Bóng ma giảm phát đe dọa Eurozone
(Tài chính) Dù đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nợ công, song châu Âu vẫn chưa thể lạc quan khi nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Ngay trong những ngày đầu năm mới 2015, đồng euro đã giảm giá thấp nhất so với đồng USD trong gần 9 năm qua. Nguy cơ giảm phát đang phủ bóng đen lên Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Sự sụt giảm nguy hiểm trên chủ yếu do giá dầu hạ. Giá năng lượng ở Eurozone đã giảm mạnh tới 6,3% trong tháng 12/2014, tức là giảm hơn 2,6% so với tháng trước đó. Xu hướng giá giảm kéo theo tâm lý trì hoãn chi tiêu, chờ đợi giá cả sẽ xuống mức có lợi hơn nữa, và dẫn đến tình trạng giảm phát.
Về nguyên nhân khiến đồng euro giảm giá, theo các nhà kinh tế, cho đến thời điểm này có khá nhiều lý do. Một là, những yếu tố tiêu cực vẫn đang tạo áp lực lên nền kinh tế của Cựu lục địa. Dù thời gian gần đây, xuất hiện một số tín hiệu lạc quan từ các nền kinh tế được cho là mắt xích yếu của Eurozone, song đà phục hồi chậm chạp của các đầu tàu kinh tế vẫn không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường. Hai là, do chính sách lãi suất của châu Âu và Mỹ. Trong khi ECB muốn tiếp tục giữ lãi suất thấp (0,05%) trong một thời gian dài nữa ở khu vực Eurozone, thì FED dự định nâng lãi suất cơ bản, vốn được duy trì ở mức gần như bằng 0% trong 6 năm qua. Chính sách này của ECB và FED cũng như những bất ổn trên thế giới khiến các nhà đầu tư lại tìm đến với đồng USD. Điều này đã đẩy giá đồng USD tăng cao lên hơn trước so với các đồng tiền chủ chốt khác. Ba là, những dấu hiệu bất ổn về chính trị cũng có tác động không nhỏ tới giá trị của đồng euro. Theo một số nhà phân tích, chính sự “bất lực” của Chính phủ các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đối với việc đẩy nhanh tốc độ cải thiện tình trạng kinh tế yếu kém đang khiến các cử tri mất dần sự kiên nhẫn đối với chính sách thắt lưng buộc bụng, tạo điều kiện cho các đảng phái đối lập đảo ngược tình thế. Và khi chính trị không ổn định sẽ khiến các nền kinh tế khó phát triển, đồng tiền dễ bị mất giá.
Một số chuyên gia cho rằng, đáng lo ngại nhất hiện nay ở châu Âu là tình hình bất ổn chính trị đang diễn ra ở đất nước Hy Lạp. Kết quả bầu cử Quốc hội khóa mới ngày 25/1 tới ở Athens có thể dẫn đến sự bất ổn trong thị trường tài chính, tạo áp lực mới cho châu Âu. Bởi theo dự đoán, đảng cánh tả đối lập Syriza sẽ thắng cử trong cuộc bầu cử lần này và trở thành lực lượng chính trị mạnh nhất tại Hy Lạp. Khi đó, một Chính phủ mới của Hy Lạp sẽ được thành lập và Athens sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán với Eurozone về chương trình tái cơ cấu các khoản nợ, điều mà Syriza đã hứa hẹn với các cử tri. Các cuộc đàm phán mới này được giới quan sát nhận định sẽ diễn ra không suôn sẻ và nếu như các bất đồng không thể giải quyết, Chính phủ mới của Hy Lạp có thể sẽ từ bỏ chương trình nhận cứu trợ và ngừng trả các khoản nợ nước ngoài. Nếu điều này xảy ra, Hy Lạp rời khỏi Eurozone sẽ không còn xa. Cuối cùng, giá dầu thế giới ngày càng giảm thấp cũng là một trong những yếu tố gây bất lợi cho đồng Euro. Việc giá dầu thế giới suy giảm đã làm gia tăng mối lo ngại về tình trạng thiểu phát, giá cả giảm sút, khiến các nền kinh tế tại khu vực châu Âu và trên thế giới mất đi động lực tăng trưởng...
Trước tình hình trên, Chủ tịch ECB Draghi cho biết có thể ECB sẽ thực hiện gói nới lỏng định lượng (QE) nhằm giảm bớt nguy cơ giảm phát của khu vực này và kìm hãm sự trượt giá mạnh của đồng euro so với đồng USD. Dự kiến kế hoạch này sẽ được đưa ra trước kỳ họp tiếp theo của ECB vào ngày 22/1 tới. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn đang được cân nhắc bởi tính hai mặt của việc bơm thêm tiền mặt vào hệ thống tài chính của Eurozone. Một mặt, gói kích thích này sẽ tạo thêm sức sống cho các hoạt động kinh tế. Mặt khác, nó sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình giảm giá đồng tiền chung, tạo thuận lợi cả cho xuất khẩu và lạm phát, do hàng xuất khẩu của Eurozone sẽ có tính cạnh tranh cao hơn trong khi giá cả hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu sẽ tăng lên. Theo các chuyên gia, việc bơm thêm tiền mặt vào thị trường sẽ gieo mầm cho một cuộc khủng hoảng trong tương lai. Đó là chưa kể đến việc nếu ECB thực hiện gói kích thích EQ thông qua hình thức mua lại trái phiếu chính phủ của các nước châu Âu đang khủng hoảng như Hy Lạp, Tây Ban Nha thì giá trị của đồng euro sẽ lại càng giảm mạnh bởi phải gánh chịu thêm nhiều rủi ro.