm thứ Ba vừa qua, nền kinh tế Nam Á sẽ phải hứng chịu nhiều "tai họa" do biến đổi khí hậu trong vài thập kỷ tới nếu không có những hành động kịp thời để cắt giảm lượng khí thải nhà kính vốn là tác nhân làm cho trái đất nóng lên.

Biến đổi khí hậu tác động xấu đến GDP khu vực Nam Á
Nền kinh tế Nam Á sẽ phải hứng chịu nhiều "tai họa" do biến đổi khí hậu trong vài thập kỷ tới nếu không có những hành động kịp thời để cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Nguồn: internet

Theo tính toán, 6 quốc gia nằm trong phạm vi nghiên cứu, bao gồm Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka, Bhutan và Maldives, sẽ bị thiệt hại trung bình 1,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trước năm 2050 và 8,8% vào cuối thế kỷ này.

Chậm tốc độ xóa đói giảm nghèo

Cụ thể, Maldives là nước hứng chịu tổn thất nặng nề nhất, trong khi Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal và Sri Lanka bị giảm lần lượt là 2,0%, 1,4%, 1,8%, 2,2%, và 1,2% GDP hàng năm trước năm 2050.

Dựa vào những phát hiện mới về kinh tế thông qua mô hình đánh giá tích hợp, báo cáo của ADB chỉ ra rằng tổng chi phí do biến đổi khí hậu ở Nam Á sẽ tăng lên theo thời gian và về lâu về dài sẽ cao "không chịu nổi". Thậm chí trong những kịch bản biến đổi khí hậu được cho là lạc quan nhất thì vẫn không tránh khỏi những hệ lụy ghê gớm tấn công các lĩnh vực dễ bị tổn thương trên toàn bộ lãnh thổ Nam Á, dẫn đến thiệt hại đáng kể về GDP, gây tổn thất cho tăng trưởng kinh tế và công tác xóa đói giảm nghèo.

ADB cho rằng nếu thế giới chịu nghe theo lời khuyên của các nhà khoa học và hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch để kìm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ C thì Nam Á chỉ mất 1,3% GDP trước năm 2050 và 2,5% trước năm 2100. Đây được gọi là kịch bản "Cancun-Copenhagen", đặt tên theo hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm 2009 và 2010. Tuy nhiên, rất ít nhà phân tích tin rằng mục tiêu 2 độ C có khả năng đạt được.

Nhiều năm qua, các nhà khoa học khí hậu đã cảnh báo Nam Á sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự nóng lên toàn cầu, với các vùng lãnh thổ đông dân cư phía nam của dãy Himalaya đón mưa gió mùa thất thường và dữ dội hơn, và nhiệt độ trung bình tăng nhanh.

Năm 2012, các nhà khoa học Anh và Ấn Độ nhận định trước khi kết thúc thế kỷ này nhiệt độ trung bình hằng năm của Ấn Độ sẽ tăng 2,9 – 4,3 độ C so với mức cơ sở 1961 - 1990 nếu lượng khí thải xả lên bầu khí quyển cứ tiếp tục dày đặc. Sử dụng một số mô hình phân tích khí hậu khác để đánh giá thì kết quả cho thấy Ấn Độ sẽ "ấm" thêm 3 độ C trước năm 2050 và khoảng 5 độ C trước năm 2080. Những nơi bị nóng lên nhiều nhất là các địa phương phía bắc của vùng đất rộng Ấn Độ và dãy Himalayas.

Mục tiêu tăng trưởng xa vời

Tuy nhiên, nghiên cứu của ADB là một trong những tài liệu đầu tiên đánh giá tác động kinh tế của biến đổi khí hậu đối với khu vực Nam Á. Với dân số 1,43 tỷ người, 1/3 trong số đó sống trong nghèo đói, các nước Nam Á đối mặt với những thách thức phải đạt được và duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh chóng để xóa đói giảm nghèo và đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trong bối cảnh có những rủi ro rõ ràng về biến đổi khí hậu toàn cầu. Thiệt hại kinh tế trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải, y tế, du lịch... dự kiến sẽ không hề nhỏ, làm cho các mục tiêu tăng trưởng trở nên xa vời hơn.

Tác động tự nhiên đối với những nền kinh tế vốn đã "mong manh, dễ vỡ" có thể sẽ là nhiều bão và lũ hơn ở các vùng trũng thấp của Bangladesh, tổn thất tài sản và cơ sở hạ tầng, nông nghiệp mất mùa, các đập thủy điện không đảm bảo đủ điện để cung cấp và bệnh tật nhiều hơn.

ADB cũng phân tích thêm, cư dân khu vực ven biển của Bangladesh, Ấn Độ, Maldives và Sri Lanka sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao do nước biển dâng, từ đó có thể dẫn tới xáo trộn các khu định cư, xâm nhập mặn, mất đất nông nghiệp và đất ngập nước và cả những hệ lụy tiêu cực cho ngành du lịch và thủy sản.

Đối với 6 quốc gia được nghiên cứu lần này, chi phí thích ứng với biến đổi khí hậu trong vòng 40 năm tới phụ thuộc nhiều vào những nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế sự nóng lên của trái đất, dự kiến dao động từ 14 tỷ USD/năm (tương đương 0,2% GDP) trong trường hợp tích cực nhất cho tới 198 tỷ USD/năm (khoảng 2,3% GDP) trong trường hợp tồi tệ nhất.