Bốn quốc gia thử nghiệm thanh toán xuyên biên giới bằng đồng tiền số
Ngân hàng trung ương các nước Australia, Singapore, Malaysia và Nam Phi ngày 2/9 cho biết sẽ tiến hành thử nghiệm thanh toán xuyên biên giới bằng đồng tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành (CBDC), nhằm đánh giá tính kinh tế và tiện lợi mà nó mang lại cho các hoạt động giao dịch.
Nhiều chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới đang nghiên cứu phương án sử dụng CBDC – hình thức số hóa các đồng tiền truyền thống, một trong số đó là Trung Quốc.
Quốc gia này đang thử nghiệm các CBDC bán lẻ - được thiết kế để thay thế tiền mặt trong lưu thông, trong khi số quốc gia khác lại đang cân nhắc sử dụng các CBDC bán buôn nhằm cải thiện hoạt động nội bộ của các hệ thống tài chính của họ.
Hầu hết các dự án mới chỉ đang ở giai đoạn đầu và được triển khai chủ yếu ở trong nước, bởi việc thiết lập các quy tắc và khuôn khổ toàn cầu quy định cách thức mà các CBDC có thể được sử dụng trên phạm vi quốc tế là một vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật, và còn có thể liên quan đến cả chính trị nữa.
Theo thông cáo được bốn ngân hàng trung ương cùng Trung tâm Đổi mới của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đưa ra, dự án mới nhất này nhằm mục đích phát triển các nền tảng chung cho các giao dịch xuyên biên giới đa CBDC (mCBDC).
Cụ thể, các nền tảng này sẽ cho phép các tổ chức tài chính giao dịch trực tiếp với nhau thông qua các CBDC. Điều này được cho là có thể giúp loại bỏ nhu cầu trung gian và giảm thời gian và chi phí giao dịch.
“Nền tảng kết nối đa CBDC có tiềm năng đi tắt đón đầu các thỏa thuận thanh toán di sản thừa kế và đặt nền móng cho một nền tảng thanh toán quốc tế hiệu quả hơn,” ông Fraziali Ismail, trợ lý Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) cho hay.
Ngoài dự án trên, một dự án khác do BIS khởi xướng nhằm nghiên cứu việc sử dụng CBDC cho các thanh toán xuyên biên giới cũng đang được tiến hành với sự tham gia của ngân hàng trung ương bốn quốc gia và vùng lãnh thổ Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan và Các tiểu Vương quốc A-rập thống nhất.