Bộ Tài chính trình Chính phủ Đề án thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu


TCTC Online - Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu kiểm soát nhập siêu, thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ xây dựng và hoàn thiện Đề án thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK). Ngày 13/7/2010, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về Đề án thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng triển khai và nhu cầu bảo hiểm tín dụng xuất khẩu Việt Nam, kết hợp với việc nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, Bộ Tài chính dự kiến phát triển bảo hiểm tín dụng xuất khẩu  theo hướng thí điểm trong 3 năm, với 21 mặt hàng thuộc 02 nhóm hàng hoá đang được khuyến khích xuất khẩu, phí bảo hiểm theo nguyên tắc thị trường, rủi ro được bảo hiểm là rủi ro thương mại. 

Do hiện nay trên thị trường có một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã và đang bắt đầu triển khai bảo hiểm tín dụng xuất khẩu dưới hình thức kết hợp với một tổ chức chuyên về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu lớn trên thế giới, vì vậy, Bộ Tài chính sẽ lựa chọn một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đáp ứng điều kiện để triển khai đề án. Ngoài ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia triển khai thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, Nhà nước có chính sách hỗ trợ chi phí cho giai đoạn đầu và hỗ trợ cho doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình triển khai bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc triển khai Đề án thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu có thể sẽ gặp những khó khăn nhất định. Ví dụ như, bên mua bảo hiểm sẽ khó chấp nhận ngay sản phẩm này, do đây là sản phẩm mới, doanh nghiệp chưa nhận thức được lợi ích của việc tham gia loại bảo hiểm này trong khi quan niệm việc mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ làm tăng chi phí, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm xuất khẩu và làm giảm lợi thế cạnh tranh. Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng muốn tham gia Đề án mặc dù đủ điều kiện, do điều này phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh cũng như tính toán hiệu quả kinh doanh của từng doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, với tiềm năng của thị trường tương đối lớn, sự quyết tâm của Chính phủ, các Bộ ngành, sự hỗ trợ của Nhà nước, và mong muốn triển khai của một số doanh nghiệp bảo hiểm  phi nhân thọ, tin rằng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ phát triển ở Việt Nam trong những năm tới./.