Lợi ích kép

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, trung bình cứ một ngày hàng hóa bị chậm trễ trong khâu thông quan thì lượng hàng xuất nhập khẩu sẽ giảm xuống 1%. Tại ASEAN, trung bình mất khoảng 20 ngày cho việc xuất khẩu, nhập khẩu cho một chuyến hàng. Điều này làm tăng chi phí cho DN, cản trở sự tăng trưởng kinh tế. “Áp dụng cơ chế hải quan một cửa sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất giảm thiểu các chi phí này”, WB khuyến cáo.

Theo Tổng cục Hải quan, thực hiện cơ chế ASW và NSW sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trong việc dịch chuyển hàng hóa tại cửa khẩu biên giới; Nhà đầu tư Việt Nam có khả năng hội nhập tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; Chính phủ có điều kiện nâng cao năng lực thực thi chính sách tại cửa khẩu thông qua khả năng phân tích dữ liệu trong khi vẫn duy trì được tính bảo mật; Người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận được hàng hóa nhanh hơn do thời gian thông quan hàng hóa nhanh; Cộng đồng DN có thể tiết kiệm được hàng triệu USD thông qua giảm thời gian làm thủ tục hải quan bởi tính đơn giản, hài hòa và tự động hóa; DN thương mại và vận tải quốc tế sẽ có điều kiện áp dụng phương thức quản lý mới, tiết kiệm chi phí cũng như giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, có cơ hội cạnh tranh cao.

Việc triển khai ASW không chỉ mang lại những tiện ích trực tiếp cho DN mà còn là những lợi ích lớn cho Chính phủ các quốc gia. Cụ thể như: Nâng cao kiểm soát nhằm đối phó với những rủi ro ngày càng cao đã khiến các cơ quan kiểm soát biên giới gặp nhiều khó khăn khi thực thi các quy định bằng phương thức thủ công. Môi trường điện tử của ASW đảm bảo sự minh bạch và nâng cao tính tuân thủ; Sự tương kết của ASW và NSW sẽ cho phép các công chức có thể kiểm tra, tham chiếu các chứng từ thương mại xuyên biên giới cũng như các chứng từ do các cơ quan chính phủ cấp thông qua các cơ sở dữ liệu quốc gia, khu vực và các hệ thống tình báo khác; Các nước thành viên ASEAN có thể tin cậy vào hệ thống kiểm soát của các quốc gia khác, như việc thông tin có thể chỉ cần kiểm tra tại một hệ thống mà không cần phải thực hiện kiểm tra lại tại các hệ thống khác. Điều này sẽ tăng cường hội nhập khu vực; Khi việc xử lý thông quan từng bước trở thành phi giấy tờ, các cơ quan chính phủ có thể cung cấp cho DN một môi trường dễ dự báo và hiệu quả hơn…

Nhân rộng tính ưu việt

Theo lộ trình đặt ra, trong năm 2013 NSW được thực hiện thí điểm ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Giao thông Vận tải và một số cơ quan nhà nước địa phương thuộc các ngành tài chính, công thương và giao thông vận tải. Năm 2014 sẽ mở rộng thí điểm tới các cơ quan thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên Môi trường và một số cơ quan nhà nước địa phương.

Với lộ trình và cơ chế đã được xác định, DN hoạt động xuất nhập khẩu làm thủ tục hải quan chỉ cần nộp và trao đổi thông tin, chứng từ chuẩn hóa dưới dạng điện tử hoặc giấy tờ tới một điểm tiếp nhận duy nhất để hoàn thành tất cả các yêu cầu liên quan đến xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, thiết bị, phương tiện vận tải. Các giao dịch thương mại quốc tế phải sử dụng nhiều giấy tờ, chứng từ với nhiều thủ tục kê khai, yêu cầu cung cấp thông tin trùng lặp, việc xử lý thông quan hàng hóa chậm… đang ngày càng lỗi thời sẽ dần được thay thế.

Tính ưu việt của ngân sách nhà nước là rất rõ ràng, song đây cũng là một vấn đề lớn, phức tạp, liên quan đến nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành khác nhau đòi hỏi cần phải xử lý thỏa đáng các mối quan hệ (giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa cơ quan nhà nước với DN, cơ quan nhà nước với người dân). Vì vậy, các bộ, ngành liên quan cần phải nỗ lực cao trong việc triển khai nhiệm vụ, đặc biệt đối với hải quan (cơ quan đầu mối) trong việc kết nối, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện lộ trình nêu trên đang chậm hơn so với dự kiến. Vì vậy, trong kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về ASW và Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký ban hành ngày 15/4/2013 đã xác định tập trung vào việc xây dựng Cổng Thông tin Hải quan một cửa quốc gia kết nối với các hệ thống thành phần của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, phấn đấu khai trương cổng thông tin này trong tháng 8/2013.

Lộ trình thí điểm thực hiện cơ chế Hải quan một cửa

- Từ tháng 1-12/2013, thí điểm thực hiện ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Giao thông vận tải và một số cơ quan Nhà nước ở địa phương thuộc các ngành tài chính, công thương và giao thông vận tải;

- Từ tháng 1-12/2014 mở rộng thí điểm thực hiện ở các cơ quan thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cơ quan Nhà nước ở địa phương thuộc các ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường.

- Tháng 12/2014, tổng kết việc thí điểm và đề xuất phương án triển khai chính thức Cơ chế hải quan một cửa quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.

Theo Quyết định 48/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 7 - 2013

Bước tiến lớn từ Hải quan một cửa

Minh Thế

(Tài chính) Áp dụng cơ chế hải quan một cửa ASEAN (ASW) và hải quan một cửa quốc gia (NSW) là yêu cầu cần thiết của phát triển và hội nhập. Thực hiện tốt cơ chế này mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các cơ quan quản lý. Ngành Hải quan Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan nhanh chóng triển khai vận hành cơ chế này vào thực tiễn…

Xem thêm

Video nổi bật