"Bức tranh" toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng

Theo N. Thoan/nhadautu.vn

Đã có 26 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý II với tổng lợi nhuận quý II gần 47.000 tỷ đồng; luỹ kế 6 tháng đạt gần 99.000 tỷ đồng. Trong đó các ngân hàng có quy mô nhỏ nổi lên với mức trăng trưởng lợi nhuận vượt trội được tính bằng lần so với cùng kỳ năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đã có 26 ngân hàng niêm yết BCTC quý II/2021 với lợi nhuận nhìn chung đều tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt với nhóm các ngân hàng vừa và nhỏ. 24/26 ngân hàng báo lợi nhuận quý II tăng và chỉ có 2 ngân hàng báo lợi nhuận giảm là VietinBank và Vietcombank.

Cụ thể, tổng lợi nhuận 26 ngân hàng trong quý II/2021 là gần 47.000 tỷ đồng. Dẫn đầu bảng là Techcombank với lợi nhuận trước thuế đạt 6.018 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Vị trí số 2 thuộc về VPBank với lợi nhuận trước thuế là 5.031 tỷ đồng, tăng 37%.

Trong cuộc đua lợi nhuận quý II có thể thấy sự tụt lại của các ông lớn quốc doanh như Vietcombank hay VietinBank. Đây cũng là 2 ngân hàng duy nhất trong hệ thống có lợi nhuận giảm trong quý II với mức giảm lần lượt là 14% và 38%. Theo đó Vietcombank báo lợi nhuận quý II 4.938 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng lợi nhuận; VietinBank báo lãi trước thuế 2.790 tỷ đồng, đứng vị trí thứ 7, xếp sau cả BIDV, MB và ACB.

"Bức tranh" toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng - Ảnh 1



Đáng chú ý, trong quý II/2021 là sự nổi lên của nhiều ngân hàng quy mô vừa và nhỏ với lợi nhuận tăng trưởng bằng lần như NCB, Vietcapitalbank, Nam A Bank, EximBank, Kienlongbank, Eximbank, Sacombank, MSB, ABBank... Dẫn đầu mức tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng quý II là ngân hàng Bản Việt với mức tăng gấp 14 lần cùng kỳ; tiếp sau là NCB với mức tăng trưởng 12 lần. Nam Á Bank cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý II lên tới 10,5 lần cùng kỳ năm trước.

"Bức tranh" toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng - Ảnh 2

Mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong quý II cũng tác động lớn tới lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của các ngân hàng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận của 26 ngân hàng niêm yết là gần 99.000 tỷ đồng. Trong đó, những ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận bằng lần vẫn thuộc về nhóm ngân hàng vừa và nhỏ như: NCB, Vietcapitalbank, Nam A Bank, SeABank, MSB hay Lienvietpostbank. 

"Bức tranh" toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng - Ảnh 3

Tính chung 6 tháng đầu năm, nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn dẫn đầu bảng lợi nhuận trước thuế. Theo đó, Vietcombank đứng đầu với 13.569 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ 2020. Tiếp sau là Techcombank, Vietinbank, VPBank và BIDV.

"Bức tranh" toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng - Ảnh 4

Quan sát kỹ hơn BCTC quý II/2021 của các ngân hàng có thể thấy: Đa phần các ngân hàng có quy mô tài sản lớn, dẫn đầu hệ thống đều tăng mạnh trích lập dự phòng và ngược lại các ngân hàng có quy mô nhỏ lại giảm mạnh trích lập dự phòng. Tăng trích lập dự phòng có thể  làm suy giảm lợi nhuận của nhóm các ngân hàng lớn  nhưng lại là "của để dành" trong những tháng cuối năm khi nợ xấu được tích cực thu hồi.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của một số ngân hàng quốc doanh trong quý II còn lớn hơn cả lợi nhuận trước thuế như: BIDV tăng chi phí dự phòng rủi ro lên tới 8.251 tỷ đồng, gần gấp đôi con số lợi nhuận quý II; hay VietinBank tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 7.106 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ và gần đôi lợi nhuận quý II. Vietcombank cũng tăng mạnh trích lập dự phòng tăng 73% lên mức 3.225 tỷ đồng.

Việc tăng mạnh trích lập dự phòng cho thấy các ngân hàng lớn đang thận trọng hơn với nợ xấu. Lãnh đạo Vietcombank cho biết sẽ là đơn vị đầu tiên hoàn thành trích lập nợ tái cơ cấu mà không cần tới 3 năm như Thông tư 03. Đây cũng là ngân hàng có tỷ lệ bao nợ xấu lớn nhất là 350%.

Theo quy định tại Thông tư 03 của NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các ngân hàng có thể lựa chọn phương án trích lập dự phòng rủi ro với mức tối thiểu 30% trong năm 2021. 70% còn lại có thể trích lập tiếp vào các năm 2022, 2023. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng lựa chọn trích lập phần lớn hoặc toàn bộ dự phòng rủi ro cho các khoản vay đã quá hạn thay vì áp dụng Thông tư 03. Lựa chọn này có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng trong ngắn hạn nhưng về dài hạn thì lại có lợi hơn so với nhóm còn lại.

Cho đến hết quý II đã có sự phân hoá trong trích lập dự phòng của các ngân hàng. Trong khi các nhóm quy mô tài sản, vốn hoá lớn tăng mạnh trích lập dự phòng thì nhóm ngân hàng nhỏ lại giảm mạnh trích lập dự phòng như: Bac A Bank, Eximbank, Nam A Bank, MSB, NCB.