Biến số Biển Đông trong bài toán kinh tế 6 tháng

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Kinh tế phục hồi khá tốt với mức tăng trưởng 5,18% sau 2 quý, song những căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc lại đặt ra nhiều thách thức.

Tổng cầu vẫn ở mức thấp, doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, tồn kho bất động sản và nợ xấu cao..., cộng với mục tiêu kìm lạm phát, ổn định vĩ mô vẫn ở vị trí ưu tiên, kinh tế Việt Nam bước vào năm 2014 trong tâm thế không quá hồ hởi. Tuy nhiên, cùng với đà phục hồi của thị trường thế giới, nền kinh tế trong nước đang có những dấu hiệu rõ ràng của việc thoát đáy, sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái toàn cầu năm 2008.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý I tăng 5,09% - cao nhất so với cùng kỳ 3 năm gần đây; lạm phát được kiểm soát ở 0,88% - thấp nhất trong vòng 4 năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao hơn cùng kỳ, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cải thiện...

Toàn cảnh kinh tế 6 tháng đầu năm 2014

[Caption]

Đầu tháng 5, Trung Quốc tiến hành hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây căng thẳng đời sống kinh tế - chính trị 2 nước. Sự kiện này bỗng chốc đặt Việt Nam trước một biến số mới cần giải trong bài toán sản xuất kinh doanh khi mà Trung Quốc lâu nay vẫn là bạn hàng lớn nhất với kim ngạch thương mại 2 chiều (2013) lên tới 53 tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán lập tức biến động sau kỳ nghỉ lễ Quốc tế lao động. VN-Index  "rơi" kỷ lục gần 33 điểm trong phiên 8/5. Bản tin của các công ty chứng khoán gửi tới nhà đầu tư đều nhận định diễn biến bất thường trên Biển Đông đang ảnh hưởng tới thị trường. Ủy ban Chứng khoán liên tục đưa ra thông điệp trấn an nhà đầu tư.

Môi trường kinh doanh 6 tháng đầu năm chịu một phen chấn động khi nhóm người quá khích lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc đập phá nhà máy của doanh nghiệp nước ngoài tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, rút chuyên gia, lao động về nước.

Ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho biết kinh tế Bình Dương, Đồng Nai chịu ảnh hưởng lớn nhất sau sự kiện này. Tại Bình Dương, chỉ số sử dụng lao động ngành công nghiệp thời điểm 1/6 giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái do hơn 10.000 lao động tại 4 doanh nghiệp FDI phải tạm ngừng sản xuất, điều này cũng khiến sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm trong tháng 5. Tình hình tương tự cũng xảy ra với Đồng Nai.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Năm 2013, cả nước nhập siêu gần 24 tỷ USD từ thị trường này và tiếp tục thâm hụt hơn 13 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, chủ yếu do nhập khẩu tư liệu sản xuất (máy móc, nguyên vật liệu, phụ liệu... ) chiếm gần 90%. Bà Lê Thị Minh Thủy - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ thông tin từ tháng 5 trở lại đây thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc giảm nhẹ và tác động tiêu cực có thể còn thể hiện rõ nét hơn trong thời gian tới.

Trong tháng 5, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm gần 10% và tiếp tục giảm 20% trong tháng 6, xuống mức thấp nhất từ đầu năm, trong đó giảm nhiều nhất là khách đến với mục đích du lịch thuần túy. Riêng khách Trung Quốc trong tháng 6 giảm gần 30%, khách quốc tế đến Việt Nam qua các cửa khẩu tuyến Trung Quốc cũng giảm một nửa.

Chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp tức thời để ổn định tình hình. Nhiều đoàn công tác được thành lập để đi thị sát, đưa ra giải pháp tháo gỡ về thuế, bảo hiểm, thông quan hàng hóa... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trên cả diễn đàn trong nước và quốc tế cũng liên tục phát đi thông điệp sẽ bảo đảm an toàn cho người nước tại Việt Nam cũng như các xử lý thỏa đáng đề xuất của doanh nghiệp bị thiệt hại. Điều này phần nào khiến nhà đầu tư bình tâm và hầu hết doanh nghiệp FDI đã quay lại hoạt động bình thường.

Trong cuộc họp báo tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau vụ biểu tình, bà Liu Mei Teh - Tổng hội trưởng Tổng hội thương gia Đài Loan nghẹn ngào nhớ lại cảnh nhà xưởng, trường học bị đập phá, lao động Đài Loan quá sợ hãi phải bỏ về nước. Nửa tháng sau, bà Liu tham gia diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) giữa kỳ với khuôn mặt rạng rỡ hơn khi đa số doanh nghiệp Đài Loan đã quay trở lại hoạt động bình thường nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ. Thậm chí, nhiều người bạn của bà cho biết sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Thị trường chứng khoán, thị trường ngoại tệ đã đi qua những chuỗi ngày bất ổn và chờ đón thông tin tích cực như Chính phủ sẽ cho nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, hay tỷ giá cũng không xáo trộn sau khi Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ đảm bảo thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để ổn định thị trường trên mặt bằng giá mới.

Việc kiểm soát tốt tình hình đã khiến sự kiện Biển Đông chỉ là một gợn sóng ngắn đối với kinh tế 6 tháng đầu năm, khi GDP vẫn tăng 5,18%, cao nhất trong ba năm gần đây. Giá cả trong nước vẫn bình ổn khi lạm phát được kiểm soát ở 1,38%, thấp nhất trong 13 năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị điều hành kinh tế 6 tháng cuối năm vẫn hết sức cẩn trọng, bởi những thách thức trong mối quan hệ với Trung Quốc vẫn là biến số khó lường và đây là câu chuyện dài hạn. "Trước mắt nền kinh tế chưa phải chịu cú sốc lớn nào từ căng thẳng Biển Đông. Mặc dù cốt lõi của vấn đề nằm ở yếu tố chính trị, ảnh hưởng kinh tế trong dài hạn từ vấn đề này là không thể tránh khỏi khi nguồn lực đã hạn hẹp của đất nước phải tiêu tốn vào các hoạt động nhằm đối phó với những rủi ro mới đang thường trực", nhóm chuyên gia tại VID nhìn nhận.

Trung Quốc đang cung cấp khoảng 50% nguyên liệu vải sợi cho Việt Nam, chỉ cần có sự chậm trễ trong cung cấp các đơn hàng cũng có thể gây thiệt hại kinh tế lớn cho ngành vải sợi và dệt may, một trong những ngành xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, nếu thương mại giữa hai quốc gia đóng băng (dù rất khó có khả năng xảy ra), thì mất cân đối cung cầu lớn có thể xảy ra khiến cho giá cả tăng vọt. Khi đó, tác động dây chuyền từ cú sốc này tới các chỉ tiêu vĩ mô như lạm phát sẽ nằm ngoài khả năng kiểm soát của chính sách tiền tệ.

Ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) nhận định sự kiện Biển Đông có thể khiến tăng trưởng của một số lĩnh vực thấp hơn, dẫn tới khó đạt mục tiêu GDP tăng 5,8% trong cả năm. "Trung Quốc đang cung cấp chủ yếu cho Việt Nam nguyên liệu dệt may, linh kiện điện tử. Nếu tình huống ngưng trệ xảy ra sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng", vị này nói.

Căng thẳng tại Biển Đông cũng đòi hỏi chi ngân sách phát sinh những khoản không nằm trong kế hoạch. Trong phiên họp Quốc hội gần đây, đa số đại biểu đã tán thành đề nghị dành 16.000 tỷ đồng từ ngân sách 2013 nhằm hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư. Gánh nặng đối với ngân sách sẽ ngày càng chồng chất hơn nếu sự việc tiếp diễn trong thời gian dài và hệ quả là điều chưa thể tính hết được.

Theo những nhà phân tích, những thách thức cũng mở ra cơ hội với kinh tế Việt Nam, nhất là cho ngành sản xuất trong nước, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc. Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng Việt Nam có thể bị tổn thất nếu mối quan hệ với Trung Quốc đóng băng, song nếu kịp thời thời đổi để bù đắp thì việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hoàn toàn có thể xảy ra.

Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông là một "hồi chuông thức tỉnh" cho lãnh đạo Việt Nam để thúc đẩy sự đa dạng của các chuỗi sản xuất và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, phát triển khả năng có thể cung ứng nguyên liệu quan trọng cho các nhà máy của nước này, chuyên gia kinh tế Trinh Nguyen tại HSBC nhận định.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thời cơ tốt khi tham gia các hiệp định thương mại tự do với Mỹ, châu Âu, ASEAN để giúp hàng hoá xuất khẩu sang các thị trường mới và tận dụng ưu đãi thuế quan để nhập khẩu nguyên vật liệu.

Những ngày cuối tháng 6, câu chuyện về quả vải Bắc Giang một lần nữa được người ta nhìn nhận như một ví dụ tiêu biểu cho sự chuyển biến trong quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Hiện 90% lượng vải xuất khẩu của Việt Nam là sang Trung Quốc, khiến người nông dân trồng vải thiều tại Bắc Giang bấy lâu này đều phải phụ thuộc vào những chỉ định của thương nhân đến từ phương Bắc, thậm chí nhiều vụ còn bị ép giá. Lường trước những khó khăn có thể xảy ra nếu thương lái Trung Quốc bỏ thị trường, thời gian qua Việt Nam liên tục có những chương trình tiếp thị "đặc sản" này sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay Nam tiến và bước đầu thu được kết quả tích cực, tạo hướng đi mới cho quả vải "thoát Trung". Như một chuyên gia đã chia sẻ, trước hết Việt Nam phải tự cứu lấy mình và điều này là hoàn toàn có thể làm được.