BIS: Ngân hàng trung ương nên tăng lãi suất

Theo nfsc.gov.vn

(Tài chính) Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) vừa cảnh báo, lãi suất quá thấp khiến chính phủ và thị trường có thể rơi vào trạng thái "an toàn giả tạo".

BIS: Ngân hàng trung ương nên tăng lãi suất
BIS vừa cảnh báo, lãi suất quá thấp khiến chính phủ và thị trường rơi vào trạng thái "an toàn giả tạo". Nguồn: internet

BIS, được xem là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương trên thế giới, đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách bình thường hóa lãi suất. Bình thường hóa lãi suất quá muộn và chậm cũng có thể gây ra những rủi ro nhất định đối với nền kinh tế, theo BIS.

BIS cho rằng, lãi suất thấp có thể thúc đẩy nhu cầu đầu tư rủi ro cao hơn vào thị trường chứng khoán cũng như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

Chỉ số chứng khoán toàn cầu FTSE tăng 5% tính đến thời điểm hiện tại của năm 2014 trong khi chỉ số VIX, thể hiện biến động của chứng khoán Mỹ, lại giảm xuống thấp nhất 7 năm.

Trên thực tế, các thị trường vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng kể từ tháng 1/2014. Trong khi đó, BIS đánh giá, mặc dù kinh tế toàn cầu đã phục hồi tăng trưởng nhưng mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với trước khủng hoảng.

Báo cáo của BIS nhận định, rất dễ để nhận ra sự không kết nối giữa tình hình lạc quan của các thị trường nói riêng với những diễn biến cơ bản của kinh tế toàn cầu nói chung.

Theo BIS, các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng mạnh để giảm sự phụ thuộc vào chính sách kích thích tiền tệ. Tuy nhiên, nếu dành quá nhiều thời gian cho việc này, các ngân hàng trung ương có thể sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng do giới đầu tư "nỡ" đổ tiền quá nhiều vào các tài sản rủi ro và các chính sách cũng mất dần hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Khi đó, các ngân hàng trung ương sẽ bị tụt hậu so với thế giới khi rút lui quá muộn và chậm.

BIS được thành lập vào năm 1930 và là tổ chức tài chính quốc tế lâu đời nhất thế giới với 60 thành viên, kể cả Ngân hàng trung ương Anh (BOE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ).