Bình Dương: Giải thể Phòng khám Đa khoa khu vực, đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực y tế

Lê Văn

Thực hiện chủ trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập, Bình Dương sẽ kết thúc hoạt động của các Phòng khám Đa khoa khu vực (PKĐKKV), đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực y tế.

Đăng ký KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp kết hợp với sinh trắc học vân tay ở Bình Dương. Ảnh: Lê Văn
Đăng ký KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp kết hợp với sinh trắc học vân tay ở Bình Dương. Ảnh: Lê Văn

Giải thể Phòng khám Đa khoa khu vực

TS. Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, hiện Bình Dương có 18 PKĐKKV đang hoạt động lồng ghép chung với Trạm Y tế, mô hình này đang gặp nhiều bất cập và không còn phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Cụ thể, theo Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh), về cơ cấu nhân sự trong cơ sở KCB thì các PKĐKKV trên địa bàn tỉnh không đáp ứng được nhân lực yêu cầu tối thiểu. Hầu hết các PKĐKKV chỉ có từ 2 - 3 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề đa khoa hoặc nội khoa, không có bác sĩ phụ trách khám, chữa bệnh (KCB) các chuyên khoa khác như Sản, Nhi, Cận lâm sàng hay khoa Ngoại; không có bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh hoặc kỹ thuật viên có trình độ cử nhân trở lên.

Do không có đủ bác sĩ chuyên khoa và thiếu nhân viên kỹ thuật có trình độ, một số danh mục kỹ thuật cận lâm sàng không thể triển khai, dẫn đến thiết bị y tế không được khai thác tối đa. Máy xét nghiệm, siêu âm, X-quang các PKĐKKV đều có đầy đủ nhưng do số lượng bệnh nhân đến khám ít, nên nhiều thiết bị không hoạt động thường xuyên, một số trang thiết bị "đắp chiếu"- không có nhu cầu sử dụng.

Đơn cử như tại Trạm Y tế TP. Thuận An, hiện có 6 PKĐKKV, các PKĐKKV có giường bệnh nhưng không có bệnh nhân nội trú. Lượng bệnh nhân đến KCB hàng năm rất ít, chủ yếu là các bệnh thông thường thuộc chuyên khoa Nội, Nhi, Y học cổ truyền. Do hạn chế về nhân lực và danh mục kỹ thuật, các ca bệnh phức tạp thường được chuyển lên tuyến trên.

Theo Nghị định số 120/2020/ NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ (quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập), PKĐKKV không phải là đơn vị sự nghiệp công lập độc lập mà là bộ phận thuộc cơ cấu tổ chức của Trạm Y tế. “Chấm dứt hoạt động PKĐKKV không phải là giải thể một đơn vị sự nghiệp công lập, mà là một giải pháp tổ chức lại, sắp xếp hợp lý hệ thống y tế địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả”- ông Chương cho biết.

Tiến tới ứng dụng AI trong lĩnh vực tế

Cũng theo TS. Nguyễn Hồng Chương, giai đoạn 2025 - 2026, ngành Y tế tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia xây dựng, thực hiện chính quyền số, xã hội số, thực hiện có hiệu quả các mô hình của Đề án 06, gắn với cải cách thủ tục hành chính đồng bộ trên môi trường mạng, bảo đảm an ninh, an toàn, liên thông, toàn trình, số hóa thông tin sức khỏe, bệnh án điện tử và hoàn thiện triển khai các nền tảng số.

Đặc biệt, ngành Y tế sẽ hoàn thiện 5 nền tảng y tế thông minh gồm: Hệ thống quản lý thông tin, bệnh án điện tử; nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB từ xa; nền tảng quản lý tiêm chủng và quản lý Trạm Y tế xã. Bên cạnh đó, ngành cũng tổ chức rà soát, nghiên cứu triển khai các nội dung, nhiệm vụ chuyển đổi số đã được phê duyệt.

Giai đoạn 2027- 2028, ngành Y tế Bình Dương sẽ chủ động phát triển, ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe, hình thành đội ngũ bác sĩ AI hỗ trợ chuyên gia y tế, cũng như xây dựng phác đồ điều trị các loại bệnh trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn, tiến đến triển khai, ứng dụng 3 kết nối vạn vật y tế, chuỗi khối trong một số lĩnh vực, hoạt động y tế đủ điều kiện.

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ngành Y tế Bình Dương phấn đấu đến năm 2030 là 1 trong nhóm 7 đơn vị dẫn đầu trong tỉnh về đột phá phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Bệnh viện Quốc tế Becamex hiện là đơn vị dẫn đầu trong quản trị y tế thông minh và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Với mục tiêu đạt “Bệnh viện thông minh” trong năm 2025, Bệnh viện Quốc tế Becamex đã đẩy mạnh triển khai thực hiện “Bệnh viện không giấy”.

Hiện nay, dây chuyền khám bệnh của bệnh viện không cần in giấy (chỉ in bảng kê để làm chứng từ thanh toán), sử dụng chữ ký, phát triển HIS (phần mềm quản lý thông tin bệnh viện) ngoại trú. Do vậy, các y, bác sĩ và bệnh nhân không còn cầm theo giấy tờ khi thăm khám, mất thời gian chờ làm thủ tục. Mỗi bệnh nhân chỉ mất khoảng 1 phút để làm thủ tục, hoàn tất việc KCB…