Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát chặt chẽ và tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững
Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022 được tổ chức sáng ngày 06/01/2022, trong năm qua dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, song nợ công vẫn tiếp tục được quản lý, kiểm soát chặt chẽ và thực hiện tái cơ cấu theo hướng bền vững.
Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội Kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm giai đoạn 2021-2025; Chương trình quản lý nợ công 3 năm 2021-2023 và Kế hoạch vay trả nợ công năm 2021; Hạn mức bảo lãnh Chính phủ và hạn mức vay về cho vay lại năm 2021. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành, tăng cường quản lý nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh; giám sát chặt chẽ nợ chính quyền địa phương, đảm bảo các chỉ số nợ năm 2021 trong phạm vi Quốc hội quyết định.
Cụ thể, Bộ Tài chính thực hiện đúng các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về khối lượng huy động và tỷ lệ phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) có thời hạn 5 năm trở lên. Tính đến 20/12/2021, khối lượng huy động TPCP là 313.243 tỷ đồng, bằng 89,5% kế hoạch huy động năm 2021 (350.000 tỷ đồng) và bằng 83,98% kế hoạch điều chỉnh (373.000 tỷ đồng); Đã phát hành 100% TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trong đó 91,62% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 10 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân đạt 13,90 năm, giảm 0,04 năm so với cuối năm 2020.
Đặc biệt, việc huy động kỳ hạn dài góp phần kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn, đảm bảo tính bền vững của danh mục nợ TPCP. Lãi suất phát hành TPCP đã được điều hành phù hợp cung cầu của thị trường và diễn biến thị trường tiền tệ. Theo đó, lãi suất phát hành trong năm 2021 có xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn, trung bình giảm từ 0,11%-0,46%/năm so với thời điểm cuối năm 2020, qua đó tiết kiệm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước.
Đối với trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và Trái phiếu Chính quyền địa phương, tính đến 20/12/2021, tổng khối lượng phát hành của 02 Ngân hàng Chính sách là 21.524 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 11.024 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành 10.500 tỷ đồng; không có địa phương nào huy động vốn từ phát hành Trái phiếu Chính quyền địa phương.
Bộ Tài chính cũng cho biết, công tác trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Lũy kế trả nợ nước ngoài đến ngày 31/12/2021 là 64.760,81 tỷ đồng, đảm bảo 100% nghĩa vụ trả nợ trực tiếp và gián tiếp của Chính phủ. Quản lý việc thu, chi của Quỹ Tích lũy trả nợ chặt chẽ, đúng quy định, công khai, minh bạch, công tác kế toán, lập báo cáo Quỹ, các nghiệp vụ phát sinh của Quỹ đã được phản ánh đầy đủ, kịp thời...
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã sử dụng hiệu quả các giải pháp quản lý nợ bền vững, Chương trình quản lý nợ trung hạn, kế hoạch vay, trả nợ hằng năm, quản lý chặt chẽ bảo lãnh Chính phủ và vay về cho vay lại; tăng cường giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương, qua đó, góp phần giảm nợ công.
Đến cuối năm 2021, dư nợ công khoảng 43,7% GDP, nợ Chính phủ khoảng 39,5% GDP, dư nợ vay nước ngoài quốc gia khoảng 39%GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ dưới 23% tổng thu ngân sách nhà nước, trong phạm vi giới hạn an toàn cho phép.