"Bốc thuốc" cho nợ xấu

ThS. Phạm Tiến Hùng

(Tài chính) Nợ xấu và xử lý nợ xấu không còn là vấn đề mới, đã được bàn bạc và đề cập khá nhiều trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đây vẫn là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều khiến, dư luận quan tâm hơn khi đề án thành lập Công ty Mua bán nợ quốc gia đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gấp rút hoàn thiện…

"Bốc thuốc" cho nợ xấu
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thành lập công ty mua bán nợ quốc gia - nên hay không?

Việc thành lập các doanh nghiệp (DN) chuyên Mua bán nợ hoặc xử lý nợ xấu không có gì mới trong kinh tế thị trường. Song, việc thành lập một Công ty Mua bán nợ xấu tầm quốc gia thuộc NHNN, để mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại (NHTM) thì rất cần phải nghiên cứu, trao đổi kỹ hơn trên nhiều khía cạnh.

Công ty Mua bán nợ xấu thuộc NHNN được thành lập để làm gì là điều quan trọng nhất; cơ chế hoạt động và nguồn vốn công ty này để hoạt động cần được làm rõ. Bởi, khi mục đích chưa rõ ràng thì tính thuyết phục không thể cao, đặc biệt là trước thực trạng nợ xấu tại Việt Nam với rất nhiều vấn đề phức tạp đan xen, phát sinh thì sẽ khó có thể thuyết phục được dư luận.

Theo lý giải của NHNN, Công ty Mua bán nợ xấu được thành lập sẽ mua các khoản nợ xấu của các NHTM và tổ chức tín dụng khác. Hiệu quả mang lại là sẽ giúp cho tỷ lệ nợ xấu của các NHTM giảm đi, thậm chí đạt chuẩn quốc tế và báo cáo tài chính của các NHTM sẽ “đẹp” hơn lên nhiều lần.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với cách làm này, các khoản nợ xấu của các NHTM thực chất không biến mất mà chỉ chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác. Xét trong toàn hệ thống do NHNN quản lý thì vấn đề hoàn toàn không có gì thay đổi. Như vậy, mục đích “xử lý nợ xấu” của các NHTM chỉ đạt được về mặt hình thức.

Mặt khác, khi Công ty Mua bán nợ xấu mua một khoản nợ xấu của NHTM, chuyển DN vay vốn chưa trả được nợ sang thành “con nợ” của Công ty Mua bán nợ xấu, thực chất không có gì thay đổi, chỉ là hình thức chuyển chủ nợ. Các khoản nợ đã được đổi chủ, DN vẫn thiếu vốn có được tiếp tục vay ngân hàng nữa hay không? Nếu tiếp tục thì rõ ràng rủi ro sẽ tiềm ẩn và có thể sẽ phát sinh thêm khoản nợ mới của DN với ngân hàng. Điều quan trọng nữa là, sau khi Công ty Mua bán nợ quốc gia mua các khoản nợ rồi sẽ xử lý như thế nào để đạt được các mục tiêu kinh doanh của một DN. Cùng với đó là số vốn lên đến cả trăm tỷ đồng sẽ được lấy ở đâu trong bối cảnh hiện nay, nguồn ngân sách còn nhiều khó khăn. Cho dù phương án đưa ra là huy động vốn qua phát hành trái phiếu DN được bảo lãnh nhưng trong bối cảnh thị trường tài chính còn đối mặt với nhiều khó khăn thì với số vốn huy động cả trăm tỷ đồng khó có thể thành công.

Điều cần lưu ý là hiện nay ở nước ta đã có Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN - DATC (thuộc Bộ Tài chính) đã đi vào hoạt động được gần 10 năm và tương đối hiệu quả trong nghiệp vụ mua bán và xử lý nợ, tái cơ cấu DN. Vậy tại sao không thay vì lập một định chế tài chính mới bằng việc nâng tầm cho DATC thông qua tăng vốn điều lệ và hoàn thiện cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để DATC thực hiện sứ mệnh xử lý nợ xấu?

Nhìn nhận vai trò của DATC

Trước luồng dư luận về việc thành lập Công ty Mua bán nợ quốc gia, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã cho rằng: Nhà nước chỉ nên giữ vai trò là “bà đỡ”. Bởi nguồn gốc nợ xấu là từ các NHTM mà ra thì các ngân hàng phải tự mình chủ động tìm cách giải quyết. Năm nào các ngân hàng cũng báo cáo lãi hàng nghìn tỷ đồng, báo cáo nợ xấu thấp, trong mức an toàn, vậy tại sao có các khoản nợ mà Nhà nước phải vào cuộc xử lý. “Tôi không đồng tình với việc thành lập Công ty Mua bán nợ xấu theo đề xuất của NHNN. Nhà nước nên đứng ra với vai trò “bà đỡ”, tăng thêm lực cho DATC hoặc tạo cơ chế cho một Công ty Mua bán nợ do tư nhân thực hiện xử lý nợ xấu” ông Thành nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận rõ hơn nữa vai trò của DATC trong xử lý nợ xấu, tái cơ cấu DN và những gì DATC thực hiện trong suốt gần 10 năm qua. Những kinh nghiệm được đúc rút từ thực tế hoạt động cùng nền tảng nguồn nhân lực được tạo dựng là cơ sở vững chắc để hoàn toàn có thể tin tưởng khả năng của DATC trong xử lý nợ xấu, nếu được tăng “thêm lực”.

Năm 2012, DATC đã mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu thành công 9 DN; trong đó có 5 DNNN, 4 DN cổ phần. Trong bối cảnh cả nước sắp xếp được 21 DN, thì đây là con số hết sức ấn tượng.

Trong giai đoạn đầu hoạt động, DATC chủ yếu tập trung hoạt động tiếp nhận và xử lý nợ theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhưng từ năm 2007 đến nay, DATC đã thay đổi cơ bản chiến lược hoạt động kinh doanh, tập trung nguồn lực vào hoạt động mua - bán, xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DN.

Hướng đi này được DATC đã và đang thực hiện khá thành công tại hơn 100 DN. Nhiều DN trước khi tái cơ cấu có nợ quá hạn rất lớn, vốn chủ sở hữu gần như bị mất hết và đang đứng trên bờ vực phá sản, nhưng sau khi tái cơ cấu, phần lớn các DN đã ổn định và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, làm ăn có có lãi, có nguồn để trả nợ. DATC đã trực tiếp giúp các NHTM, các chủ nợ khác xử lý nợ thông qua việc mua lại khoản nợ xấu của các tổ chức này tại hàng chục DN với giá trị hơn 5.500 tỷ đồng, góp phần cải thiện và nâng cao năng lực tài chính, tăng cường tính an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng trong quá trình cải cách và hội nhập. Lũy kế từ năm 2004 đến hết năm 2012, DATC đã thực hiện 128 phương án mua bán nợ theo theo hình thức thỏa thuận và chỉ định của Thủ tướng Chính phủ để xử lý tài chính, tái cơ cấu DN và thu hồi nợ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, trong quá trình hoạt động Công ty vẫn gặp phải không ít khó khăn trong việc thực hiện mua để xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng của các DN. Mặc dù nợ xấu ở mức cao nhưng các ngân hàng vẫn không chịu chuyển giao hoặc bán cho DATC. Vì vậy, NHNN cần đưa ra biện pháp mạnh như yêu cầu tất cả các ngân hàng và tổ chức tín dụng duy trì nợ xấu dưới mức độ an toàn. Bất kỳ tổ chức nào có nợ xấu vượt quá mức độ cho phép phải bán hoặc chuyển giao nợ xấu cho DATC hoặc bị hạn chế một số hoạt động cho đến khi xử lý được nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống mức chấp nhận được để đảm bảo an toàn cả hệ thống tài chính ngân hàng.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 3 - 2013