Bước ngoặt cho chất lượng hoạt động ngân hàng
(Tài chính) Theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, Thông tư 36/2014/TT-NHNN (TT 36) đã bổ sung rất nhiều quy định tác động đến hoạt động, độ an toàn của hệ thống ngân hàng. Một trong những quy định quan trọng đó là yêu cầu xác định giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp và việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm khi giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp giảm thấp hơn mức vốn pháp định.
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trước đây, chúng ta cứ tập trung vào vốn điều lệ (VĐL) của NH này là 3.000 tỷ đồng hay 7.000 tỷ đồng… Nhưng VĐL chỉ là vốn đăng ký trên giấy tờ được cấp chứ không phải là vốn tự có, vốn chủ sở hữu (CSH) thực. Vốn CSH bằng VĐL cộng lợi nhuận tích lũy và các quỹ khác. Đây mới là vốn tự có thực sự của NH. Mà VĐL sau khi đăng ký và trong quá trình hoạt động có thể được bổ sung tăng lên nhưng có thể giảm đi. Và trên thực tế thời gian qua có nhiều trường hợp NH có VĐL từ 3.000 đến 5.000 tỷ đồng nhưng thực chất vốn CSH thấp hơn rất nhiều. Nên việc đưa ra quy định giá trị thực của VĐL, vốn được cấp của các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài là bước tiến rất lớn của NHNN. Đây là điều rất quan trọng.
Cụ thể theo khoản 3 Điều 6 của Thông tư 36, giá trị thực của VĐL, vốn được cấp được xác định bằng VĐL thực góp, vốn được cấp, cộng (trừ) lợi nhuận chưa phân phối (lỗ lũy kế chưa xử lý), các quỹ trích từ lợi nhuận sau thuế trừ quỹ khen thưởng, phúc lợi và thưởng của ban điều hành.
Như vậy bằng quy định này, sẽ loại bỏ được vốn ảo và là thước đo năng lực của các tổ chức tín dụng?
Chắc chắn như vậy rồi. Vì NHNN đã đưa quy định rất cụ thể đảm bảo giá trị thực của vốn. Trong tương lai, tôi đề nghị tất cả giới hạn % quy định cho vay, đầu tư sẽ căn cứ trên vốn tự có thay vì VĐL như hiện nay. Bởi theo công ước quốc tế, quy định Basel… chỉ tập trung những quy định dựa trên vốn tự có, vốn CSH.
Trên thế giới, NHTW đều đánh giá năng lực tài chính của các NH dựa trên trên giá trị thực của VĐL tức là vốn tự có. Giá trị thực VĐL, vốn được cấp làm cơ sở đánh giá năng lực tài chính, vốn CSH của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, đồng thời xác định đúng các tỷ lệ bảo đảm an toàn, phục vụ quá trình quản lý, giám sát, tái cơ cấu của NHNN. Nên tôi nhấn mạnh, đây được coi là bước ngoặt trong vấn đề đi vào thực chất tuyệt đối của ngành NH.
Ngân hàng Nhà nước đưa một số biện pháp xử lý các tổ chức tín dụng khi vốn điều lệ, được cấp thấp hơn vốn pháp định, thậm chí thu hồi giấy phép. Biện pháp này có đủ răn đe các ngân hàng vi phạm không, thưa ông?
Tôi nghĩ đó là biện pháp mạnh và cần phải làm như vậy. Khi vốn thực của một NH mà dưới 1/3 mức vốn pháp định thì NH đó đang trong tình trạng khó khăn thanh khoản. Còn nếu VĐL, vốn được cấp thấp dưới 50% vốn pháp định là NH đó đang chuẩn bị phá sản. Ở đây, NHNN đưa ra quy định tùy theo mức độ giảm giá trị thực của VĐL, vốn được cấp so với mức vốn pháp định như yêu cầu xây dựng và tự triển khai thực hiện phương án xử lý bổ sung vốn; kiểm tra, thanh tra hoặc yêu cầu TCTD, chi nhánh NH nước ngoài thực hiện kiểm toán độc lập để xác định giá trị thực của VĐL, vốn được cấp…
Đặc biệt, trong trường hợp nếu TCTD, chi nhánh NH nước ngoài có giá trị thực của VĐL, vốn được cấp thấp dưới 50% mức vốn pháp định và kéo dài trạng thái như vậy trong vòng 6 tháng thì sẽ áp dụng các biện pháp tái cơ cấu theo quy định của pháp luật, thu hồi giấy phép là điều hết sức quan trọng.
Như tại Mỹ họ không sử dụng chỉ tiêu VĐL để đánh giá năng lực tài chính của NH mà dùng chỉ số an toàn vốn (CAR) nhưng họ cũng đưa ra nhiều nấc xử lý đối với các NH không đảm bảo an toàn hoạt động. Ví dụ: mức CAR tối thiểu cho vốn CSH của NH được quy định tại Mỹ là 8%. Khi chỉ số này xuống đến 5% thì Cơ quan Thanh tra giám sát NH có trách nhiệm báo động NH đó phải bổ sung vốn tự có để đảm bảo tỷ lệ CAR tối thiểu. Nếu chỉ số CAR xuống mức 3 – 5%, các NH đó sẽ bị cảnh cáo, báo động có thể bị đóng cửa, thu hồi giấy phép. Còn khi mà tỷ lệ CAR/vốn CSH thụt xuống dưới 3% thì trong bất kỳ lúc nào NH đó có thể bị đóng cửa.
Xin cảm ơn ông!