Năm 2011, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động công bố tỷ lệ nợ xấu trong các ngân hàng. Theo đó, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng ở mức 3,6 - 3,8% tổng dư nợ. Con số này tới cuối năm 2012, theo công bố của NHNN là 4,08 %, cho dù theo các tổ chức đánh giá độc lập thì con số thực tế cao hơn nhiều.
Bước sang năm 2013, tỷ lệ nợ xấu vẫn tiếp tục tăng cao, chạm mức 4,67% vào tháng 4/2013. Tuy nhiên, con số mà NHNN vừa cập nhật tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng tính đến tháng 6/2013 chỉ còn ở mức 4,46%, giảm đáng kể so với mức 4,65% tính đến cuối tháng 5/2013.
Dữ liệu cập nhật mới nhất cho thấy, nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp với mức đáng kể...
Tuy nhiên, con số trên được NHNN cập nhật trên cơ sở báo cáo định kỳ của các TCTD. Còn con số qua giám sát từ xa của cơ quan này, thường cao hơn nhiều, và hiện chưa có công bố chính thức để so sánh. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng lo ngại, con số thực mà các ngân hàng chưa công bố còn cao hơn mức trên không ít. Vì vậy, trên thực tế, nợ xấu vẫn là vấn đề đáng báo động.
Hiện tại, đã có khoảng 15 ngân hàng công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm. Trong số các ngân hàng đã niêm yết thì tỷ lệ nợ xấu của SHB đang dẫn đầu với 9%, tiếp đến là Navibank với 6,1% và TechcomBank (5,28%). Các ngân hàng còn lại đều có nợ xấu dưới 3% như ACB 2,99%; Sacombank 2,55%; Vietinbank 2,1%; Vietcombank 2,81%; Eximbank 1,49% và MB 2,44%.
Như vậy, theo báo cáo của các ngân hàng, nợ xấu có vẻ đã giảm khi hầu hết ngân hàng đều có tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3%- mức được xem là an toàn, nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, theo tính toán, các ngân hàng này chiếm khoảng 75% tổng dư nợ của toàn hệ thống. Điều này cho thấy, các khoản nợ xấu vẫn đáng lo ngại, đặc biệt là sự gia tăng liên tục của nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Tại thời điểm 30/06/2013, nợ nhóm 5 đã chiếm gần 50% tổng nợ xấu của các ngân hàng này, tức là chỉ tính riêng với nhóm các ngân hàng niêm yết đã lên tới hơn 14 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, kết quả khảo sát mới đây của Vụ Dự báo thống kê tiền tệ, NHNN cho thấy, trong số 124 TCTD tham gia khảo sát, có khoảng 30 TCTD khai báo tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 3%, chiếm khoảng 1/4 số lượng TCTD hiện nay. Báo cáo cũng cho thấy, có tới trên 50% TCTD dự kiến tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2013 sẽ không đổi hoặc tăng so với cuối năm 2012.
Tái cấu trúc ngân hàng Việt Nam đang ở điểm nào?
Xử lý nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng là 2 nhiệm vụ song song để phục hồi hoạt động trì trệ của ngành ngân hàng trong nước. Mục tiêu của Chính phủ là xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu ngân hàng thương mại cổ phần. Có xử lý tốt vấn đề nợ xấu thì việc tái cấu trúc ngành Ngân hàng mới diễn ra thuận lợi và ngược lại.
Báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam 2013 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố gần đây cho thấy, ở khu vực tài chính ngân hàng, tuy những rủi ro về hệ thống đã có phần được cải thiện nhưng quá trình cải cách và tái cơ cấu ở khu vực này vẫn còn mong manh, chưa được thực hiện quyết liệt.
Cải cách mạnh mẽ các ngân hàng là vấn đề cần phải được triển khai quyết liệt hơn nữa. Thực ra, nếu chúng ta cản trở những hoạt động hay hạn chế việc cho vay thì chính là đã hạn chế việc đưa luồng vốn vào ổn định kinh tế. Như vậy, nó sẽ làm chậm lại quá trình phát triển và tăng trưởng. Các chuyên gia của WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, ngân hàng thương mại Nhà nước cần phải có những cải cách, cải thiện hơn nữa để nâng cao năng lực.
Bên cạnh đó, phần lớn những khách hàng lớn của ngân hàng thương mại Nhà nước lại chính là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Do đó, cải cách phải song song việc cải cách khối ngân hàng thương mại Nhà nước với cải cách các DNNN. Tuy nhiên, báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam 2013 của WB cũng cho thấy tiến độ cải cách và tái cơ cấu các DNNN vẫn hết sức chậm chạp sau 2 năm kể từ khi Chính phủ phê duyệt chủ trương và lộ trình cải cách.
WB cho rằng, về tiến độ, việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) là bước đi rõ nhất của Chính phủ trong quyết tâm giải quyết vấn đề nợ xấu. Song nhiều chuyên gia tài chính trong nước và quốc tế lại tỏ ra hoài nghi khi cho rằng VAMC chỉ là “giải pháp niềm tin” khi vốn điều lệ của VAMC chỉ là 500 tỷ đồng, ít hơn 1% so với một nửa tổng số nợ xấu cần phải mua. Đến nay, chưa có khoản nợ nào được chuyển nhượng từ TCTD cho VAMC, do công ty này vừa mới khai trương hoạt động từ ngày 26/7/2013 và đang chờ Thông tư hướng dẫn cụ thể việc mua bán, xử lý nợ xấu.
Một chuyên gia của WB cũng cho rằng, khi nguồn lực trong nước còn hạn chế thì việc kêu gọi các công ty nước ngoài mua lại nợ xấu hay đầu tư vốn vào các ngân hàng để bù lỗ và tăng tính thanh khoản cũng là một phương án tốt giúp dọn dẹp nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam hiện bị giới hạn ở mức 20% và mới được nâng lên là 30%, nhưng chỉ trong "trường hợp đặc biệt" với các ngân hàng được đánh giá là yếu.
Điều này cùng với nhiều rối rắm về pháp luật của các tài sản bất động sản với tính minh bạch không cao của các ngân hàng khiến cho các đối tác nước ngoài cũng khó có thể dễ dàng mua, bán nợ xấu của các ngân hàng trong nước.
Bên cạnh thành lập VAMC, sáp nhập các ngân hàng cũng là một trong những biện pháp được áp dụng để giải quyết nợ xấu và hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.
Trên thực tế, một số ngân hàng yếu trong năm 2011 đã được yêu cầu phải sáp nhập. Nhưng câu hỏi đặt ra là khi sáp nhập các ngân hàng yếu vào nhau thì sẽ có được gì? Liệu có thể tạo ra được một ngân hàng mạnh từ nền tảng là yếu hay sẽ có thêm một ngân hàng yếu to hơn? Trừ khi các ngân hàng này cải thiện được hiệu quả, hiệu suất hoạt động, quy trình quản trị và ngân hàng thực sự giải quyết được những khoản nợ xấu trong quá khứ, đồng thời, nhận được thêm những nguồn vốn mới và khơi thông nguồn vốn thì mới cải thiện được các ngân hàng yếu kém từ “lợn què” thành “lợn lành” được. Nếu không thì vẫn sẽ là mớ "bòng bong", gánh nặng cho NHNN giải quyết.
Ngày 23/8/2013, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã ký Quyết định số 1085/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng về xử lý nợ xấu. Kế hoạch hành động này nhằm triển khai thực hiện đề án của Thủ tướng Chính phủ về “Xử lý nợ xấu của các TCTD” và đề án “thành lập VAMC”.
Với kế hoạch trên, NHNN đã đề ra các nội dung công việc cụ thể, giao nhiệm vụ chủ trì triển khai thực hiện từng công việc cho các đơn vị như Vụ, Cục, chi nhánh NHNN, các TCTD, các khách hàng vay của TCTD và quy định thời gian hoàn thành công việc. Điều này thể hiện sự quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu.
Giải pháp xử lý nợ xấu
Giải quyết vấn đề nợ xấu vẫn là bài toán nan giải của ngành Ngân hàng và của Chính phủ Việt Nam. Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 3% vào năm 2015 và quản lý tốt nợ xấu trong dài hạn, xử lý nợ xấu không thể chỉ được giải quyết thông qua một vài công cụ là VAMC hay sáp nhập các ngân hàng… NHNN cần có những điều chỉnh linh hoạt để giúp giảm thiểu tổn thương ở khu vực này.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần phải xây dựng chiến lược xử lý nợ xấu trong dài hạn. Trong quá trình xây dựng chiến lược dài hạn, Chính phủ và NHNN cần học thêm những điểm mạnh trong mô hình quản lý nợ xấu của một số nước trên thế giới. Ví dụ như Australia, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã chú trọng giải quyết nợ xấu thông qua việc áp dụng cả ba nhóm giải pháp: thể chế, pháp lý và tài chính. Nguyên tắc minh bạch hóa trong quản lý nợ xấu luôn được chú trọng trong mô hình của các nước.
Đặc biệt, do VAMC mới đi vào hoạt động, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này và chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề phát sinh giữa các chủ thể liên quan tới hoạt động thu, mua nợ, nên Việt Nam cần chủ động xây dựng các quy định và quy chế giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan tới hoạt động này.
Kinh nghiệm quản lý thu, mua nợ của nước ngoài
Việt Nam có thể cân nhắc học hỏi kinh nghiệm của Australia về xử lý nợ xấu.
Australia là một quốc gia phát triển với GDP bình quân đầu người năm 2012 là 67.000 USD và có nhiều kinh nghiệm trong quản lý thu, mua nợ. Australia đã giao hai cơ quan chịu trách nhiệm ban hành pháp luật và quản lý, giám sát thu, mua nợ xấu là Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (ACCC) và Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán (ASIC). ACCC chịu trách nhiệm về các khoản nợ phát sinh từ việc cung cấp các hàng hóa và dịch vụ phi tài chính. ASIC chịu trách nhiệm về thu, mua các khoản nợ phát sinh từ các dịch vụ tài chính.
Hai cơ quan này giám sát và báo cáo định kỳ về hoạt động của tất cả các chủ thể liên quan thu, mua như Hiệp hội các tổ chức thu, mua nợ, Hiệp hội các cơ quan điều tra, Hiệp hội thương mại… Hai cơ quan này chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất những giải pháp tối thiểu hóa những hành vi thu, mua nợ bất hợp pháp. Để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của hệ thống, hai cơ quan này có trách nhiệm công khai các luật và quy định về thu, mua nợ.
Đồng thời, hai cơ quan này tiếp nhận và xử lý những khiếu nại, ví dụ như khiếu nại của các cơ quan mua nợ về việc không được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan tới khoản nợ. Đặc biệt, để giám sát hoạt động thu mua, khuyến khích việc đưa ra nhiều sáng kiến về thu, mua nợ xấu, năm 2008, hai cơ quan này còn cung cấp dịch vụ đường dây nóng để mọi người gọi điện, phán ánh các hành vi và vấn đề phát sinh trong quá trình thu mua nợ...
Như vậy, từ kinh nghiệm của Australia, Việt Nam có thể tham khảo áp dụng một số giải pháp như: xây dựng pháp luật, hướng dẫn về thu, mua nợ; phân công rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến thu mua nợ; quy định các hành vi bị cấm như hù dọa, cố tình làm con nợ hiểu sai về hậu quả của việc không thanh toán….
Đồng thời, xây dựng quy chế tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng các đơn khiếu nại về các hành vi phạm pháp trong thu, mua nợ; đảm bảo nguyên tắc minh bạch thông qua việc công khai các quy định về thu, mua nợ; đặc biệt là xây dựng đường dây nóng để giải đáp các mắc thắc trong các quy định thu, mua nợ và giải quyết các bức xúc liên quan tới thu, mua nợ và để tiếp nhận các góp ý của mọi người về việc hoàn thiện hệ thống thu, mua nợ. Đường dây nóng là một biện pháp quan trọng để Chính phủ nâng cao hiệu quả hoạt động thu, mua nợ, thể hiện kiên quyết của Chính phủ trong vấn đề này và nâng cao niềm tin của xã hội đối với quyết tâm này của Chính phủ.
Tài liệu tham khảo
1. World bank (2013) Báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam 2013;
2. Định hướng chiến lược kinh tế Việt Nam 2013- 2015 - GS., TS. Phùng Hữu Phú (Hội đồng Lý luận Trung ương);
3. International Monetary Fund (2002) ‘The Design of the Sovereign Debt Restructuring Mechanism-Further Considerations’, prepared by the Legal and Policy Development and Review Departments;
4. Gianviti, F Krueger, A Sapir, J Haren, R 2010, A European mechanism for sovereign debt crisis resolution: a proposal, Bruegel Blueprint Series, Bruegel;
5. Australian Competition and Consumer Commission, Australian Securities and Investments Commission 2009, Debt collection practices in Australia
Summary of stakeholder consultation.
“Bức tranh” nợ xấu giai đoạn 2011 - 2013?
(Tài chính) Nợ xấu được ví như “cục máu đông” có thể gây tắc nghẽn hoạt động của hệ thống ngân hàng và cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Liệu hai giải pháp chính mà Chính phủ đang đẩy mạnh áp dụng - cải cách hệ thống ngân hàng và thành lập Công ty Mua bán nợ quốc gia (VAMC) - có đủ giúp Việt Nam xử lý hiệu quản nợ xấu trong dài hạn hay không?
Xem thêm