Bộ Tài chính thực hiện Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 1967/QĐ-BTC về triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Tại Quyết định này, Lãnh đạo Bộ Tài chính phân công các đơn vị chủ trì soạn thảo các dự án Luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 theo tiến độ hoàn thành.
Lãnh đạo Bộ cũng phân công các đơn vị chủ trì tham gia ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 do các bộ, ngành chủ trì nghiên cứu, soạn thảo.
Hiện có 3 dự án Luật được Bộ Tài chính chủ trì, soạn thảo đó là Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Các dự án luật này đều trình Quốc hội vào tháng 10/2024 và dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 5/2025.
Thủ trưởng các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo các dự án Luật thuộc trách nhiệm chủ trì của Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ để bảo đảm chất lượng và tiến độ quy định. Đồng thời, phải bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, lưu ý thực hiện các quy định liên quan đến hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Các đơn vị thực hiện đúng quy trình soạn thảo, trình tự trình dự án các cấp có thẩm quyền (Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội) từ việc tổng kết, đánh giá thực tiễn đến việc tổ chức lấy ý kiến tham gia (đặc biệt là việc lấy ý kiến tham gia của các đối tượng có liên quan đến việc thực thi Luật).
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của văn bản, trong đó phải nêu rõ các vấn đề chủ yếu được đặt ra và mục tiêu của chính sách dự kiến, từ đó hình thành các phương án và lựa chọn phương án tối ưu để giải quyết vấn đề trên cơ sở đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, môi trường, hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, tính toán tác động đến các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, khả năng tuân thủ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các tác động khác. Các đơn vị tổng hợp ý kiến tham gia, nghiên cứu tiếp thu và giải trình các ý kiến khi trình dự án Luật.