Bổ sung cơ chế giám sát quyền lực Nhà nước

Thành Chung (Chinhphu.vn)

TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp,trao đổi với báo chí về nội dung quản lý và sử dụng quyền lực Nhà nước trong điều hành xã hội trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 Bổ sung cơ chế giám sát quyền lực Nhà nước
TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp
Hiến pháp coi quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân, thông qua Hiến pháp, nhân dân trao quyền cho Nhà nước. Về điểm này, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 có gì mới, thưa ông?

TS Đinh Xuân Thảo: Bản chất của Hiến pháp là một khế ước xã hội, thể hiện sự đồng thuận của nhân dân trao cho nhà nước quyền lực của mình, nhưng sẽ là những quyền gì và trao đến đâu để Nhà nước có quyền quản lý, điều hành xã hội. Hiến pháp cũng có cơ chế để Nhà nước không lạm quyền...

Người ta hay hiểu là nhân dân trao quyền cho Quốc hội, như vậy không chính xác. Nhân dân trao quyền cho Quốc hội, nhưng chỉ trong “tích tắc” (bỏ phiếu), Quốc hội bầu ra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Chủ tịch nước, Chính phủ… và trao tiếp quyền lực cho các cơ quan này theo đúng phạm vi của các nhánh quyền lực. Kể từ đó các nhánh quyền lực này thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.

Đồng thời không chỉ có Quốc hội giám sát một chiều các cơ quan nói trên mà các cơ quan này còn giám sát ngược lại Quốc hội và giám sát lẫn nhau. Đấy là nguyên tắc (giám sát quyền lực) mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã bổ sung để hạn chế sự lạm quyền của các cơ quan Nhà nước.

Xin ông cho biết biểu hiện cụ thể của việc kiểm soát lẫn nhau là như thế nào?

TS Đinh Xuân Thảo: Ví dụ,Quốc hội là cơ quan lập pháp nhưng luật, pháp lệnh có hiệu lực thì phải được Chủ tịch nước đồng ý và công bố. Nếu thấy còn vấn đề gì thì Chủ tịch nước có quyền dừng ban hành luật. Hay như việc phê chuẩn điều ước Quốc tế, Chủ tịch nước cũng có quyền phê chuẩn hoặc không, theo đề nghị của các cơ quan khác.

Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết định việc làm luật nhưng Chính phủ cũng có quyền đề nghị dừng xây dựng luật hoặc sửa đổi những nội dung mà Quốc hội đã quyết vì có thể sẽ khó thực thi trong thực tế. Chính phủ cũng có quyền giám sát hoạt động xét xử của cơ quan tư pháp.

Có ý kiến cho rằng chức năng giám sát của Chính phủ đối với các cơ quan lập pháp và tư pháp chưa rõ ràng. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 khắc phục bất cập này như thế nào, thưa ông?

TS Đinh Xuân Thảo: Vai trò kiểm soát của Chính phủ (là cơ quan hành pháp) đối với cơ quan lập pháp, tư pháp hiện mới ở góc độ hành chính. Lần sửa đổi này sẽ rạch ròi hơn, Chính phủ với vai trò là cơ quan hành pháp sẽ chủ động đề xuất chính sách và làm tốt hơn việc giám sát thực hiện chính sách.

Như ông nói, quyền lực của nhân dân không trao hết cho Nhà nước, vậy phần còn lại được sử dụng như thế nào?

TS Đinh Xuân Thảo: Đó là quyền lực trực tiếp trong việc quản lý nhà nước, xã hội, có nghĩa là quy định việc trưng cầu ý dân. Lần này, dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 có một chương về quyền công dân, quyền con người, trong đó có quy định trưng cầu ý dân. Theo đó, sẽ xác định những vấn đề quan trọng quốc gia, hay đặc biệt quan trọng của địa phương để xin ý kiến nhân dân xử lý như thế nào thông qua luật trưng cầu ý dân.

Nhưng phải xác định được là những việc nào thì cần trưng cầu ý dân, chứ không phải là mọi việc đều trưng cầu.

Đối với quyền bầu cử của công dân thì sao thưa ông?

TS Đinh Xuân Thảo: Bầu cử là quyền dân chủ trực tiếp quan trọng nhất, sau đó mới đến trưng cầu ý dân. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 dự kiến đưa ra thiết chế Hội đồng bầu cử quốc gia, là một cơ quan độc lập, thực hiện tổ chức bầu cử một cách khách quan. Cơ quan này vẫn tồn tại sau khi kết thúc bầu cử để xem xét, giải quyết những vấn đề liên quan đến các vị trí đã được bầu.