Bộ Tư pháp đề xuất thí điểm xây dựng chính sách về tiền ảo
Tại Báo cáo số 70/BC-BTP ngày 1/4/2020, Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ một số định hướng để xây dựng, hoàn thiện chính sách và khung pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ được phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain. Trong đó có tài sản ảo, thường có các tên gọi như “tiền ảo”, “tiền kỹ thuật số” hay “tiền mã hóa”.
Tại Báo cáo số 70/BC-BTP trình Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát khung pháp lý liên quan đến việc ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ được phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain, Bộ Tư pháp đánh giá tổng quan về công nghệ và quản trị trên nền tảng công nghệ blockchain; thực tiễn ứng dụng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ blockchain và kinh nghiệm quản lý của một số quốc gia trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam.
Dữ liệu từ website coin.dance cho thấy, khối lượng giao dịch theo tuần tại Việt Nam khoảng 1.800 tỷ đồng/tuần, trong khi đó, tại những thời kỳ đồng Bitcoin đạt giá đỉnh điểm vào năm 2018, khối lượng giao dịch mỗi tuần tại Việt Nam lên tới 4.600 tỷ đồng; năm 2019, có nhiều thời điểm lên tới 4.000 tỷ đồng/tuần.
Theo Bộ Tư pháp, các vướng mắc, bất cập về ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ blockchain ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính:
Thứ nhất, hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chưa có khung pháp lý liên quan đến huy động vốn qua việc phát hành tài sản mã hóa, tiền mã hóa; chưa có khung pháp lý về giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa, trong đó chủ yếu liên quan đến việc vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa.
Thứ hai, tại Việt Nam cũng chưa có hệ sinh thái khuyến khích ứng dụng, phát triển công nghệ blockchain, trong đó có việc các cơ quan nhà nước chưa thật sự tiên phong trong ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý nhà nước.
Khảo sát thực tiễn cho thấy, mặc dù chưa được pháp luật thừa nhận nhưng tổng khối lượng giao dịch các loại tiền ảo trên các sàn tiền ảo tại Việt Nam hiện nay rất lớn. Dữ liệu từ website coin.dance cho thấy, khối lượng giao dịch theo tuần tại Việt Nam khoảng 1.800 tỷ đồng/tuần, trong khi đó, tại những thời kỳ đồng Bitcoin đạt giá đỉnh điểm vào năm 2018, khối lượng giao dịch mỗi tuần tại Việt Nam lên tới 4.600 tỷ đồng; năm 2019, có nhiều thời điểm lên tới 4.000 tỷ đồng/tuần.
Theo đánh giá của Bộ Công an, hoạt động đầu tư giao dịch tiền ảo hiện nay là một trong những nguyên nhân gia tăng các loại tội phạm cũng như tình hình vi phạm pháp luật. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có khung pháp lý chính thức, rõ ràng về “tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”.
Những loại này cũng không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm, không phải là phương tiện thanh toán hay công cụ chuyển nhượng và chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của hệ thống pháp luật Việt Nam, dẫn đến việc cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật.
Đối với tội phạm, các tài sản có được sau khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều chuyển vào các sàn tiền ảo, gây khó khăn cho công tác điều tra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh, trật tự các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Từ thực tế đó, Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ một số định hướng để xây dựng, hoàn thiện chính sách và khung pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ được phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain. Theo đó, tạo môi trường tối ưu cho đổi mới sáng tạo nhưng cần đảm bảo tính trung lập về công nghệ theo hướng thị trường tự quyết định lựa chọn công nghệ; tận dụng khung pháp lý hiện hành để quản lý, xử lý các vấn đề liên quan nhưng cho phép các ngoại lệ hoặc ban hành các văn bản điều chỉnh (có thể mang tính thí điểm) trong trường hợp cần thiết.
Đồng thời, cần đẩy nhanh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thí điểm về phát hành và giao dịch của các tài sản mã hóa được hình thành trên nền tảng công nghệ blockchain cũng như cơ chế quản lý, xử lý việc sử dụng, trao đổi, đầu tư các tài sản này.
Tại Báo cáo số 70/BC-BTP, Bộ Tư pháp cũng đề xuất cơ quan nhà nước cần tiên phong trong việc ứng dụng thành tựu về khoa học, công nghệ trong đó có công nghệ blockchain để nâng cao hiệu quả hoạt động và đổi mới phương thức quản trị, điều hành cũng như cung ứng dịch vụ công.
Đồng thời, duy trì cơ chế trao đổi, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng phát triển công nghệ ở tầm quốc gia cũng như quốc tế để kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quá trình phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ blockchain.
Trước đó, năm 2017, Thủ tướng phê duyệt đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp xây dựng đề án và tham mưu cho Chính phủ trong vấn đề hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài sản ảo và tiền ảo. Đồng thời, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, tiếp tục nghiên cứu để sớm có khuôn khổ pháp lý chính thức cho hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo, tiền mã hóa.