"Bước ngoặt" thanh toán chi phí khám, chữa bệnh
Từ ngày 1/7, toàn quốc đã chính thức áp dụng phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo định suất. Đây là dấu ấn quan trọng trong quá trình tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) tại Việt Nam, “bước ngoặt” thay đổi toàn diện về phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, đổi mới về tư duy nhận thức, trách nhiệm sử dụng hiệu quả và quản lý Quỹ khám, chữa bệnh BHYT...
Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn, mặc dù Quỹ khám, chữa bệnh BHYT liên tục bội chi trong những năm gần đây nhưng vẫn được cân đối trong ngắn hạn, thẻ BHYT đã trở thành “phao cứu sinh”, giải pháp tài chính cho hầu hết người dân đi khám, chữa bệnh..
Để bảo đảm Quỹ khám, chữa bệnh BHYT được sử dụng hiệu quả và kiểm soát tốt nguồn quỹ, giải pháp căn cơ là phải thay đổi phương thức thanh toán. Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng chủ yếu là phương thức thanh toán theo phí dịch vụ (FFS), mặc dù phương thức này đã được nghiên cứu, bổ sung để nâng cao hiệu quả, FFS vẫn được cả thế giới thừa nhận là lạc hậu, chất chứa nhiều nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến Quỹ BHYT và cả quyền lợi của người bệnh...
“Bản thân phương thức chi trả chi phí khám, chữa bệnh theo định suất không phải là phương thức mới trên thế giới, cũng có những mâu thuẫn, “rủi ro” giữa cơ quan BHXH với cơ sở y tế. Tuy nhiên, đây là con đường trước mắt phù hợp với Việt Nam, với thực tế quản lý Quỹ BHYT tại Việt Nam hiện nay” - Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn phân tích.
Sau một quá trình nghiên cứu, thảo luận và căn cứ thực tế thí điểm phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo định suất tại 3 tỉnh, thành là Cần Thơ, Quảng Ninh, Yên Bái, Thông tư số 04/2021/TT-BYT hướng dẫn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo định suất, đã chính thức được ban hành và có hiệu lực từ 1/7/2021.
Theo Thông tư này, trong năm 2021, phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo định suất sẽ áp dụng cho các cơ sở khám, chữa bệnh có hợp đồng với cơ quan BHXH từ năm 2019 trở về trước (theo hướng dẫn, Thông tư số 04/2021/TT-BYT không áp dụng đối với cơ sở khám, chữa bệnh mới ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT trong năm trước liền kề).
Cụ thể, phạm vi định suất đối với cơ sở từ tuyến huyện trở xuống là toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh ngoại trú phát sinh tại cơ sở y tế của người tham gia BHYT; phạm vi định suất đối với cơ sở tuyến tỉnh, tuyến Trung ương áp dụng đối với tất cả cơ sở mà người bệnh có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh ngoại trú trong phạm vi định suất của người bệnh đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu phát sinh tại cơ sở.
Đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT là đổi mới về tư duy nhận thức, về trách nhiệm sử dụng hiệu quả và quản lý Quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Chắc chắn, sẽ còn nhiều khó khăn để tạo nên nhận thức chung giữa tất cả các bên, tuy nhiên quan điểm thống nhất đầu tiên là lấy người dân làm trung tâm.
Bất kỳ phương thức mới nào cũng cần vừa làm, vừa tiếp tục rút kinh nghiệm nhưng với quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam; phương thức thanh toán theo định suất sẽ tạo ra bước đột phá trong năm 2021, để bước sang 2022, đây sẽ là phương thức chủ đạo trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT ngoại trú...